Sức vươn của một ngôi trường

03:05, 15/05/2014

Nằm ở vùng ven thành phố, Trung học cơ sở Lam Sơn những năm gần đây đã vươn lên mạnh mẽ thành một ngôi trường có chất lượng dạy và học hàng đầu của Đà Lạt.

Nằm ở vùng ven thành phố, Trung học cơ sở Lam Sơn những năm gần đây đã vươn lên mạnh mẽ thành một ngôi trường có chất lượng dạy và học hàng đầu của Đà Lạt.
 
Đồng diễn thể dục của học sinh Trường THCS Lam Sơn
Đồng diễn thể dục của học sinh Trường THCS Lam Sơn
 
Nằm trên địa bàn phường 6, thành phố Đà Lạt, Trung học cơ sở (THCS) Lam Sơn được chính thức thành lập từ tháng 9 năm 1977, nhưng trước đó (từ tháng 8/1975) trường đã vận hành trên cơ sở tiếp nhận học sinh của Trường Văn Học cũ ở đây. Là một ngôi trường vùng ven nhưng THCS Lam Sơn đã không ngừng vươn lên, nhiều năm liền những năm gần đây là trường tiên tiến với chất lượng dạy và học vào loại hàng đầu của Đà Lạt. Năm 2011, THCS Lam Sơn là một trong các trường cấp THCS tại Đà Lạt đạt chuẩn quốc gia. 
 
Năm học 2013 - 2014 này, THCS Lam Sơn có trên 1.600 học sinh trong 38 lớp học từ khối lớp 6 đến khối lớp 9, trong đó có 24 học sinh người dân tộc thiểu số, 5 học sinh khuyết tật. Toàn trường có 75 cán bộ giáo viên, trong đó có 72 giáo viên trực tiếp đứng lớp, hầu hết đều đạt và vượt chuẩn đào tạo qui định. Trường có tổng diện tích trên 8.300m 2 với 21 phòng học trong các dãy nhà 3 tầng khá khang trang, có 7 phòng bộ môn trang bị khá đầy đủ trang thiết bị bên trong, trong đó có 2 phòng tin học với 59 máy tính.
 
Nâng chất lượng dạy và học cho học sinh là công tác hàng đầu của trường. Theo thầy Bùi Khắc Tú - Hiệu trưởng, hằng năm nhà trường triển khai nhiều chuyên đề nâng cao chất lượng dạy học và giáo dục trong trường. Hầu hết giáo viên của trường đều biết ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, thiết kế giáo án điện tử. Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu được trường chú trọng; hạn chế thấp nhất lượng học sinh lưu ban, học sinh bỏ học. Kết quả, hằng năm tỉ lệ học sinh lên lớp của trường luôn đạt trên 95%; tốt nghiệp THCS đạt từ 98% đến 100%. 
 
Đặc biệt trong 3 năm gần đây, số học sinh của trường đạt học sinh giỏi cấp thành phố và học sinh giỏi cấp tỉnh luôn tăng, là một trong những trường THCS có lượng học sinh giỏi cấp thành phố và cấp tỉnh cao của Đà Lạt. Năm học 2011 – 2012, trường có 37 học sinh giỏi cấp thành phố, 12 học sinh giỏi cấp tỉnh; năm học 2012 – 2013, trường có 39 học sinh giỏi cấp thành phố, 16 học sinh giỏi cấp tỉnh và trong năm học 2013 - 2014 này, trường đã tổ chức 10 lớp bồi dưỡng học sinh giỏi cho 10 bộ môn, trong 72 học sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố có 44 em đạt; 25 học sinh dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh có 17 em đạt, trong đó có học sinh đạt điểm tuyệt đối 20/20. Trường còn có học sinh những năm gần đây đạt nhiều giải cấp tỉnh về Hùng biện tiếng Anh (trong đó có giải nhất), Tin học trẻ cấp tỉnh (cũng có giải nhất) và trong năm học này học sinh của trường đã có mặt tại vòng thi quốc gia giải Tin học trẻ toàn quốc. 
 
