Phía trước tay lái là cuộc sống

04:05, 22/05/2014

"Phía trước tay lái là cuộc sống" là câu khẩu hiệu nhắc nhở các tài xế lái xe phải tuyệt đối tuân thủ luật giao thông đường bộ và các quy định về sức khỏe, tránh mỏi mệt khi cầm lái, để hạn chế tai nạn giao thông (TNGT), bảo đảm an toàn cho chính mình và cả cộng đồng.

Lâm Đồng hiện có 39 doanh nghiệp và HTX kinh doanh vận tải, với khoảng 1.140 đầu xe. Cùng với các giải pháp tăng cường siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện, vừa qua, Sở Giao thông - Vận tải Lâm Đồng đã tổ chức rà soát và thực hiện khám sức khỏe tập trung, kiểm tra ma túy cho đội ngũ lái xe tại các đơn vị vận tải. Đã có 1.318/1.750 lái xe được khám sức khỏe và chưa phát hiện trường hợp nghiện ma túy.
 
Kiểm tra sức khỏe cho lái xe tại Trung tâm Y tế Đà Lạt
Kiểm tra sức khỏe cho lái xe tại Trung tâm Y tế Đà Lạt
 
“Phía trước tay lái là cuộc sống” là câu khẩu hiệu nhắc nhở các tài xế lái xe phải tuyệt đối tuân thủ luật giao thông đường bộ và các quy định về sức khỏe, tránh mỏi mệt khi cầm lái, để hạn chế tai nạn giao thông (TNGT), bảo đảm an toàn cho chính mình và cả cộng đồng. Ông Trương Hữu Hiệp - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Lâm Đồng, cho biết: Trong thời gian gần đây, tình hình tai nạn giao thông diễn ra hết sức phức tạp. Mỗi năm, cả nước có gần 10 ngàn người chết, tỉnh Lâm Đồng có xấp xỉ 150 người chết vì TNGT. TNGT xảy ra do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do phương tiện giao thông tăng nhanh và ý thức của người tham gia giao thông, đặc biệt là người điều khiển phương tiện giao thông. Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều giải pháp, nhằm ngăn chặn TNGT, nhưng TNGT vẫn tăng, tỉ lệ TNGT liên quan đến xe khách, xe tải… cao, do lái xe đường dài, lái xe trên 4 giờ liên tục, nhất là khi lái xe sử dụng rượu bia, hoặc sử dụng ma túy… 
 
Thượng tá Nguyễn Văn Bính - Phó trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Lâm Đồng) cho biết: Theo đánh giá, hiện nay, cả nước có khoảng 182 ngàn người nghiện ma túy, nhưng thực tế phải có hơn 300 ngàn người nghiện. Nếu tính mỗi ngày một người nghiện sử dụng ma túy hết 100 ngàn, thì họ đã tiêu tổng cộng 30 tỷ đồng/ngày cho ma túy. Lâm Đồng có khoảng 2.000 người nghiện, nếu tập hợp đến hết tháng 12/2014 thì có tới 2.300 người nghiện, đó là chưa kể đối tượng nghiện trong giới gái mại dâm. Việc cai nghiện tập trung không hiệu quả, nên Chính phủ cho sử dụng thuốc Metanol để cai nghiện tại cộng đồng. Nhưng, thực tế là nhiều người nghiện khi có tiền, họ sử dụng ma túy, hết tiền họ mới đến cơ sở y tế lấy thuốc, khiến cho việc nghiện trở thành nặng hơn, tình hình càng phức tạp hơn. 
 
Thanh thiếu niên và lái xe sử dụng phổ biến là loại ma túy tổng hợp. Tình trạng lái xe sử dụng ma túy hiện nay rất nhiều, nhất là tài xế xe đường dài. Đây là loại ma túy không gây nghiện tức thì. Khi họ bắt đầu sử dụng cảm thấy rất tỉnh táo, không gây buồn ngủ, không cần ăn… Nhưng khoảng một tháng sẽ gây ảo giác, ức chế hệ thần kinh trung ương, tạo cảm giác lâng lâng không xác định… Sau 3 tháng thì nghiện. Ở Lâm Hà và Đạ Huoai có 2 tài xế đã nghiện ma túy theo kiểu này. Ông Hồ Hữu Hoàng – Giám đốc Công ty Mai Linh khu vực miền Trung - Tây Nguyên, kiêm Giám đốc Mai Linh Đà Lạt cho biết: Công ty có khoảng 600 lái xe, kinh doanh vận tải ở Lâm Đồng được hơn 10 năm. Đội ngũ lái xe của Mai Linh luôn được yêu cầu phải có kỹ năng tốt, lái xe minh mẫn. Do đó, quy trình tuyển chọn lái xe của Mai Linh cũng rất nghiêm ngặt. Ngoài các quy định về tiêu chuẩn nghề nghiệp và đạo đức người lái xe, trước khi vào làm việc chính thức, nhân viên Mai Linh phải qua một đợt tổng kiểm tra sức khỏe, trong đó có xét nghiệm ma túy. Định kỳ hàng năm, Mai Linh cũng tiến hành kiểm tra sức khỏe cho toàn thể nhân viên của công ty.
 
Người điều khiển phương tiện giao thông là người quyết định mọi vấn đề trên hành trình của mình. Đối với lái xe của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải như xe tải, xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch… thì còn phải bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản trên xe. Do đó, lái xe phải có sức khỏe, có trình độ, có đạo đức và tuyệt đối tuân thủ Luật Giao thông đường bộ. Các doanh nghiệp vận tải kiên quyết không để lái xe không đủ tiêu chuẩn về sức khỏe điều khiển phương tiện kinh doanh vận tải. Các cơ quan quản lý tuyên truyền nâng cao trách nhiệm và đạo đức của người lái xe. Việc quản lý các phương tiện vận tải cũng được chú trọng, như: gắn thiết bị giám sát hành trình, đưa trung tâm kiểm định, chiết xuất kết quả giám sát hành trình vào hoạt động, kiểm tra lái xe chạy quá tốc độ, quá thời gian cho phép, chở quá trọng tải… Việc đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe đường bộ cũng có nhiều thay đổi theo Đề án “Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe đường bộ” của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nhằm nâng cao nhận thức, đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng điều khiển phương tiện trên đường cho người lái xe.
 
LÊ HOA