Đó là tâm niệm mà TS.Lê Thị Châu (Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên) đeo đuổi trong suốt 33 năm làm công tác nghiên cứu khoa học của mình.
Đó là tâm niệm mà TS.Lê Thị Châu (Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên) đeo đuổi trong suốt 33 năm làm công tác nghiên cứu khoa học của mình.
|
Tiến sĩ Lê Thị Châu |
Tốt nghiệp Khoa Sinh học, Trường ĐH Đà Lạt năm 1981, khi mới 21 tuổi chị Châu về công tác tại Phân viện Sinh học Tây Nguyên (nay là Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên). 21 đề tài khoa học mà chị đã thực hiện trong suốt thời gian qua là kết quả xâu chuỗi những tháng ngày đầy gian khó: lăn lộn với thực địa, tìm tiêu bản; những đêm chong đèn ngồi viết; những ngày miệt mài trong phòng thí nghiệm; háo hức, hồi hộp đợi kết quả thử nghiệm. Có thể kể các đề tài nghiên cứu có giá trị ứng dụng thực tiễn lớn của chị: “Ứng dụng công nghệ vi sinh để bảo quản hoa quả làm thức ăn”, “Sử dụng nấm men để chế biến rượu vang dâu tằm”, “Sưu tầm bộ tiêu bản giống nấm lớn vùng Đà Lạt – Lâm Đồng”, “Sản xuất kim chi từ rau cải thảo bằng phương pháp lên men lactic”, “Sử dụng vi sinh vật trong chế biến thức ăn cho người và động vật nuôi”, “Nghiên cứu nuôi trồng loài nấm Sò Vua”… Khi đã ở vào tuổi 50, niềm say mê ấy vẫn sục sôi như những ngày còn trẻ. Mới đây nhất, chị làm chủ nhiệm 2 đề tài lớn: “Sàng lọc các chất có hoạt tính sinh học từ các loài nấm lớn trong quần thể khu rừng trên tuyến đường mới Đà Lạt - Nha Trang” (đề tài cấp Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nghiệm thu đạt xuất sắc.
7 năm làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên (trước đây là Phân viện Sinh học Tây Nguyên), với số lượng cán bộ khoa học không nhiều, nhưng chị Châu đã lãnh đạo tập thể các nhà khoa học thực hiện trên 20 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học các cấp, nghiệm thu đều đạt loại khá trở lên. Hàng năm, Viện có trên 20 công trình công bố trên các tạp chí trong và ngoài nước. Hàng năm, Viện sản xuất và cung cấp cây giống cho địa phương Lâm Đồng trên 30.000 cây giống rau, hoa các loại.
Bằng trách nhiệm với cộng đồng, với nguồn tài nguyên quốc gia; cũng trong thời gian này, TS. Lê Thị Châu cùng tập thể các nhà khoa học trong Viện không ngừng thu thập, bảo quản và phát triển các bộ sưu tập mẫu vật của động vật, thực vật và nấm vùng Tây Nguyên, xây dựng Bảo tàng Tây Nguyên thành điểm tham quan du lịch bài bản, quy mô. Đam mê và cống hiến, TS Lê Thị Châu đã nhận được nhiều bằng khen, danh hiệu của các cấp trao tặng: 7 năm liền là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở (2007 - 2013), chiến sĩ thi đua cấp Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam năm 2012 (nay là Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam), danh hiệu Trí thức tiêu biểu trên mặt trận kinh tế - xã hội 2013 do Hội Trí thức khoa học và công nghệ trẻ VN bình chọn, nhiều bằng khen của UBND tỉnh Lâm Đồng, Liên hiệp Hội KHKT Lâm Đồng…
QUỲNH UYỂN