Những vi phạm trong bảo vệ môi trường

04:05, 11/05/2014

Trong năm 2013 và các tháng đầu năm nay, Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường tỉnh và ở các huyện, thành đã phát hiện trên 320 vụ vi phạm về môi trường với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính trên 1 tỷ đồng.  

Trong năm 2013 và các tháng đầu năm nay, Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường tỉnh và ở các huyện, thành đã phát hiện trên 320 vụ vi phạm về môi trường với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính trên 1 tỷ đồng.  
 
Thu giữ thịt động vật hoang dã kinh doanh trái phép trong một cuộc phối hợp truy quét
Thu giữ thịt động vật hoang dã kinh doanh trái phép trong một cuộc phối hợp truy quét
 
Là một tỉnh miền núi, chủ yếu sản xuất nông nghiệp, dân cư thưa, tốc độ đô thị hóa chậm, tỷ lệ rừng còn cao so với các tỉnh trong khu vực nhưng những năm gần đây, Lâm Đồng đã phải đối mặt với những vấn nạn môi trường của mình. Trong năm 2013, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Công an Lâm Đồng đã phát hiện 118 vụ vi phạm về môi trường liên quan đến 86 cá nhân, 47 tổ chức. Các ngành chức năng tỉnh đã xử lý hành chính 65 vụ về môi trường với 30 cá nhân, 35 tổ chức, phạt vi phạm với tổng số tiền 444 triệu đồng. Cùng đó, Cảnh sát môi trường thuộc các huyện trong năm 2013 cũng phát hiện 165 vụ vi phạm về bảo vệ môi trường; đã khởi tố 53 vụ với 83 bị can, xử phạt hành chính 79 vụ với tổng số tiền phạt 554 triệu đồng. 
 
Chỉ tính trong các tháng đầu năm 2014, ngành chức năng đã phát hiện 39 vụ vi phạm về môi trường trong tỉnh; trong đó có 19 vụ thiếu thủ tục hồ sơ về bảo vệ môi trường trong kinh doanh sản xuất, 7 vụ vi phạm khai thác bảo vệ rừng,  5 vụ vi phạm pháp lệnh bảo vệ động vật hoang dã, 4 vụ gây ô nhiễm môi trường (các vụ còn lại là những vi phạm qui định về an toàn thực phẩm, đất đai, khai thác khoáng sản…). Tỉnh đã xử phạt hành chính 12 vụ liên quan đến 6 tổ chức, 6 cá nhân với tổng tiền phạt 73,5 triệu đồng; chuyển các cơ quan chức năng khác giải quyết 16 vụ; tạm giữ 73,4 m3 gỗ các loại, tịch thu 11 cá thể động vật hoang dã; 6,2 ký thịt rừng đông lạnh; 339 ký mứt không rõ nguồn gốc; 13 máy móc phương tiện các loại... 
 
 Theo đại tá Nguyễn Hùng Đấu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Công an Lâm Đồng, vi phạm phổ biến nhất hiện nay trong địa bàn tỉnh là tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, cụ thể là khai thác thiếc, vàng, cát đá cho xây dựng... Rất nhiều cơ sở khai thác này không có giấy phép hoặc giấy phép đã hết hạn nhưng chưa xin phép lại hoặc ngành chức năng không cấp lại nhưng vẫn cứ tiếp tục làm. Không ít trường hợp được cấp phép nhưng trong quá trình khai thác không thực hiện đầy đủ cam kết bảo vệ môi trường, xả nước thải, khí thải ra môi trường, gây tiếng ồn trong khu dân cư. Đa phần những trường hợp này được cộng đồng dân cư chứng kiến nên người dân phản ứng mạnh mẽ, có người gửi đơn thư khiếu nại, gọi điện thoại đến báo các ngành chức năng đề nghị xử lý.
 
Một vấn đề khác cũng khá nổi cộm là vi phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng. Đó là các hành động đốn hạ cây cối, phá rừng, khai thác rừng trái phép của các tổ chức hoặc cá nhân; vận chuyển cất giấu lâm sản, buôn bán động vật hoang dã. Thông qua sự phản ánh của người dân, ngành chức năng tỉnh đã bắt tận tay nhiều đường dây khai thác gỗ lậu quí hiếm trái phép; tập kích vào các nhà hàng điểm buôn bán kinh doanh trái phép, tịch thu một lượng không nhỏ các con thú rừng, thịt động vật hoang dã. 
 
