Đào tạo nguồn nhân lực cho các dân tộc bản địa Tây Nguyên dựa trên nền tảng tiếp biến văn hóa

09:06, 12/06/2014

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, Đảng ta đã xác định "Phát triển nhanh nguồn nhân lực (NNL), nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển NNL với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ" (1) là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược. 

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, Đảng ta đã xác định “Phát triển nhanh nguồn nhân lực (NNL), nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển NNL với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ” (1) là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược. Tháng 10/2013, Hội nghị lần thứ 8 BCH TƯ đã ban hành nghị quyết về đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT nhằm thực hiện chiến lược trên đây. Với vùng các dân tộc thiểu số, Đảng ta đã chỉ rõ: “Nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng dân tộc thiểu số”(2). Với riêng Tây Nguyên, khu vực còn rất thiếu hụt NNL có chất lượng cao, nhằm hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, ngày 1/11/2011 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1951/2011/QĐ-TTg “Về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề các tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi của các tỉnh giáp Tây Nguyên giai đoạn 2011 - 2015”. Thời gian qua đã và đang có nhiều công trình nghiên cứu, nhiều giải pháp được nêu ra về vấn đề đào tạo NNL cho Tây Nguyên.  
 
Điệu múa người dân tộc Tây Nguyên. Ảnh: Thanh Toàn
Điệu múa người dân tộc Tây Nguyên. Ảnh: Thanh Toàn
 
Từ những quan sát trực diện trên thực tế Tây Nguyên, qua tham khảo các công trình nghiên cứu, các chương trình khoa học về Tây Nguyên đã và đang vận hành, chúng tôi xin tìm đến một hướng tiếp cận khác, đó là giải pháp đào tạo NNL cho các dân tộc bản địa (DTBĐ) từ nền tảng là những tiếp biến văn hóa của chính đồng bào DTBĐ ở nơi đây. Đây là vấn đề không phải hoàn toàn mới, bởi lẽ, nhiều công trình nghiên cứu về Tây Nguyên đã bàn đến sự tiếp biến văn hóa của đồng bào DTBĐ như là một hiện tượng thực tế. Cái mới mà chúng tôi muốn đi sâu chính là phải dựa trên nền tảng những tiếp biến văn hóa của đồng bào DTBĐ để tiến hành đào tạo và sử dụng NNL thì mới có thể đạt hiệu quả cao.
 
1. Về thực trạng đào tạo và sử dụng NNL cho các DTBĐ và cả Tây Nguyên từ sau ngày đất nước thống nhất, đi lên CNXH đến nay.
 
Tây Nguyên, một địa bàn có vị trí chiến lược hết sức trọng yếu của nước ta cả về an ninh quốc phòng lẫn kinh tế và văn hóa, bao gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng, có diện tích tự nhiên 54.470km2 (chiếm 16,3% diện tích cả nước). Dân số hơn 5,2 triệu người, với 43 dân tộc, đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) khoảng 1.970.877 người, trong đó có 7 dân tộc được coi là bản địa (Bana, Êđê, Giarai ở phía Bắc và M’nông, Kơho, Mạ, Churu ở phía nam Tây Nguyên). Hiện có 283 xã đồng bào DTTS sinh sống, trong đó 276 xã đặc biệt khó khăn và có 199 xã được xác định là trọng điểm về an ninh chính trị. 
 
Từ sau 30/4/1975, Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm đầu tư mọi mặt để xây dựng và phát triển Tây Nguyên hiện đại, đi lên CNXH. Riêng lĩnh vực nghiên cứu khoa học toàn diện về Tây Nguyên, đến nay có 3 chương trình khoa học cấp Nhà nước đã được hoàn thành và đang triển khai, trong đó đều chú trọng việc đào tạo NNL cho các DTBĐ, nhằm tạo ra động lực cơ bản của việc thực thi các chương trình đã nghiên cứu, đề xuất. Nhiều Hội nghị, nhiều công trình nghiên cứu đã được tiến hành, nhằm tìm ra những nguyên nhân của hạn chế, đề ra những giải pháp tích cực cho việc khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng đào tạo NNL cho các DTBĐ và các DTTS nói chung, góp phần phát triển Tây Nguyên xứng với tầm của nó. Tuy nhiên, sau gần 40 năm, với bao nỗ lực của nhiều ngành, nhiều cấp và cả người dân, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng kết quả của việc đào tạo NNL cho các DTBĐ và các DTTS nói chung ở Tây Nguyên còn rất khiêm tốn, hạn chế về chất, dẫn đến hiệu quả sử dụng không cao. 
 
