Ya Piáp - Sợi dây gắn kết cộng đồng

03:05, 15/05/2014

Đặt trọn niềm tin vào ông Ya Piáp, suốt 30 năm qua, người dân Churu ở thôn Ka Đê, xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương đã đề cử ông làm trưởng thôn. Chính sự tận tụy, nhiệt tình và có trách nhiệm với công việc, ông Piáp đã gắn kết hạnh phúc cho biết bao gia đình, khơi dậy khối đại đoàn kết, keo sơn gắn bó trong cộng đồng Kinh - Thượng đang cộng sinh nơi đây. 

Đặt trọn niềm tin vào ông Ya Piáp, suốt 30 năm qua, người dân Churu ở thôn Ka Đê, xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương đã đề cử ông làm trưởng thôn. Chính sự tận tụy, nhiệt tình và có trách nhiệm với công việc, ông Piáp đã gắn kết hạnh phúc cho biết bao gia đình, khơi dậy khối đại đoàn kết, keo sơn gắn bó trong cộng đồng Kinh - Thượng đang cộng sinh nơi đây. 
 
Ông Ya Piáp bên cậu bé đang được ông cưu mang là Hồ Văn Mậu, người xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đi làm thuê bị thất lạc
Ông Ya Piáp bên cậu bé đang được ông cưu mang là Hồ Văn Mậu, người xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đi làm thuê bị thất lạc
 
Ông Ya Piáp năm nay 68 tuổi nhưng đã có 30 năm đảm đương công việc trưởng thôn. Cái nhiệm vụ của trưởng thôn Ya Piáp bấy lâu nay lặng lẽ thực hiện thoạt tưởng nhỏ, nhiều khi chẳng mấy ai để ý, nhưng kỳ thực ra không phải vậy. Nếu không có những người trưởng thôn tận tụy như ông đứng ra làm trung gian hòa giải cho các xích mích, mâu thuẫn phát sinh trong đời sống cộng đồng và chính nội bộ những gia đình của thôn thì nhiều mái ấm nay không còn được hòa thuận, yên vui. Ya Piáp kể: “Phong tục của người Churu mình tuy đã khác xưa nhiều rồi nhưng tư tưởng thì vẫn còn nặng nề lắm, nhất là trong đầu những người tóc đã bạc như mình. Vẫn còn trường hợp ai mà vi phạm nếu không được tuyên truyền, hòa giải kịp thời thì chắc chắn sẽ bị phạt vạ, bồi thường nặng nề lắm. Có khi phải bán cả ruộng vườn đi để sắm lễ nộp phạt vạ đó!...”. Đến nay, tròn 30 năm làm trưởng thôn, Ya Piáp không còn nhớ rõ mình đã hòa giải thành công và đem lại hạnh phúc, yên vui cho biết bao nhiêu gia đình nữa. Mất khá nhiều phút để cố lần lại trong trí nhớ, cuối cùng Ya Piáp cũng chỉ trả lời chúng tôi là: “Nhiều lắm… một mình cái đầu này không thể nào nhớ nổi…”. Rồi Ya Piáp tra sổ, rành rọt kể cho chúng tôi nghe những vụ hòa giải thành công gần đây nhất. Đó là trường hợp một đôi vợ chồng trẻ do mâu thuẫn tình cảm nên người chồng bỏ về nhà mẹ đẻ, nhà vợ kéo sang đòi phạt vạ một con bò, lại thêm mấy ché rượu cần. Bên nào cũng cho là mình đúng, không ai chịu nhường nhìn, nhận lỗi. Sự việc đang căng như dây đàn, hạnh phúc của một gia đình đã trên bờ vực đổ vỡ thì Ya Piáp cùng các đoàn thể, mặt trận của thôn xuất hiện can thiệp. Chỉ vài hôm sau, họ thấy đôi vợ chồng trẻ này đã hớn hở chở nhau trên chiếc xe gắn máy ra đồng hái ớt. Chúng tôi hỏi, bí quyết nào giúp ông hòa giải hiệu quả như vậy? Ông Ya Piáp khiêm tốn trả lời: “Không có bí quyết gì cả, trong mỗi cuộc hòa giải mình để cho hai bên trình bày. Đừng vội nói là bên này đúng, bên kia sai. Ban đầu cứ động viên họ xử theo tập tục người Churu mình như thế là đúng rồi. Tiếp đó mình mới phân tích đúng sai, áp dụng chủ trương, chính sách, pháp luật mới của Đảng và Nhà nước phạt vạ là không còn đúng nữa. Nó lạc hậu từ lâu rồi, mình phải sống tiên tiến thôi. Đồng bào Churu mình giờ cũng dễ tiếp thu rồi, mình nói phải, họ nghe có lý là làm theo thôi!...”. 
 
Rồi cũng chính Ya Piáp là người đứng ra hòa giải thành công cho hàng chục hộ có phát sinh tranh chấp về lĩnh vực đất đai hay những mâu thuẫn khác mà không cần có sự hiện diện của lãnh đạo cấp xã, huyện. Và hiện tại, vai trò của trưởng thôn Piáp lại càng to lớn hơn bao giờ hết trước cuộc vận động toàn dân trong thôn thực hiện chủ trương hiến đất làm đường, góp sức người, sức của để xây dựng thành công nông thôn mới. Ya Piáp cho biết: “Thôn mình giờ khang trang lắm, nhà tầng mọc lên nhiều, đường nhựa sạch sẽ, cuộc sống đã được cải thiện rõ rệt. Người Kinh, người Thượng chung sống hòa đồng, đoàn kết lắm. Thôn không có tình trạng trộm cắp, đua xe, không có những vụ cãi nhau ầm ĩ gây mất an ninh trật tự. Người dân ấm no, hạnh phúc lắm rồi!...”.
 
Ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương cho biết, ông Ya Piáp là một trong những già làng trưởng bản xuất sắc bậc nhất của xã. Trong suốt thời gian làm trưởng thôn Ka Đê đến nay, ông luôn là người đi đầu, là chiếc cầu nối vững chắc để cán bộ xã, huyện tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến cho cộng đồng người Churu tại địa phương. Rất nhiều vụ xích mích, mâu thuẫn gia đình, hàng xóm đã được ông hòa giải thành công ngay tại thôn mà không cần phải đưa lên các cấp cao hơn.
 
NGÔ KHẮC LỊCH