Vẫn còn mãi lời ru và những câu dân ca

03:05, 22/05/2014

Liên hoan Hát ru - Hát dân ca tỉnh Lâm Đồng năm 2014 đã khép lại, nhưng lời ru và những câu dân ca vẫn còn vang mãi. Hát ru và dân ca trong đời sống của người Việt Nam vô cùng ý nghĩa, như lời ca: "Tìm về lời ru trong câu truyện cổ cô Tấm dịu hiền từ thị bước ra.

Liên hoan Hát ru - Hát dân ca tỉnh Lâm Đồng năm 2014 đã khép lại, nhưng lời ru và những câu dân ca vẫn còn vang mãi. Hát ru và dân ca trong đời sống của người Việt Nam vô cùng ý nghĩa, như lời ca: “Tìm về lời ru trong câu truyện cổ cô Tấm dịu hiền từ thị bước ra. Tìm về lời ru trong câu dân ca gừng cay muối mặn để mà thương nhau. Tìm về lời ru, lời ru đất nước ngàn năm đánh giặc vẹn tròn hiếu trung. Tìm về lời ru dài theo đất nước, tìm câu hát mẹ ngọt ngào thiết tha…” (Tìm về lời ru của Đào Đăng Hoàn).
 
Ngọt ngào câu hát giao duyên
Ngọt ngào câu hát giao duyên
 
Sau 3 tháng Hội Phụ nữ tỉnh phát động Liên hoan Hát ru - Hát dân ca tổ chức ở cấp xã, phường, thị trấn, cấp huyện, thành phố, đến cấp tỉnh đã có hàng ngàn phụ nữ, trẻ em, nam giới tham gia với 660 tiết mục được trình diễn khuấy động phong trào nghệ thuật quần chúng, góp phần bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. 
 
Chị Lê Thị Dung, 37 tuổi, công tác tại Trường Tiểu học Lam Sơn - Di Linh biểu diễn tiết mục dân ca Nam Bộ “Gởi anh một khúc dân ca” bày tỏ: “Tôi thấy tự trong mỗi người đều có khả năng hát ru, hát dân ca, nếu bộc phát tự nhiên ai cũng hát được nhưng đi thi thì khó chứ không phải dễ”. Chị Phạm Thị Thường, 40 tuổi, là Hiệu phó Trường Tiểu học Lộc Sơn I - Bảo Lộc tham gia tiết mục hát ru Bắc Bộ “Cái cò cái vạc cái nông” tâm đắc: “Bài hát chỉ có 4 câu ngắn gọn nhưng phải thể hiện nỗi lòng của mình qua lời ru, gởi gắm thông điệp về hình tượng con cò giống như người phụ nữ xưa nay chịu thương chịu khó, khuyên con người sống thanh sạch. Tôi rất thích hát ru, nghe bố mẹ ru, đến lượt mình ru con, lời ru dễ đi vào lòng người, nhắn nhủ cho con phương châm sống, giáo dục con từ tấm bé. Bây giờ không thể bắt lớp trẻ theo mình, chúng thích nhạc trẻ, hip hop cũng tốt nhưng hãy giữ những gì truyền thống của dân tộc, cần nhân rộng hát ru, hát dân ca ở các thôn, xóm”. 
 
Chị Nguyễn Thị Thu Thảo, 38 tuổi, làm vườn ở xã Lộc An - Bảo Lâm thích dân ca Nam Bộ nên chọn bài “Lý cái mơn” trình bày với lời ca mượt mà trữ tình sâu lắng: “Đàn cò bay về nơi thương nhớ. Nhớ bến sông xưa in hình bóng của người yêu. Gió đưa mây, làn mây tím sóng xô ngập ngừng…”. Chị Thảo hát bài này ở cấp huyện đạt giải nhất nên tiếp tục đi biểu diễn ở cấp tỉnh. Còn chị Đỗ Thị Nga, 37 tuổi, làm vườn ở Lâm Hà hát quan họ Bắc Ninh bài “Ngồi tựa song đào” tâm sự: “Em quê gốc Bắc Ninh, biết hát quan họ từ bé và hiện đang sinh hoạt trong CLB dân ca thị trấn Nam Ban. Bố em làm Chủ nhiệm CLB dân ca quan họ Bắc Ninh của thị trấn Nam Ban, trong gia đình có cháu nhỏ 3 tuổi đã biết hát quan họ. Hát quan họ như thấm vào máu thịt của mình”.
 
