"Kí ức đỏ" về Điện Biên Phủ

10:05, 08/05/2014

(LĐ online) - Những ngày qua, tại Lâm Đồng đã diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa chào mừng kỉ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2014). Qua đó, kí ức hào hùng về chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 60 năm đã được tái hiện một cách sinh động qua lời kể của các nhân chứng.

(LĐ online) - Những ngày qua, tại Lâm Đồng đã diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa chào mừng kỉ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2014). Qua đó, kí ức hào hùng về chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 60 năm đã được tái hiện một cách sinh động qua lời kể của các nhân chứng.
 
Ông Dương Xuân Thúy, sinh năm 1928, quê huyện Vụ Bản (Nam Định) hiện ở đường Nguyễn Công Trứ, TP Bảo Lộc, nguyên phóng viên của Đại đoàn công pháo 351 (Sư đoàn 351), cho biết: “Người Pháp là bậc thầy về sử dụng pháo binh nhưng tại Điện Biên Phủ, họ đã bị pháo binh của ta áp đảo. “Ma trận” pháo binh do bộ đội ta bày ra và những màn nã pháo dữ dội, chuẩn xác của pháo binh ta đã khiến quân Pháp khiếp sợ”.
 
Đại tá Hoàng Ngọc Thương, nguyên Đại đội phó Đại đội 91, (Trung đoàn 480, Sư đoàn 351) trong chiến dịch Điện Biên Phủ nhớ lại:
 
-Những năm kháng chiến chống Pháp, ta chỉ có vài khẩu pháo cũ kỹ thu được từ tay phát-xít Nhật. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng pháo binh của ta được bổ sung thêm 24 khẩu pháo 105mm. Đây là vũ khí do Mĩ viện trợ cho quân đội Tưởng Giới Thạch, được bộ đội ta và Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc thu hồi khi giải phóng miền Nam Trung Quốc. Dù đã có pháo nhưng số lượng đạn lại rất hạn chế,  việc di chuyển những khẩu đại pháo nặng hàng chục tấn lên Điện Biên gặp rất nhiều khó khăn do địa hình đèo dốc hiểm trở, lại chỉ thực hiện bằng sức người. 
 
Được biết, Sư đoàn 351 lúc này do đồng chí Phạm Ngọc Mậu làm Chính ủy (đồng chí Phạm Ngọc Mậu sau này là Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam). Trong cả các buổi kéo pháo, đồng chí Chính ủy đều đích thân chỉ huy, động viên tinh thần bộ đội. Nhằm giảm tối đa thiệt hại cho bộ đội và vũ khí, khi triển khai trận địa, tất cả thân pháo đều nằm trong công sự, chỉ có bộ phận xạ giới chìa ra ngoài, mỗi khẩu pháo được đặt cách nhau tối thiểu 50m, tùy vào địa hình. “Khi đi kiểm tra, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị các đơn vị phải xây dựng thêm các trận địa giả nhằm đánh lừa, phân tán hỏa lực địch. Bộ đội đã đi chặt cây luồng, sơn màu đen cho giống nòng pháo và đắp công sự y như thật. Mỗi trận địa giả đều bố trí có 1 chiến sĩ nấp sâu trong công sự, lúc nào pháo thật bắn thì đồng chí ấy có nhiệm vụ rung nòng pháo giả để nó “giật giật” như pháo thật, bộ đội ta còn đốt rơm rạ, cho nổ lựu đạn, bộc phá … để thu hút, đánh lừa địch. Khi ta mở màn chiến dịch, quân Pháp rất bất ngờ và không hiểu tại sao Việt Minh lại nhiều pháo như vậy. Chúng đâu biết phần lớn đều là pháo giả”- Ông Thúy cho biết.
 
Tại chiến dịch Điện Biên Phủ, trong khi ta chỉ có 24 khẩu đại pháo 105 ly thì Pháp đã có 45 khẩu. Chỉ huy trưởng pháo binh Pháp lúc này là tên Đại tá Piroth, y vốn là sĩ quan pháo binh kì cựu từng tham gia chiến trường ở Bắc Phi trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Khi mới lên Điện Biên, Piroth cho rải truyền đơn thách thức pháo binh ta, đồng thời huênh hoang tuyên bố “Chỉ cần pháo binh Việt Minh khai hỏa, sau 2 phút, toàn bộ pháo binh của Việt Minh sẽ phải câm họng”.
 
