Khu Di tích Dục Thanh - Nơi sáng ngời gương Bác trong công tác giáo dục thanh thiếu niên

03:05, 28/05/2014

Khu Di tích Dục Thanh nằm trong hệ thống di tích lưu niệm danh nhân Chủ tịch Hồ Chí Minh. Công trình được trùng tu và phục dựng vào năm 1978 và hoàn tất vào tháng 12/1980...

Khu Di tích Dục Thanh nằm trong hệ thống di tích lưu niệm danh nhân Chủ tịch Hồ Chí Minh. Công trình được trùng tu và phục dựng vào năm 1978 và hoàn tất vào tháng 12/1980. Từ đó đến nay đã trở thành một trong những nơi giáo dục truyền thống và tư tưởng cũng như tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt là phong cách nhà giáo và phương pháp giáo dục học sinh của Người.
 
Trường Dục Thanh ở Phan Thiết - nơi Bác Hồ dừng chân dạy học trước khi ra đi tìm đường cứu nước
Trường Dục Thanh ở Phan Thiết - nơi Bác Hồ dừng chân dạy học trước khi ra đi tìm đường cứu nước
 
Trường Dục Thanh được xây dựng vào năm 1907 do hai ông Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Quốc Anh là con trai của Nguyễn Thông - một nhà nho yêu nước nổi tiếng với những hoạt động xã hội ở Việt Nam vào giai đoạn cuối thế kỷ XIX. Trường Dục Thanh được xây dựng trên mảnh đất của gia đình ông. Trường được thành lập nhằm mục đích giáo dục thanh thiếu niên nên mới có tên gọi là Dục Thanh. Chương trình giảng dạy của trường nhằm dạy chữ Quốc ngữ là chính, ngoài ra còn dạy chữ Hán Nôm, chữ Pháp và thể dục thể thao. Thông qua các môn học, nhà trường giáo dục cho học sinh về lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Trường Dục Thanh được đánh giá là một trường tư thục có nội dung giảng dạy tiến bộ thời bấy giờ. Nơi đây cũng chính là điểm dừng chân của Bác trước khi ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Khu di tích Dục Thanh hiện nay thuộc số 139 đường Trưng Nhị, thành phố Phan Thiết. Khi đến đây, ngoài ngôi trường Dục Thanh, du khách còn được thăm một số di tích nổi tiếng gắn với nhà nho đồng thời cũng là nhà thơ Nguyễn Thông như: gác “Ngọa Du Sào” (Tổ nằm chơi) – nơi Bác vẫn thường đến đọc sách khi dạy học ở đây, nhà thờ Nguyễn Thông,..
 
Ngược dòng lịch sử về với những năm 1908, khi Người còn là một thanh niên trẻ tuổi mang tên Nguyễn Tất Thành đang học ở Trường Quốc học Huế, được tham gia đấu tranh và chứng kiến cảnh đàn áp đẫm máu của thực dân Pháp đối với phong trào chống thuế của nhân dân Trung kỳ. Nhận thức được những gì viết trong sách vở và những bài giảng ở trường lúc bấy giờ đều trái ngược với thực tế nên Người đã quyết định thôi học và đi dần vào Nam để có điều kiện ra nước ngoài tìm hiểu xem những gì ẩn dấu sau cái được gọi là “tự do, bình đẳng, bác ái” của Cách mạng Pháp.
 