Dưới đây xin dẫn ra vài số liệu, tư liệu thực tế làm minh chứng:
 
Tây Nguyên hiện có 20 trường đại học, cao đẳng, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề (ĐH, CĐ, CĐN, TCCN, TCN), đang đào tạo 44 chuyên ngành hệ chính quy, 8 chuyên ngành sau ĐH. Các trường ĐH và phân hiệu ĐH tại Tây Nguyên hiện đang có gần 42.000 sinh viên (SV) theo học, trong đó có hơn 4.000 SV dân tộc thiểu số (DTTS) - chiếm tỉ lệ khoảng 10%. Hạn chế lớn nhất tại Tây Nguyên hiện nay là số lượng SV, HV tốt nghiệp ĐH trên địa bàn này còn thấp, mới đạt 136,60 SV/10.000 dân (yêu cầu đến năm 2015 phải đạt 180 SV/10.000 dân). Đặc biệt là: tỉ lệ SV, HV người DTTS của toàn vùng hiện mới chỉ chiếm hơn 10% trên tổng số SV, HV toàn khu vực (trong khi mục tiêu chiến lược đến 2015 số SV, HVDTTS phải đạt 18 - 20%).
 
Hiện nay, số người lao động đã qua đào tạo nghề ở Tây Nguyên còn khá thấp, chỉ đạt 26,3% (trong khi chỉ tiêu đến 2015 phải đạt 35%). Quy mô ngành nghề đào tạo chưa phong phú, ngành nghề đào tạo về chế biến sau thu hoạch và khoa học xã hội và nhân văn chưa phát triển. 
 
Đội ngũ cán bộ giảng dạy (CBGD) các trường ĐH, CĐ khu vực Tây Nguyên vừa thiếu nhiều về số lượng, vừa thiếu GV có trình độ cao. Hiện nay, bình quân có 40,93 SV/1 CBGD (yêu cầu đến 2015 phải đạt 17-26 SV/1 CBGD), các trường ĐH và phân hiệu ĐH tại Tây Nguyên mới đạt 0,89% CBGD có bằng tiến sĩ, số có học vị PGS chưa tới 20 người; tại các trường CĐSP số tiến sĩ là 0,9%, PGS là 0. Với các trường CĐ và CĐ nghề hiện có gần 16.000 SV, HV, nhưng chỉ có 2 tiến sĩ. Tỉ lệ này gần như thấp nhất nước ta!(3).
 
Riêng với tỉnh Lâm Đồng, tỉnh được coi là nhiều thuận lợi và phát triển nhất Tây Nguyên về mọi mặt, thì việc đào tạo NNL cho các DTBĐ nói riêng, DTTS nói chung cũng nhiều hạn chế rất đáng quan tâm. Theo Ban Dân tộc tỉnh, hiện nay, trên 24,1% dân số của tỉnh là người dân tộc thiểu số (DTTS), với 286.240 nhân khẩu, trong đó 149.834 người đang trong độ tuổi lao động. Tính đến cuối năm 2013, số lao động là người DTTS có chuyên môn còn rất thấp: 4,8% có trình độ sơ cấp, 1,9% trung cấp chuyên nghiệp, 2,5% đại học và 0,2% trên đại học, hầu hết số lao động có chuyên môn này đều đang làm việc tại các cơ quan hành chính và sự nghiệp công lập. Tổng số công chức - viên chức người DTTS của tỉnh hiện là 4.906 người, trong đó 3.406 người công tác tại các cơ quan quản lý hành chính nhà nước và 1.357 người làm việc tại các cơ quan sự nghiệp công lập. Về trình độ, gần 39% công chức khối quản lý nhà nước không có chuyên môn và chỉ có 15,7% có trình độ cao đẳng, đại học. Ở khối sự nghiệp có khá hơn, trong tổng số 1.357 lao động chỉ còn 5 người không có chuyên môn và đã có 854 người có trình độ từ cao đẳng trở lên, trong đó có 28 người trình độ sau đại học. Hiện tại gần 91% trên tổng số lao động là người DTTS trong tỉnh không có chuyên môn kỹ thuật và đang tổ chức sản xuất nông - lâm nghiệp theo kinh nghiệm truyền thống, chậm thích ứng trong môi trường làm việc mới có nhiều thay đổi, nên năng suất và chất lượng lao động không cao.    
 
Một câu hỏi lớn cần đặt ra là vì sao gần 40 năm qua, với nhiều giải pháp đã tiến hành, với sự đầu tư rất lớn của Nhà nước và nhiều đơn vị khác vào sự nghiệp đào tạo NNL cho các DTBĐ nói riêng, Tây Nguyên nói chung nhưng kết quả không đạt yêu cầu, hiệu quả sử dụng không cao? Phải chăng các giải pháp chưa thật sát với thực tiễn và chưa đầy đủ?  Đáng chú ý là trong số những giải pháp được các nhà nghiên cứu nêu ra từ các hội nghị, công trình khoa học nói trên hầu như chưa đề cập đến việc nghiên cứu và dựa trên kết quả của tiếp biến văn hoá trong các DTBĐ để tìm kiếm và triển khai các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và sử dụng NNL ở Tây Nguyên nói chung, các DTBĐ nói riêng.
 
Về tiếp biến văn hoá ở các dân tộc bản địa Tây Nguyên từ sau khi đất nước thống nhất
 
+ Tiếp biến văn hóa - hệ quả tất yếu của giao lưu, hội nhập trong đời sống cộng đồng; các phương pháp luận tiếp cận.
 