Góp phần cho đội Đam Rông đoạt 2 giải quan trọng (giải nhất và giải ấn tượng cho màn chào hỏi) là tiết mục hát khan của dân tộc M’Nông bài “Lời ru M’Nông” do chị N’Du K’Măng hát và chị Ntor K’Ang thổi sáo. Hai chị đã phối hợp nhuần nhuyễn, nhập tâm say sưa theo lời ru. Một cô gái trong đoàn đã dịch cho tôi hiểu lời ru M’Nông: “…Ơ con ơi hãy ngủ! Mẹ thì gùi củi hái rau, cha thì lên núi bắt hươu săn nai, đôi chân trần cha đi buổi sớm mai. Ơ con ơi hãy ngủ! Mai này con khôn lớn làm cái nương cái rẫy cho lúa bắp đầy nhà. Mai này con khôn lớn để nối tiếp cha anh bảo vệ cho buôn làng, giữ gìn quê hương tươi đẹp”. Đây cũng là dịp để mọi người biết thế nào là hát khan M’Nông, chị N’Du K’Măng, 50 tuổi, cho biết: “Mình học hát ru từ mẹ nên không phải tập, cán bộ phụ nữ bảo đi thi là mình tham gia. Mình hát được giải A ở huyện Đam Rông nên bây giờ đi hát ở cấp tỉnh”. Còn chị Ntor K’Ang, 42 tuổi, tự làm cây sáo từ cây lồ ô già, cứng, nhỏ như chiếc đũa có trang trí chỉ màu sặc sỡ. Trong đoàn Đam Rông có 10 chị thì 2 chị dắt con nhỏ theo (một cháu 6 tháng và một cháu 2 tuổi) lên Đà Lạt 3 ngày để tham gia liên hoan hát ru - dân ca. Chị Phan Thị Cẩm - Chủ tịch Hội Phụ nữ Đam Rông cho biết: Đam Rông có 73% dân tộc thiểu số như: M’Nông, Cil, K’Ho, Mông… Vì vậy, Hội đã thành lập mô hình hát ru trong đồng bào ở xã Đạ M’Rông với 8 chị chủ yếu là người M’Nông và Cil. Sắp tới, Hội sẽ ra mắt 2 CLB cồng chiêng ở xã Đạ K’Nàng và xã Liêng SRôn, nhân rộng mô hình hát ru trong đồng bào. 
 
Một trong 6 tiết mục đạt giải A là bài “Ơ Mơ Lơi” dân ca Mạ-K’Ho do cô Păng ting Hút Drik, 21 tuổi, ở thị trấn Lạc Dương trình bày. Cô Păng ting Hút Drik giải thích bài hát là lời tỏ tình phổ biến trong đồng bào có nhiều người hát và bây giờ vẫn còn nhiều bạn trẻ trong buôn hát dân ca. Cô cho biết: “Em thích hát dân ca của dân tộc mình. Bà ngoại em thường hát dân ca nên từ bé em đã thuộc và thấy có cảm xúc, ý nghĩa”. Ban ngày đi lao động, chăm sóc cà phê, tối cô tham gia biểu diễn văn nghệ ở CLB văn hóa cồng chiêng của thị trấn Lạc Dương, biết đánh chiêng và hát dân ca. Păng ting Hút Drik rất tự hào về bà ngoại Păng ting Phè, 80 tuổi, thuộc nhiều bài dân ca, từ những bài hát truyền miệng, qua trí nhớ của bà đã được các nhạc sĩ trong buôn ghi chép, ghi âm lại và phối nhạc hiện đại để biểu diễn trong những đêm lửa cồng chiêng dưới chân núi Langbian. 
 
Bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch Hội Phụ nữ Lâm Đồng, Trưởng Ban tổ chức Liên hoan Hát ru - Hát dân ca tỉnh Lâm Đồng cho biết: Liên hoan có nhiều chương trình dàn dựng kết hợp hát ru, dân ca ba miền (Bắc - Trung - Nam) và của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên tạo nên sự độc đáo, phong phú, thể hiện sắc thái tinh tế của văn hóa Nam Tây Nguyên, trong đó Lâm Đồng là ngôi nhà đại đoàn kết của 34 dân tộc anh em. Với tinh thần đoàn kết, giao lưu, học hỏi, liên hoan hát ru - dân ca là sân chơi ý nghĩa, động viên phụ nữ trẻ kế thừa, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Từ liên hoan này, Hội Phụ nữ các cấp tiếp tục duy trì, xây dựng, phát triển mô hình CLB hát dân ca - hát ru tại cơ sở.
 
DIỆU HIỀN