Tuy nhiên, Piroth cũng như toàn bộ Bộ Chỉ huy chiến dịch Pháp tại Điện Biên Phủ đã không thể lường trước được sức mạnh của pháo binh ta. 17h ngày 13-3, 40 khẩu pháo từ 40 đến 105mm đồng loạt nã đạn vào cứ điểm Him Lam. Trận pháo kích kéo dài 2 giờ đồng hồ với hơn 2.000 quả đạn đã khiến cho địch bị thiệt hại nặng nề. Pháo binh Pháp cuống cuồng bắn trả nhưng hầu hết chỉ vu vơ. Trong cơn hoảng loạn, tên chỉ huy pháo binh Piroth đã phải tự sát bằng lựu đạn vào ngày 15-3.
CCB Nguyễn Hữu Thu. Ảnh: B.Trưởng
CCB Nguyễn Hữu Thu. Ảnh: B.Trưởng

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu – Chủ tịch Hội CCB huyện Di Linh, cho biết: “Trên địa bàn huyện Di Linh hiện còn có 70 cán bộ, chiến sĩ đã từng tham gia chống Pháp đang sinh sống; trong đó, có 25 cán bộ, chiến sĩ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và có 20 gia đình là thân nhân liệt sĩ thời chống Pháp”. Chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ CCB Nguyễn Hữu Thu và CCB Nguyễn Văn Liêng, là 2 trong số những CCB đã từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

 
CCB Nguyễn Hữu Thu tâm sự: Tôi sinh năm 1928, quê ở xã Nam Hưng, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương; hiện ở tại Tổ dân phố 16, thị trấn Di Linh. Tôi tình nguyện tham gia bộ đội từ tháng 2/1946, thuộc Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 141, Sư đoàn 312. Không nhớ hết, tôi chỉ nhớ là vào năm 1947, tham gia cùng Tiểu đoàn đánh vào Phủ Thông và sau đó tham gia nhiều trận đánh khác, như ở Him Lam, bắc Sân Bay (lúc đó tôi là Trung đội trưởng)… Khi đánh bắc Sân Bay, tôi bị thương và được đưa về Quân y điều trị gần 1 tháng. Đến ngày 6/5/1954, khi tôi trở lại đơn vị, thì ngày hôm sau (7/5), Chiến dịch Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi. Chiến trường Điện Biên gian khổ lắm. Trong thời gian ở đây, tôi không thể kể hết được. Trong mọi thời khắc của những trận đánh với giặc Pháp, tôi gan dạ lắm, chỉ biết nổ súng và xung phong! 
 
CCB Nguyễn Văn Liêng
CCB Nguyễn Văn Liêng. Ảnh: B.Trưởng
CCB Nguyễn Văn Liêng hồ hỡi: Tôi sinh năm 1932, quê ở Thanh Hóa; hiện ở tại thôn 8, xã Tân Châu, huyện Di Linh. Tôi tham gia bộ đội vào năm 1951 và sau đó được phân công về đơn vị Thông tin, thuộc Sư đoàn 304. Từ khi tham gia bộ đội, tôi được phân công ở tuyến sau để phục vụ (giai đoạn I), không tham gia trực tiếp chiến đấu. Trong thời gian tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi đã bị thương. Đến khi kết thúc thắng lợi Chiến dịch (1954), tôi được cử đi học và sau đó phân công tác về Học viện Lục quân cho đến khi nghỉ hưu… Trong những năm tháng ở Chiến trường Điện Biên, tôi chứng kiến không khí hào hùng và tinh thần bất khuất, chịu đựng hy sinh, gian khổ của quân và dân ta; từ đó, đã giúp tôi hun đúc ý chí và rèn luyện để trưởng thành.  
 
Một số nhân chứng khác cho biết, cùng với thời điểm diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân Liên khu 5 trong đó có tỉnh Lâm Đồng đã liên tục tiến công, làm cho địch bị tổn thất nặng nề, hình thành thế trận phối hợp với Điện Biên. Trên đất Lâm Đồng, Trung đoàn 812 và du kích Lâm Đồng đã mở trận tập kích vào các đồn La Giày, Gia Bát, Tánh Linh trong đêm 6 rạng ngày 7-5-1954, giải phóng hơn 10.000 dân khỏi ách kìm kẹp của địch, làm tan rã hệ thống tề, điệp, gây hoang mang dao động tinh thần binh lính địch. Góp phần căng kéo, kìm chân địch, hỗ trợ cho quân ta tiến công, giành thắng lợi hoàn toàn tại Điện Biên Phủ vào chiều ngày 7-5.
 
Theo thống kế của Hội Cựu chiến binh tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện còn 127 cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, hầu hết các đồng chí quê miền Bắc, sau năm 1975 chuyển vào sống tại Lâm Đồng. 60 năm qua, các chiến sĩ Điện Biên năm xưa tại Lâm Đồng vẫn luôn phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” và có những đóng góp đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ quốc phòng-an ninh cho tỉnh nhà. 
 
Vũ Đình Đông – Bùi Trưởng