Một vi phạm nữa vẫn thường gặp trong những năm gần đây tại Lâm Đồng là việc xả trái phép nước thải chưa xử lý ra môi trường. Không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trà, cà phê ít nhiều vi phạm điều này. Thay vì phải xử lý tốn kém, nước thải bằng cách công khai hay lén lút đưa thẳng ra môi trường tự nhiên, gây ô nhiễm sông suối, ao hồ; ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân trong vùng. Điển hình trong năm 2013 là vụ phát hiện và xử phạt Cty Nông sản Thực phẩm Lâm Đồng vì xả nước thải chưa xử lý ra môi trường. 
 
An toàn thực phẩm cũng là một vấn đề nổi cộm mà Cảnh sát môi trường lưu ý. Điển hình nhất trong thời gian vừa qua là việc kinh doanh bánh mứt không rõ nguồn gốc, từ nước ngoài nhập vào, sau đó được đóng nhãn mác “đặc sản Đà Lạt” để bán cho người tiêu dùng, du khách. Hầu hết các loại bánh mứt này đều quá hạn, ẩm mốc , được người bán “xử lý” lại. Trong năm 2013, Cảnh sát môi trường tỉnh phối hợp với Quản lý thị trường cùng các ngành chức năng đã thu được một lượng không nhỏ mứt mất vệ sinh như thế mang đi tiêu hủy. 
 
Quản lý rác thải y tế cũng là một mối lo hiện nay của môi trường Lâm Đồng. Một số trung tâm y tế cấp huyện hiện vẫn chưa có hệ thống xử lý rác thải y tế riêng biệt; đặc biệt là các cơ sở y tế tư nhân vẫn đưa rác thải y tế ra môi trường. “Đành rằng lượng rác thải y tế ở các cơ sơ này còn ít nhưng lâu dần sẽ tích tiểu thành đại, là một gánh nặng cho môi trường” - ông Đấu nhận xét. 
 
Và cuối cùng, theo Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường tỉnh, lượng rác thải độc hại  trong tỉnh đang thải ra môi trường ngày càng nhiều. Đó là các bo mạch máy tính bị hư, bình ắc qui, pin hết hạn, bóng đèn điện hỏng… Những phế phẩm này chứa các kim loại độc hại nếu không được xử lý riêng sẽ làm hại đất. Nghiêm trọng nhất hiện nay chính là dầu nhớt thải. Nhiều cơ sở sửa chữa xe máy, xe hơi khi thay nhớt cũ cứ thản nhiên xả thẳng vào hệ thống thoát nước thải công cộng bình thường, đưa thẳng ra ao hồ, sông suối. “Chúng tôi đã làm việc với các đại lý vận tải lớn trong tỉnh về việc thu gom tập trung dầu nhớt cũ để xử lý riêng nhưng chưa làm việc đại trà được với tất cả các cơ sở nhỏ lẻ trong tỉnh. Lâm Đồng đến nay vẫn chưa có công ty chuyên xử lý đầu nhớt thải này nên về lâu dài tỉnh cần có một đơn vị chuyên trách xử lý nhớt cũ cùng chất thải công nghiệp độc hại để không làm tổn hại môi trường” - ông Đấu cho biết.
 
Điều đáng ghi nhận là công tác quản lý bảo vệ môi trường của tỉnh đã ngày càng đi dần vào nề nếp. Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường tỉnh cho biết đã phối hợp rất tốt với các đơn vị chức năng khác của tỉnh như Thanh tra Môi trường của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh, Kiểm lâm, Quản lý thị trường, Y tế dự phòng… có qui chế phối hợp với nhau. Cảnh sát Môi trường tỉnh cũng được  tăng thêm biên chế với đội ngũ cán bộ có chuyên môn, trang thiết bị chuyên dụng. Tuy nhiên, lực lượng Cảnh sát môi trường cấp huyện hiện nay vẫn còn khá mỏng, đa số kiêm nhiệm nên cũng là một điều hạn chế. “Chúng tôi rất cần tai mắt của người dân. Mỗi năm hiện nay có khoảng 20-30 vụ do dân phát hiện nên người dân trong cộng đồng thấy gì bất thường cứ báo và chúng tôi sẽ cùng vào cuộc”- ông Đấu khẳng định.
 
Viết Trọng