Thực hiện chính sách dân tộc ở Đức Trọng

03:05, 22/05/2014

Thực hiện chính sách ưu đãi đồng bào DTTS, đặc biệt là chính sách đầu tư phát triển sản xuất, hỗ trợ đời sống là một nhiệm vụ ưu tiên, quan trọng hàng đầu của huyện Đức Trọng.

Toàn huyện Đức Trọng có 55.379/166.393 người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm tỷ lệ 33%, gồm 11 DTTS gốc Tây Nguyên, 18 DTTS của các tỉnh miền Trung, miền Bắc, miền Nam di cư đến, sinh sống tập trung chủ yếu tại các xã: N’Thôn Hạ, Tà Hine, Tà Năng, Đa Quyn, Phú Hội và TT Liên Nghĩa. Nhìn chung, do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan, đồng bào DTTS của Đức Trọng còn nhiều yếu kém, hạn chế so với mặt bằng chung của huyện, nhất là trình độ phát triển sản xuất và đời sống vật chất, tinh thần. Vì vậy, thực hiện chính sách ưu đãi đồng bào DTTS, đặc biệt là chính sách đầu tư phát triển sản xuất, hỗ trợ đời sống là một nhiệm vụ ưu tiên, quan trọng hàng đầu của huyện Đức Trọng.
 
Chi trả tiền quản lý bảo vệ rừng cho đồng bào DTTS ở xã Đa Quyn, huyện Đức Trọng
Chi trả tiền quản lý bảo vệ rừng cho đồng bào DTTS ở xã Đa Quyn, huyện Đức Trọng
 
Trong những năm qua, thông qua các chương trình, dự án của TW và địa phương như: Chương trình 134, 135, 167, Chương trình ĐCĐC, “Giảm nghèo nhanh, bền vững”, “Nông thôn mới”, “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi”… Đức Trọng đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để giải quyết đất ở, đất sản xuất, làm nhà ở, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống và sản xuất trong vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn và tạo điều kiện để đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Trong đầu tư cơ sở hạ tầng, huyện đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi để phục vụ tưới tiêu cây trồng, đầu tư hệ thống đường GTNT để bà con thuận lợi trong lưu thông hàng hóa, đi lại và đầu tư xây dựng trạm y tế thôn, bản, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng cả về nhân lực, vật lực, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, học tập, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của đồng bào DTTS. Trong đầu tư phát triển sản xuất, cùng với việc đầu tư, hỗ trợ vốn, cây giống, con giống, kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc, công tác tuyên truyền, vận động của các ngành chức năng huyện được tiến hành thường xuyên, liên tục, hiệu quả, đã giúp bà con dân tộc từng bước thay đổi tập tục canh tác lạc hậu, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi và mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, đất đai, thị trường tiêu thụ. Theo đó, nhiều vùng đồng bào DTTS đã chuyển đổi diện tích sản xuất lúa một vụ sang trồng rau màu, củ cải, hoặc chuyển diện tích lúa rẫy sang trồng cây công nghiệp, chuyển đổi vườn tạp, vườn cà phê giống cũ sang trồng cà phê cao sản, cà phê catimo F6, bơ ghép, mít nghệ… cho năng suất, chất lượng hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đầu tư phát triển sản xuất, một mặt, huyện Đức Trọng cũng đã đầu tư phát triển chăn nuôi trong vùng đồng bào DTTS, bằng việc hỗ trợ con giống, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng chuồng trại, chăm sóc, dịch vụ thú y, định hướng thị trường… nên hầu hết các hộ đồng bào DTTS đã từ bỏ tập quán chăn nuôi thả rông, tổ chức nuôi nhốt chuồng trại, thậm chí nhiều hộ đã biết cách tổ chức chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng tập trung trang trại, với cơ cấu vật nuôi có giá trị kinh tế cao như gà vườn, bò laisind, bò sữa, dê, heo rừng lai… Mặt khác, đã tổ chức giao khoán QLBV hàng ngàn ha rừng cho hàng trăm hộ đồng bào DTTS, góp phần tăng thu nhập để ổn định cuộc sống cho người dân và quản lý, bảo vệ tốt rừng trên địa bàn huyện.
 
Bên cạnh đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, những năm qua, huyện Đức Trọng đã thực hiện tốt chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với đồng bào DTTS như: Cho vay lãi suất ưu đãi để phục vụ đời sống, sản xuất, chăn nuôi, hỗ trợ các mặt hàng nhu yếu phẩm, trợ giá, trợ cước, hỗ trợ học sinh, sinh viên, hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo theo Quyết định 1002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bình xét, hỗ trợ người có uy tín trong đồng bào DTTS… hàng trăm tỷ đồng, đã góp phần ổn định cuộc sống. Đặc biệt, huyện đã có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với con em đồng bào DTTS trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ DTTS, góp phần củng cố, phát triển bộ máy tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị, xã hội vùng đồng bào DTTS TSVM, vững mạnh toàn diện để nâng cao năng lực lãnh chỉ đạo, quản lý, điều hành, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương.
 
Đánh giá kết quả đạt được trong việc thực hiện chính sách dân tộc của địa phương, ông Dơ Woang Ya Gương - Trưởng phòng Dân tộc huyện Đức Trọng khẳng định: Chỉ trong 3 năm 2011-2013, huyện Đức Trọng đã đầu tư phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS với tổng số vốn lên đến 32.946 tỷ đồng. Việc đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nên nguồn vốn đầu tư phát huy được hiệu quả, đã góp phần làm khởi sắc bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS, KT-XH không ngừng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện nâng cao, niềm tin của đồng bào DTTS vào Đảng - Nhà nước - chính quyền địa phương được củng cố, nâng cao. Tuy nhiên, vẫn còn một số mặt tồn tại, hạn chế sau: Việc tổ chức quản lý, sử dụng một số công trình đã được đầu tư xây dựng thiếu chặt chẽ, chưa phát huy được hiệu quả cao, nhất là các công trình của Chương trình 134, 135. Tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước và cộng đồng còn tồn tại trong một bộ phận đồng bào DTTS. Việc đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở đôi lúc, đôi nơi thiếu đồng bộ, dàn trải, chưa đúng trọng tâm, trọng điểm, nên chưa phát huy được hiệu quả trong phục vụ sản xuất, sinh hoạt của đồng bào DTTS. Trên cơ sở phân tích nguyên nhân của thành công, hạn chế trong thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn huyện những năm qua, Phòng Dân tộc và UBND huyện Đức Trọng đã xây dựng những biện pháp, giải pháp thích hợp để việc thực hiện chính sách dân tộc những năm tới đạt kết quả cao hơn.
 
HOÀNG KIẾN GIANG