Tại Lâm Đồng, qua 5 năm triển khai thực hiện cuộc vận động đã có trên 80% người tiêu dùng thường xuyên sử dụng hàng Việt, từng bước hình thành nét đẹp trong văn hóa người tiêu dùng trên vùng đất Nam Tây Nguyên.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm nâng cao ý thức, thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh trong nước. Tại Lâm Đồng, qua 5 năm triển khai thực hiện cuộc vận động đã có trên 80% người tiêu dùng thường xuyên sử dụng hàng Việt, từng bước hình thành nét đẹp trong văn hóa người tiêu dùng trên vùng đất Nam Tây Nguyên.
|
Người tiêu dùng tham quan, mua sắm tại Siêu thị Xanh Đà Lạt |
Để cuộc vận động có sức lan tỏa sâu rộng, tạo được sự đồng thuận cao đối với các tầng lớp nhân dân, người tiêu dùng, ngày 25/9/2009 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 59-KH/TU về việc tổ chức Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh. Đây được coi là “chìa khóa”, là cơ sở để Ban chỉ đạo cuộc vận động tham mưu cho Tỉnh ủy chỉ đạo, hướng dẫn các ngành, các cấp tổ chức triển khai thực hiện cuộc vận động một cách hiệu quả nhất. Trên cơ sở đó, cuộc vận động đã được triển khai thực hiện khá đồng bộ trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; nhiều tổ chức cơ sở đảng, đoàn thể và cơ quan, đơn vị đã tổ chức quán triệt nâng cao ý thức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên. Và, thông qua các hội nghị, hội thảo, trong các buổi sinh hoạt của các chi hội đoàn thể, các buổi họp khu dân cư…, các địa phương, cơ sở, khu dân cư đã lồng ghép tuyên truyền, vận động cán bộ công chức, viên chức, người lao động và nhân dân ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đồng thời động viên, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, từng bước hình thành ý thức, văn hóa tiêu dùng của người dân; tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, nhà sản xuất, kinh doanh nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong việc nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Nhờ triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp như tuyên truyền vận động, tạo cơ chế, chính sách thông thoáng, thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, tổ chức đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng…, nên trong 5 năm qua, Lâm Đồng đã tổ chức được rất nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trong nước. Thông qua Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”, tổ chức các phiên chợ tại 8 huyện, thành phố trong tỉnh (trung bình mỗi phiên có từ 32-44 doanh nghiệp sản xuất trong nước và địa phương tham gia), với nhiều mặt hàng chất lượng, giá cả phù hợp đã thu hút trên 120 ngàn lượt người đến tham quan mua sắm, đạt doanh thu trên 8,3 tỷ đồng. Đặc biệt, phối hợp với các địa phương, các siêu thị thực hiện 55 chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, thu hút đông đảo người dân tham quan mua sắm, đoạt doanh thu hàng chục tỷ đồng. Không dừng lại ở đó, các ngành chức năng, các địa phương liên quan còn tổ chức một số hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm, xúc tiến kết nối giao thương, tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, nhằm quảng bá sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của Lâm Đồng như: rau, hoa các loại, rượu vang, trà atiso, olong, cà phê, tranh thêu tay, dệt len, thổ cẩm; hỗ trợ các nhà sản xuất, phân phối mở rộng nâng cao chất lượng sản phẩm, kinh doanh, dịch vụ, kết nối nhà bán lẻ tại địa phương. Chính vì vậy, nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp trong tỉnh hiện đã kết nối, phân phối tiêu thụ tại hệ thống siêu thị, chợ đầu mối tại các tỉnh, thành trong cả nước, được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng. Cuộc vận động này cũng đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh khi sử dụng nguồn ngân sách nhà nước mua sắm công đều thực hiện chủ trương ưu tiên dùng hàng Việt. Một số doanh nghiệp cũng đã chủ động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm, liên kết, thiết lập hệ thống phân phối, đưa hàng hóa đến với người tiêu dùng. Tiêu biểu có Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền, Công ty Dược Ladophar, Công ty TNHH Vĩnh Tiến, Siêu thị Coopmart Bảo Lộc… ngoài việc ưu tiên sử dụng nguyên liệu tại chỗ, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đã thiết lập các kênh phân phối, tổ chức các hội chợ, các đợt bán hàng khuyến mãi, đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn toàn tỉnh. Tại các Siêu thị Coopmart Bảo Lộc, BigC Đà Lạt, hàng Việt Nam chiếm từ 85-90% trong tổng số mặt hàng kinh doanh; các chợ, đại lý hàng Việt Nam từng bước chiếm ưu thế, cho thấy nhu cầu của người dùng đang hướng tới sử dụng hàng Việt, đặc biệt là hàng Việt Nam chất lượng là rất đáng khích lệ.
|
Hàng Việt Nam về nông thôn được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: LHT |
Có thể nói, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, cũng như tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, xây dựng thương hiệu, giới thiệu, quảng bá, đưa hàng Việt về vùng nông thôn…, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đã tạo nên sức lan tỏa lớn trong các tầng lớp nhân dân, người tiêu dùng trong tỉnh. Và, với con số thống kê trên 80% người tiêu dùng trong tỉnh thường xuyên sử dụng hàng Việt cho thấy họ đã ý thức được trách nhiệm, quyền lợi của mình khi ưu tiên sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước. Đặc biệt, đa số người tiêu dùng hiểu rõ và ưu tiên dùng hàng Việt cũng là thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, bước đầu hình thành nét đẹp trong văn hóa người tiêu dùng trên vùng đất Nam Tây Nguyên.
HỒNG HẢI