Lam Sơn còn là trường thực hiện rất tốt các hoạt động ngoài giờ lên lớp cho học sinh. Nhà trường thông qua sinh hoạt lớp, các buổi nói chuyện dưới cờ, các hoạt động chủ điểm của Đoàn, Đội; văn nghệ, TDTT... để giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Hằng năm trường có không ít hoạt động thu hút đông đảo học sinh và cả phụ huynh cùng tham gia, điển hình nhất là chương trình biểu diễn “Vòng tay bè bạn” với các tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn do chính học sinh trường thực hiện. Bắt đầu từ năm học 2011- 2012 đến nay, chương trình văn nghệ này hằng năm thu được một khoản kinh phí tương đối lớn (khoảng 70 triệu đồng) để trường thực hiện gian hàng tình thương nhằm giúp đỡ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. “Kết quả lớn nhất qua chương trình này chính là việc giáo dục cho các em tình tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách”, biết chia sẻ giúp đỡ nhau; tích cực góp phần xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” - thầy Tú cho biết.
 
Để xây dựng trường lớp khang trang “trường ra trường, lớp ra lớp”, bên cạnh nguồn kinh phí được cấp, nhà trường còn đứng ra vận động sự ủng hộ của Hội phụ huynh học sinh để tăng thêm nguồn lực tu bổ lại cơ sở vật chất của trường. Nhiều hạng mục thông qua việc “xã hội hóa” giáo dục như thế đã được thực hiện tại trường như làm lại nhà vệ sinh cho học sinh và giáo viên, lắp đặt hệ thống nước lọc, sửa chữa bàn ghế cũ, trang bị máy vi tính, máy chiếu phục vụ dạy học, sơn quét lại các phòng học cũ, trồng hoa, trồng cây xanh trong khuôn viên trường.
 
Đáng kể nhất trong những hạng mục trên là việc cải tạo lại sân thể dục thể thao của trường. Đây là một sân đất, nắng bụi mưa lầy, trước đây thành phố Đà Lạt đã từng lên kế hoạch đưa khu đất này vào diện quy hoạch xây dựng nhà ở nhưng nhà trường đấu tranh mới giữ lại được. Trường đã phối hợp với Hội phụ huynh học sinh, vận động thêm các nhà hảo tâm ủng hộ để sửa chữa sân, làm lại hệ thống thoát nước, phủ bê tông mặt sân, làm đường chạy, hố nhảy cho học sinh học thể dục, xây lại hàng rào… với tổng kinh phí trên 300 triệu đồng.
 
Một trong những điều đáng ghi nhận khi chúng tôi đến đây chính là ngôi trường rất sạch sẽ và việc giữ vệ sinh chung của học sinh trong trường đã đi vào nề nếp. Để làm được điều này, Ban giám hiệu nhà trường cho biết đang thực hiện rất tốt cuộc vận động “Trường học, lớp học không rác thải” do trường đề ra. Nhiều việc được làm để duy trì một ngôi trường sạch, không rác, chẳng hạn hằng tuần khi Ban giám hiệu họp với giáo viên chủ nhiệm lớp, một trong những nội dung đưa ra là nhận xét cụ thể tình hình vệ sinh của từng lớp, công khai việc kiểm tra của giám thị, tổng phụ trách, nhân viên y tế về vấn đề vệ sinh của các lớp trong trường. Trường tuyên dương những lớp giữ vệ sinh tốt, xử phạt những lớp chưa thực hiện nghiêm túc (chẳng hạn lớp chưa sạch thì có trách nhiệm trực vệ sinh sân trường 1 đến 2 buổi). Chính vì vậy, yêu cầu “Không xả rác để không phải nhặt rác” của trường đã được học sinh thực hiện rất nghiêm túc và đang trở thành ý thức chung trong giữ gìn vệ sinh công cộng. 
 
Nhiều năm liền gần đây, THCS Lam Sơn luôn đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, là một điển hình của thành phố Đà Lạt về “Xanh - sạch - đẹp” và phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
 
VIẾT TRỌNG