(LĐ online) - Đại tá Lương Đức Hạnh - Nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Tổng cục Hậu cần tình nguyện vào bộ đội tháng 8 năm 1953, lúc vừa tròn 19 tuổi. Hồi ở Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là chiến sĩ vận tải thuộc Trung đội 1, Đại đội 20, Tiểu đoàn 3, thuộc Phòng Cung cấp Đại đoàn 312. Ông đã tham gia "kéo pháo vào", "kéo pháo ra" và dự trọn 55 ngày đêm chiến dịch.
(LĐ online) - Đại tá Lương Đức Hạnh - Nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Tổng cục Hậu cần tình nguyện vào bộ đội tháng 8 năm 1953, lúc vừa tròn 19 tuổi. Hồi ở Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là chiến sĩ vận tải thuộc Trung đội 1, Đại đội 20, Tiểu đoàn 3, thuộc Phòng Cung cấp Đại đoàn 312. Ông đã tham gia “kéo pháo vào”, “kéo pháo ra” và dự trọn 55 ngày đêm chiến dịch.
|
Đại tá Lương Đức Hạnh - nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Tổng cục Hậu cần - chiến sĩ Điện Biên Phủ |
Nay tuy đã vào độ tuổi “bát tuần”, nhưng những kỷ niệm chiến đấu tiêu diệt quân xâm lược ở Điện Biên Phủ vẫn tươi rói trong ông.
Ông kể rằng: Bộ đội vận tải trong các trận đánh tuy ít trực tiếp đối mặt với quân địch nhưng thường bị “ăn” đạn pháo của địch nhiều hơn. Nhất là khi trận đánh kết thúc, bộ đội xung kích đã rút hết hoặc đã chốt giữ trận địa thì bộ đội vận tải phải vào trận địa đưa thương binh, tử sĩ về phía sau. Nếu không nhanh chóng, sẽ gặp lúc địch phản kích để chiếm lại trận địa hoặc cho phi pháo bắn phá tiêu hủy thương binh, tử sĩ của quân ta và cả của chúng nữa.
Trong trận đánh căn cứ Him Lam, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, trung đội ông phối thuộc với đại đội vận tải của Trung đoàn 141, đưa đạn vào trận địa và đưa thương binh, tử sĩ ra. Một kỷ niệm đau thương về sự hi sinh của đồng đội trong trận đánh ấy mà ông nhớ mãi đến giờ. Ấy là, khi vào trận địa để lấy thương binh, tử sĩ ra, ông và đồng chí Kê - Tiểu đội phó nhận một thương binh đã được băng bó, đưa lên cáng để chuyển gấp về phía sau phẫu thuật. Nâng cáng lên, đặt cáng xuống nhiều lần mà không thể khênh đi được vì đạn pháo địch nổ chát chúa bên mình. Đành phải 1 người nằm đẩy, 1 người nằm kéo đồng chí thương binh... Ra tới giao thông hào, cả 2 đều mệt nhoài nhưng vẫn lao đi rất nhanh để cứu sống đồng chí mình, đồng thời cũng phải quay lại thật nhanh để đưa thương binh, tử sĩ khác ra khỏi trận địa.
Khi cáng bạn đến chỗ ngoặt thì gặp một quả đạn pháo địch nổ đinh tai. Ông chỉ kịp thoáng thấy mình bị nhấc bổng lên rồi không biết gì nữa. Khi tỉnh dậy mới biết mình đang nằm trong hầm cấp cứu của đội điều trị tiền phương thuộc Đại đoàn 312. Các đồng chí trong tiểu đội kể lại: Quả đạn pháo địch nổ trúng đầu cáng phía đồng chí Kê. Chỉ còn lại một bàn chân của Kê nằm dưới đường hào, còn đồng chí thương binh nằm trên cáng văng lên bờ hào, hi sinh, riêng ông thì bị đất vùi lấp gần hết, anh em bới lên đưa về cấp cứu.
Nghe chuyện của ông Hạnh, chúng tôi không giấu nổi xúc động, một người hỏi ông: “Xin đồng chí đại tá - chiến sĩ Điện Biên Phủ cho biết ấn tượng không phai của ông về Điện Biên Phủ”. Ông trả lời: “Có rất nhiều điều! Ví dụ: sự hy sinh của đồng đội đã luôn luôn nhắc nhở tôi trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải sống và làm việc sao cho xứng đáng với vong linh của họ. Trong đời bộ đội, tôi không bao giờ quên những ngày chiến đấu vô cùng gian khổ, vô cùng ác liệt ở chiến trường Điện Biên Phủ. Tôi cũng không bao giờ quên giờ phút vui mừng, cả một vùng rừng núi bạt ngàn tiếng reo hò của quân ta còn to hơn, vang xa hơn tiếng bom đạn quân thù, khi nhìn thấy quân địch ở trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, lũ lượt giơ tay đầu hàng...”.
HOA FĂNG