Đi dọc dải đất miền Trung trên đường từ Huế vào Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành đã ghé thăm rất nhiều nơi, nhưng cuối cùng Người đã quyết định dừng chân ở Phan Thiết. Sau khi gặp gỡ và được sự giới thiệu của cụ nghè Trương Gia Mô (là bạn đồng môn với cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Người), Người đến dạy học ở Trường Dục Thanh vào tháng 9/1910. Lúc này Nguyễn Tất Thành mới 20 tuổi, là thầy giáo trẻ nhất của Trường Dục Thanh nhưng thầy Thành đã sớm có tư tưởng và phương pháp giảng dạy rất mới mẻ, tiến bộ. Bằng trách nhiệm của người thầy giáo với tất cả tấm lòng yêu nước, yêu thương con trẻ, thông qua những môn học mà mình phụ trách thầy đã có những sáng tạo phong phú truyền đạt nhằm giúp cho học trò hiểu bài một cách nhanh nhất. Tư tưởng và phương pháp giảng dạy của thầy giáo Nguyễn Tất Thành được thể hiện ở bản thân thầy là một tấm gương không chỉ về kiến thức sâu rộng mà là một con người biết sống vì mọi người, đạo đức trong sáng, lối sống giản dị, nhân ái cho học trò noi theo. Theo Người: giảng dạy không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức mà điều quan trọng là thông qua đó người thầy phải thể hiện được sự quan tâm, lòng thương yêu sâu sắc đối với học sinh và phải là tấm gương sáng cho các em noi theo. Chính vì vậy khi lên lớp thầy giảng rất nhiệt tình, những bài khó bao giờ cũng giảng chậm, kỹ rồi lấy ví dụ rất dí dỏm gắn liền với thực tế để các trò mau hiểu bài. Khi các trò phạm lỗi, thầy chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo rồi cho về chỗ để các trò bình tĩnh ôn lại bài. Đặc biệt, thầy cũng rất công bằng trong việc chấm điểm, cho điểm. Không bao giờ dùng điểm để phạt học trò. Trường hợp trò chưa thuộc bài, thầy yêu cầu học lại cho đến khi thuộc mới thôi, sau đó mới tiến hành cho điểm nhưng chắc chắn sẽ thấp hơn so với những trò thuộc bài lần đầu. Tôn trọng nhân cách học trò là một trong những điều mà thầy Thành đặc biệt chú ý quan tâm. Người đã từng tâm sự với các đồng nghiệp trong trường: “Các em còn nhỏ làm sao không phạm lỗi, ta phải thương yêu dạy bảo các em chứ đừng làm cho các em sợ. Học trò là những con người còn nhỏ tuổi, nhưng đã làm người thì cần phải trân trọng”.(1). Thầy luôn dùng tình cảm của người anh, người thầy đi trước để giáo dục các em và đánh giá đúng năng lực của từng học sinh và hướng các em tới những tri thức mới. Lấy việc tự học làm cốt lõi và thầy thường tổ chức ngoại khóa, dẫn học sinh tham quan thắng cảnh hoặc di tích lịch sử, kể chuyện danh nhân, anh hùng dân tộc hay đọc các bài thơ ca yêu nước cho học trò nghe nhằm giáo dục tư tưởng, lòng yêu nước cho học sinh. Những buổi học ngoại khóa đã rất thú vị và bổ ích, góp phần mở mang kiến thức và hiểu biết thêm về thực tế cuộc sống, giáo dục tư tưởng, lòng yêu nước cho học sinh. Tuy dạy học ở Trường Dục Thanh trong thời gian ngắn (9/1910 - 6/1911) nhưng tư tưởng yêu nước và phương pháp giáo dục khoa học, tiến bộ của Người đã góp phần giúp cho Trường Dục Thanh đạt được mục đích mà nhà trường đã đề ra (2).
 
Đã hơn một thế kỷ qua nhưng bài học và những phương pháp dạy và học của Người trong giáo dục học sinh vẫn còn nguyên giá trị mà chúng ta, đặc biệt là ngành giáo dục đào tạo cần phải học tập và vận dụng trong quá trình cải cách giáo dục để làm tốt công tác giảng dạy và học tập trong các trường học hiện nay. 
 
Dục Thanh là một trong những khu di tích quan trọng trong hệ thống di tích lịch sử lưu niệm về danh nhân Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày nay, ở đây, ngoài việc gìn giữ bảo tồn và giới thiệu phục vụ khách tham quan, còn luôn tổ chức các hoạt động kỷ niệm sự kiện, và những sinh hoạt chính trị như: dâng hoa viếng Bác, lễ báo công dâng Bác của các lực lượng vũ trang (công an, quân đội); kết nạp đoàn viên, đảng viên; các cuộc sinh hoạt chuyên đề của các trường cao cấp chính trị, quân sự, các cơ quan trong tỉnh và ngoài tỉnh khi có nhu cầu đăng ký tổ chức phục vụ tại khu di tích.
 
(1), (2) Theo nguồn tư liệu thuyết minh của các đồng nghiệp tại Khu Di tích Dục Thanh cung cấp.
 
Đoàn Bích Ngọ