Những người lưu giữ "văn hóa nhà dài"

04:05, 14/05/2014

Những năm qua, khi đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã được nâng lên đáng kể, dưới tác động của kinh tế thị trường, cùng với sự giao thoa văn hóa, đồng bào đã đầu tư xây dựng nhiều ngôi nhà xây rất khang trang. 

Những năm qua, khi đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã được nâng lên đáng kể, dưới tác động của kinh tế thị trường, cùng với sự giao thoa văn hóa, đồng bào đã đầu tư xây dựng nhiều ngôi nhà xây rất khang trang. Trong khi nhiều hộ dân đã phá bỏ những ngôi “nhà dài” truyền thống của dân tộc mình, thì đâu đó vẫn còn có một số ít hộ lưu giữ được những đẹp “văn hóa nhà dài”.   
 
Ông K’Điệp bên ngôi nhà dài truyền thống
Ông K’Điệp bên ngôi nhà dài truyền thống
 
Nhà dài là một trong những nét bản sắc văn hoá truyền thống độc đáo riêng có của đồng bào các DTTS Nam Tây Nguyên. Tuy nhiên, bản sắc văn hoá truyền thống này ở các vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã bị mai một. Qua tìm hiểu thực tế, nhà dài trên địa bàn huyện Di Linh hiện tồn tại rất hiếm hoi, chỉ đếm “trên đầu ngón tay”. 
 
Được UBND xã Bảo Thuận giới thiệu, tôi đến thăm một số ngôi nhà truyền thống còn “sót” lại và hầu như những ngôi nhà này ít nhiều cũng đã bị biến hóa, không còn nguyên vẹn nét riêng có. Ông K’Brệp (ở thôn Kròt Sớk) cho biết rằng, đã hơn 60 mùa rẫy rồi, nhưng ông luôn cảm thấy tự hào và hạnh phúc. Một hạnh phúc khá đơn giản là vì ông còn lưu giữ được ngôi nhà truyền thống của dân tộc mình. Điều đó cũng phải thôi, bởi 1.431 nóc nhà ở xã Bảo Thuận nay chỉ có ngôi nhà của ông và một vài (rất ít) ngôi nhà khác, tuy không còn nguyên vẹn, nhưng ít nhiều vẫn còn “dáng dấp” là nhà dài truyền thống. Vì nó không dài (chỉ dài độ 16 - 18 mét) như những ngôi nhà dài truyền thống của ông cha thuở xưa (dài tới vài chục mét). “Nhà dài cũng là tài sản quí của gia đình tôi, nên tôi không phá bỏ mà phải giữ lại nó cũng như tất cả các sản vật quí mà ông bà tổ tiên để lại như chiêng, chóe, mâm đồng… với mong muốn để giúp cho con cháu sau này hiểu được mỹ tục của ông cha thời xưa cũng như những nét đẹp, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình” – Ông K’Brệp nói.
 
Cất được ngôi nhà dài phải mất nhiều năm trời, ông và dòng tộc vào rừng kiếm những cây gỗ quí hàng trăm năm tuổi, có độ bền chắc như gỗ sao, cà chí, dầu... Một số cây gỗ được cưa xẻ từ năm 1968. Với ông, ngôi nhà là một niềm tự hào và là một “gia tài” vô giá, chẳng những của riêng ông mà còn cho cả thế hệ con cháu mai sau. Trong ngôi nhà của ông hiện vẫn còn lưu giữ chiêng và khoảng 50 cái chóe lớn, nhỏ giá trị. Năm 2009, ông K’Brệp đầu tư xây dựng ngôi nhà mới trị giá trên 400 triệu đồng. Nếu so với ngôi nhà mới này, thì ngôi nhà dài làm bằng gỗ, mái lợp tôn của ông chẳng thể so bằng, nhưng giá trị về mặt văn hóa truyền thống của một tộc người, quả là vô giá. 
 
Còn với vợ chồng ông K’Điệp (97 tuổi) và bà Ka Hiều (ở thôn Hàng Kàr, xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm), vợ chồng ông đều là những người tham gia cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Khi đất nước hoàn toàn được giải phóng, trở về với cuộc sống đời thường, ông bà tích cực vận động bà con DTTS ở địa phương tham gia lao động sản xuất, xây dựng đời sống mới. Với vai trò là già làng của xã, cùng với việc tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, ông cũng thường xuyên nhắc nhở bà con mình cần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Bên cạnh ngôi nhà xây, ông bà vẫn lưu giữ ngôi nhà dài (nhà sàn) truyền thống cùng với kho thóc… Không gian nhà ông bà sống động của một cư dân sống trên núi rừng Tây Nguyên. Ngoài việc lưu giữ nhà dài, ông bà còn truyền dạy cho con cháu biết các lễ hội “cúng rẫy”, “gieo hạt” và lễ hội “Nhô rơhe”; hướng dẫn cách lấy vỏ cây rừng, pha trộn với một số nguyên liệu khác để ủ rượu cần… 
 
Ông K’Điệp cho biết: “Trước đây, nhà dài của người Châu Mạ nó rất dài và có nhiều thế hệ chung sống với nhau. Hiện nay, rất khó để tìm thấy những ngôi nhà dài còn đúng nguyên bản như thời xa xưa. Còn nhà dài của tôi chỉ mang tính chất tượng trưng. Vì đây là bản sắc văn hóa của dân tộc mình, nên cần được lưu giữ. Khi có khách, tôi tiếp đón khách ở nhà xây. Còn mọi lễ nghi, sinh hoạt trong gia đình đều diễn ra trên nhà dài. Bởi ở đó nó có bếp lửa, chiêng, chóe và các vật dụng sinh hoạt khác đã nhiều năm gắn bó với các thế hệ trong gia đình. Mỗi khi vào ngôi nhà dài, tôi cảm thấy rất ấm cúng và gần gũi”. 
 
Một điều đã được khẳng định, với đồng bào DTTS bản địa ở Lâm Đồng, nhà dài không chỉ là nơi sinh hoạt hàng ngày của gia đình, dòng tộc mà nó còn là không gian thiêng, không thể thiếu trong đời sống tâm linh. Bởi nó không chỉ là nơi sinh hoạt, hội họp mà còn là nơi tổ chức các nghi lễ thờ cúng thần linh. Có thể nói, nhà dài đồng bào DTTS là một sản phẩm vật thể rất độc đáo, không chỉ về mặt kiến trúc, kết cấu phù hợp với cuộc sống, sinh tồn của những tộc người sống trên núi rừng Tây Nguyên, mà còn ở cách thức khai thác không gian sinh hoạt và hình thức tổ chức xã hội trong một ngôi nhà của một gia đình và của một dòng tộc. 
 
Trong những năm gần đây, trước sự tác động của nền kinh tế thị trường và quá trình đô thị hoá cùng với sự giao thoa văn hóa, văn hoá nhà dài đã bị mai một. Nhiều hộ đồng bào DTTS đã phá bỏ những ngôi nhà dài truyền thống để xây dựng những ngôi nhà bằng gạch, bằng bê tông đẹp khang trang phù hợp với xu thế cuộc sống hôm nay là điều tất yếu. Tiếp cận “cái mới” là chuyện dĩ nhiên, nhưng cũng cần phải biết chọn lọc “cái cũ” để bảo tồn, gìn giữ cho hậu thế; trong đó, có “nhà dài”, một nét văn hóa không thể thiếu. Cách nghĩ và việc làm của ông K’Brệp, ông K’Điệp là điều rất đáng được trân trọng.
 
NDONG BRỪM