Chủ quyền biển đảo từ đề thi tốt nghiệp THPT 2014

04:06, 08/06/2014

Những buổi chào cờ hay sinh hoạt ngoại khóa thời gian gần đây của Trường THPT Bán trú Lang Biang, Lạc Dương đều nhắc đến tình hình bất ổn của biển Đông hiện nay. Việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển Việt Nam không chỉ được cả thầy cô và học sinh của trường theo dõi từng ngày trên các kênh thời sự mà còn đi vào bài giảng trong mỗi lớp học.

Không bất ngờ nhưng hầu hết cả giáo viên và học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đều tỏ ra thích thú và tâm đắc với đề thi 3 môn tự luận là Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý ở những câu hỏi về chủ quyền biển đảo, nhất là đề thi môn Ngữ văn có câu hỏi về việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển Việt Nam thời gian gần đây đã được nhiều học sinh nói lên chính kiến của mình. 
 
Học sinh DTTS tại Hội đồng thi Trường THPT Bán trú Lang Biang, Lạc Dương thích thú với đề thi môn Ngữ văn
Học sinh DTTS tại Hội đồng thi Trường THPT Bán trú Lang Biang, Lạc Dương thích thú với đề thi môn Ngữ văn
 
Những buổi chào cờ hay sinh hoạt ngoại khóa thời gian gần đây của Trường THPT Bán trú Lang Biang, Lạc Dương đều nhắc đến tình hình bất ổn của biển Đông hiện nay. Việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển Việt Nam không chỉ được cả thầy cô và học sinh của trường theo dõi từng ngày trên các kênh thời sự mà còn đi vào bài giảng trong mỗi lớp học. Là một học sinh lớp 12, Bùi Phương Thảo rất bức xúc trước sự việc trên. Và khi cầm đề thi môn Ngữ văn trên tay có câu hỏi về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam, Phương Thảo đã hào hứng thể hiện lòng yêu nước của mình, lên án hành vi ngang ngược của Trung Quốc. Còn với Nguyễn Thị Hồng, trong bài thi của mình, em thể hiện thái độ phẫn nộ trước hành động của Trung Quốc nhưng em cũng nhấn mạnh: không suy nghĩ bồng bột để làm những điều vi phạm pháp luật, không làm mất hình ảnh đẹp của người Việt Nam vốn yêu chuộng hòa bình. “Đề thi năm nay có sự đổi mới rất phù hợp với thực tế, giúp phát triển tư duy học sinh. Và điều đặc biệt là khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự hào truyền thống của dân tộc, hướng các em về cội nguồn dân tộc. Từ một vấn đề thời sự được cả xã hội quan tâm, học sinh đã nói lên được chính kiến của mình trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ chủ quyền đất nước”, thầy Nguyễn Mậu Pháp - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bán trú Lang Biang, cũng là một giáo viên dạy Văn lâu năm chia sẻ. 
 
Đối với Kon Sơ Ly Jin - học sinh lớp 12 Trường THPT Đạ Sar, Lạc Dương, em rất yêu thích môn Lịch sử nên đã chọn môn này trong số 2 môn tự chọn. Ly Jin cho biết em rất ấn tượng với câu hỏi trong đề thi môn Lịch sử về vấn đề biển đảo vì vấn đề này được em tìm hiểu và thường xuyên cập nhật thông tin trên các phương tiện thông tin. “Câu hỏi về biển đảo không chỉ giúp chúng em khai thác kiến thức thực tế, thời sự mà còn một lần nữa giúp chúng em có ý thức sâu sắc hơn về chủ quyền đất nước”, Ly Jin bày tỏ. Đây cũng là phần hay nhất của đề thi, câu hỏi đã cập nhật kiến thức thời sự đã và đang diễn ra ở biển Đông. Câu hỏi này giúp học sinh qua bài thi có cơ hội thể hiện lòng yêu nước, thể hiện thái độ của mình trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc cũng như thái độ đồng tình với chủ trương giải quyết tranh chấp trên cơ sở hòa bình theo đúng nguyên tắc hoạt động của Liên Hợp Quốc và của Việt Nam. 
 
Còn đối với môn Địa lý, câu hỏi về các vùng biển của nước ta đã một lần nữa khẳng định chủ quyền biển đảo. Và việc phải bảo vệ chủ quyền của một hòn đảo dù là đảo rất nhỏ của nước ta, bởi vì các đảo của Việt Nam có ý nghĩa quan trọng đối với đất nước cả về kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng. Với việc vận dụng Atlat, nhiều học sinh cho biết mình có thể đạt điểm 8 - 9 môn này. 
 
Có thể nói, việc đổi mới trong cách ra đề thi với những câu hỏi mở, bám sát tình hình thực tế đã tránh tình trạng học tủ, giúp học sinh có tư duy trong việc liên hệ với thực tế. Và một lần nữa, việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ chủ quyền đất nước và lòng yêu quê hương đã được khơi dậy trong không chỉ hơn 14 ngàn thí sinh của tỉnh Lâm Đồng mà của hơn 900 ngàn thí sinh cả nước. Tình yêu đất nước của thanh niên Việt Nam nói riêng và đồng bào cả nước nói chung luôn bất diệt.
 
TUẤN HƯƠNG