Phong trào thi đua lao động sáng tạo kỹ thuật trong nông dân

04:05, 11/05/2014

Những năm qua, phong trào sáng tạo kỹ thuật trong nông dân toàn tỉnh diễn ra khá sôi động. Điều này đã cho thấy đang có sự phát triển về chất cũng như tiềm năng to lớn của giai cấp nông dân trong việc thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo Nghị quyết của Tỉnh uỷ, góp phần đưa nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, nông thôn. 

Những năm qua, phong trào sáng tạo kỹ thuật trong nông dân toàn tỉnh diễn ra khá sôi động. Điều này đã cho thấy đang có sự phát triển về chất cũng như tiềm năng to lớn của giai cấp nông dân trong việc thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo Nghị quyết của Tỉnh uỷ, góp phần đưa nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, nông thôn. 
 
Những giải pháp sáng tạo kỹ thuật của nông dân góp phần mang lại hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp
Những giải pháp sáng tạo kỹ thuật của nông dân góp phần mang lại hiệu quả
trong sản xuất nông nghiệp
 
Một minh chứng cụ thể để khẳng định rằng nông dân đã thực sự “vào cuộc” với hoạt động sáng tạo kỹ thuật là việc hưởng ứng cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức. Nhiều nông dân đã “bắt tay” vào việc nghiên cứu, học tập, ứng dụng công nghệ  sinh học vào sản xuất nông nghiệp, dần khơi dậy phong trào sáng tạo kỹ thuật trong lao động sản xuất và đời sống của nông dân. Trong cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ IV, 5 giải pháp của nông dân trong tỉnh đã đạt giải. Đặc biệt là giải pháp “Máy dồn đất vào vỉ xốp” của nông dân Nguyễn Hồng Chương xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương đạt giải nhì cuộc thi do Hội Nông dân tỉnh tổ chức và giải nhất hội thi cấp tỉnh; giải pháp “Giá đỡ chăm sóc heo con” của nông dân Than Bình, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng đạt giải ba cuộc thi do Hội Nông dân tỉnh tổ chức và giải ba hội thi cấp tỉnh; giải pháp “Máy xay phế phẩm hữu cơ nông nghiệp” của nông dân Vũ Đình Phúc phường 7, Đà Lạt đạt giải nhì hội thi Hội Nông dân, giải nhì hội thi cấp tỉnh và giải khuyến khích cấp quốc gia.
 
Trước đó, hưởng ứng cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông do Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ KH & CN và Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam phát động, năm 2006, Hội Nông dân tỉnh có 6 giải pháp sáng tạo kỹ thuật của các nông dân như: máy thái cỏ nuôi bò sữa của ông Nguyễn Văn Xưởng, máy băm cỏ của ông Phan Xuân Kiển cùng ở huyện Đơn Dương; máy tuốt bắp của ông Kơ Să Ha Tang ở huyện Lạc Dương; máng sưởi heo con bằng nguyên liệu bi - ô - ga của ông Than Bình ở huyện Đức Trọng; công trình xây dựng vùng cà phê sạch, an toàn, bền vững của ông Phạm Xuân Trường ở thành phố Bảo Lộc… Kết quả, giải pháp của ông Phạm Xuân Trường đạt giải ba và giải pháp của ông Than Bình đạt giải khuyến khích. 
 
Các giải pháp của nông dân chủ yếu tập trung ở lĩnh vực sáng kiến, cải tiến phương tiện sản xuất. Hầu hết các giải pháp dự thi đều có giá trị khoa học và thực tiễn, có tính mới, tính sáng tạo, đã được ứng dụng, kiểm nghiệm… Đặc biệt có giải pháp đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận sáng kiến lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam và đã được xuất khẩu ra một số nước như giải pháp “Máy dồn đất vào vỉ xốp” của nông dân Nguyễn Hồng Chương ở huyện Đơn Dương đã phát triển thành sản phẩm xuất khẩu qua Malaysia. “Tuy những nông dân này không được đào tạo qua các lớp chuyên môn kỹ thuật, nhưng từ thực tiễn sản xuất, họ đã sáng chế ra những máy móc rất thiết thực và hiệu quả, tính ứng dụng cao. Đa số các công trình đều có ý tưởng xuất phát từ thực tế, từ những trăn trở của người nông dân, sau khi hoàn thành lại quay trở lại phục vụ cho sản xuất của chính gia đình và nông dân quanh vùng. Chính điều này đã góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh của hàng hoá nông sản”, ông Nguỵ Xứng Hùng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng khẳng định. 
 
Tuấn Hương