Chiến thắng Điện Biên Phủ: Những góc nhìn khoa học

04:05, 08/05/2014

Mặc dù 60 năm đi qua, sự kiện ĐBP "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" đã được rất nhiều hội thảo khoa học trong nước và trên thế giới nghiên cứu, nhưng nó vẫn còn là đề tài luôn luôn hấp dẫn. 

Ngày 7/5, Trường Đại học (ĐH) Đà Lạt tổ chức Hội thảo khoa học về Chiến thắng Điện Biên Phủ (ĐBP) với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà giáo, nhà quân sự trong và ngoài nhà trường. Mặc dù 60 năm đi qua, sự kiện ĐBP “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã được rất nhiều hội thảo khoa học trong nước và trên thế giới nghiên cứu, nhưng nó vẫn còn là đề tài luôn luôn hấp dẫn. 
 
Chủ tịch UBND tỉnh tặng quà cho CCB Nguyễn Hữu Đàm
Chủ tịch UBND tỉnh tặng quà cho CCB Nguyễn Hữu Đàm

Hội thảo tuyển chọn 15 báo cáo khoa học, tập trung vào những chủ đề quan trọng như: nghệ thuật quân sự Việt Nam trong Chiến dịch ĐBP; hậu phương và hậu cần trong chiến dịch; phương châm chiến lược; hệ thống giao thông, vai trò phụ nữ; ý nghĩa lịch sử của chiến thắng ĐBP; bài học kinh nghiệm về phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc; vai trò tổ chức và lãnh đạo của Đảng trong chiến dịch ĐBP; sự phối hợp đấu tranh quân sự và ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta v.v... Trong tham luận “Chiến thắng ĐBP - 60 năm nhìn lại”, Trưởng khoa Quốc tế học, Trường ĐH Đà Lạt - PGS,TS. Cao Thế Trình bày tỏ cảm xúc của mình về ý nghĩa chiến thắng ĐBP, về Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chiến sỹ Điện Biên “mãi mãi lung linh, ngời sáng trong tâm khảm của các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau; là niềm kiêu hãnh, tự hào cho tất cả những ai đã và đang đấu tranh cho độc lập, tự do, cho những giá trị cao đẹp của loài người”. Tác giả khẳng định chiến thắng ĐBP có tầm vóc lớn lao; một trong những “nghịch lý” lớn nhất của thế kỷ XX và chân lý: một dân tộc nhỏ bé, người không đông nhưng nếu quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do và có đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, dân tộc đó sẽ chiến thắng bất kỳ một kẻ thù xâm lược nào. Những bài học quý trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay là: sức mạnh đoàn kết; tinh thần vượt khó, sáng tạo, nhanh chóng vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao của khoa học - kỹ thuật; tinh thần lạc quan cách mạng, niềm tin mãnh liệt vào tiền đồ tất thắng của dân tộc…
 
Ở tham luận khác, TS. Bùi Văn Hùng phân tích ĐBP là nhân tố quyết định thắng lợi hội nghị Geneve. Tác giả kết luận: “ĐBP và Hiệp định Geneve là bước phát triển cao của nghệ thuật tổ chức chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc và giải phóng dân tộc, trước hết là phương châm chiến lược vừa đánh vừa đàm, dùng thắng lợi quân sự buộc kẻ thù phải ngồi vào bàn đàm phán chấm dứt chiến tranh, thừa nhận chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc của nhân dân ta. Thắng lợi của đường lối đấu tranh đó là cơ sở quan trọng cho Đảng và Nhà nước ta phát huy trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trong thời kỳ tiếp sau (1954-1975)”. Phân tích về nghệ thuật quân sự, đến từ Học viện Lục quân Đà Lạt, thượng úy Hoàng Ngọc Sơn cho rằng: sự thay đổi phương châm tác chiến ở ĐBP là quyết định sáng suốt, kịp thời và có giá trị đến hiện nay. Cũng đến từ đơn vị này, đại tá, TS. Lê Văn Thanh đưa ra nhiều “Suy ngẫm về bài học phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc của chiến thắng ĐBP trong giai đoạn cách mạng hiện nay”. Tác giả kết luận: “Chiến thắng ĐBP là kết tinh của nhiều nhân tố, trong đó sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng là một trong những nhân tố quan trọng quyết định nhất. Trong bối cảnh hiện nay, tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến phức tạp. Để vượt qua những nguy cơ thách thức đưa sự nghiệp đổi mới đến thắng lợi hoàn toàn, nhân tố có ý nghĩa quyết định vẫn là phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng”. Khép lại tham luận, TS Thanh viết: “Chân lý ấy đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết: “Gốc có vững cây mới bền, Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.
 
Trong tham luận của mình, bằng nhiều luận điểm, luận cứ sinh động, TS. Hoàng Thị Như Ý (giảng viên Đại học Đà Lạt) đã tập trung phân tích vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng ta thể hiện ở đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, độc lập tự chủ, sáng tạo được vận dụng linh hoạt trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể, phù hợp với sự biến hóa khôn lường của thực tiễn. Đó còn là khả năng tổ chức huy động toàn bộ sức mạnh của cả dân tộc; nghệ thuật chỉ đạo chiến dịch một cách tài tình của Đảng ta trong cách đánh, tạo thế trận sáng tạo đầy mưu lược, nắm bắt đúng thời cơ chiến lược, thúc đẩy thời cơ chín muồi…
 
Hội thảo khoa học “Kỷ niệm 60 năm chiến thắng ĐBP (7/5/1954 – 7/5/2014)” do Trường ĐH Đà Lạt tổ chức đã góp phần nhìn nhận sâu hơn, toàn diện hơn, sinh động hơn về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, một chiến thắng lẫy lừng của dân tộc Việt Nam tương đương như trận Oa-téc-lô (1815) hay trận Stalingrát (1943) trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Xô viết.
 
MINH ĐẠO lược thuật