Quan niệm về tiếp biến văn hoá, theo sưu tầm của TS. Vũ Minh Chi, trên Tạp chí Nghiên cứu con người: “Các nhà nhân loại học Redffield Linton và Herskovits trong tập Ghi chép công bố năm 1936 trong Tạp chí Nhà nhân loại học người Mỹ đã định nghĩa tiếp biến văn hóa là tổng thể những thay đổi trong các mô hình văn hóa bản địa khi tiếp xúc lâu dài với các nhóm người khác. Nó thể hiện dưới các hình thức vay mượn, trao đổi, diễn giải lại. Nhà xã hội học Roger Bastide (1898 - 1974) nói về  tiếp biến văn hóa vật chất khi mà nó chỉ tác động đến cuộc sống chung của cộng đồng chứ không tác động đến cuộc sống riêng tư của các cá nhân. Ông cũng đưa ra khái niệm tiếp biến văn hóa hình thức khi những thay đổi trong cảm nhận và tư duy dẫn đến nảy sinh một nền văn hóa mới (ví dụ hiện tượng tiếp biến văn hóa của trẻ di cư)” (4).
 
Chúng tôi sẽ dựa theo nội hàm về tiếp biến văn hoá nêu trên để khảo sát và luận giải về sự tiếp biến văn hoá của đồng bào DTBĐ ở Tây Nguyên khi giao lưu với các cộng đồng có trình độ văn minh cao hơn, nhất là từ năm 1975 đến nay. 
 
Theo đó, cần khẳng định mấy quan điểm cơ bản khi xem xét về tiếp biến văn hoá ở các DTBĐ Tây Nguyên.
 
Đó là: Thứ nhất, đây là sự tiếp biến giữa những mô hình văn hoá cận kề, giữa những “hệ thống nhỏ” trong cùng một “hệ thống lớn” thống nhất - nền văn hoá Việt Nam tiên tiến. Do vậy, là sự tiếp biến chủ động, tự giác và luôn có sự giúp đỡ tận tình từ phía chủ nhân của các giá trị văn hoá mới mà các DTBĐ đang tiếp nhận. 
 
Thứ hai, khác với các DTTS miền núi phía Bắc, các DTBĐ, đồng bào các DTBĐ Tây Nguyên đi lên xây dựng CNXH, tiếp nhận các giá trị văn hoá mới, hiện đại trong điều kiện rất khó khăn, từ xuất phát thấp về nhiều mặt, lại chỉ mới qua một thời gian ngắn và nhiều biến động về cơ chế, chính sách.
 
 Thứ ba, luôn tồn tại những biến tướng nhân danh văn hoá nhằm chống lại sự tiếp biến văn hoá, của các DTBĐ Tây Nguyên với nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, từ phía các thế lực phản động, thù địch, cả từ nội bộ các DTBĐ và từ phía bên ngoài, với nhiều thủ đoạn thâm độc và khá quyết liệt.   
 
+ Thực tế quá trình tiếp biến văn hoá trong các đồng bào DTBĐ Tây Nguyên.
 
Cho đến đầu thế kỉ XX, trước khi thực dân Pháp khai thác mạnh vùng Tây Nguyên, thì việc giao lưu giữa các tộc người chủ yếu thông qua số ít thương lái đến mua bán hàng hoá. Hầu hết các dân tộc bản địa Tây Nguyên đều ở vào trình độ văn minh thấp trước khi có sự du nhập của các dân tộc văn minh cao hơn vào địa bàn. Họ có lối sống du canh du cư là chủ yếu, với nền kinh tế tự cấp, tự túc, phát nương làm rẫy. Sau đó, dù có sự truyền đạo Công giáo và Tin lành, cùng với việc đóng đồn bốt của thực dân, thì đồng bào về cơ bản vẫn giữ lối du canh, du cư và cư trú ở các vùng núi cao, rừng rậm là chính. Ngoại trừ một số ít thuộc tầng lớp trên, hoặc có cộng tác với thực dân thì có được giao lưu, học hành và theo lối sống ngoại lai. Số đông đồng bào có tham gia giúp đỡ cách mạng là những người làm rẫy trên núi cao, cơ bản vẫn giữ lối sống cổ truyền. Từ khoảng những năm 40-50 thế kỉ XX có nhiều đợt di dân đã đưa đến Tây Nguyên số người Kinh và một số dân tộc thiểu số phía Bắc, làm cho dân số tăng lên đáng kể. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tây Nguyên gồm 3 tỉnh, có tổng dân số khoảng 1.000.000 người, các dân tộc bản địa chiếm khoảng 50%, hiện nay dân số các dân tộc khác (trong đó đa số là người Kinh) đã gấp hơn 3 lần dân số các DTBĐ. Đến nay, đa số đồng bào các DTBĐ Tây Nguyên theo Công giáo và Tin lành giáo.
 
Những biểu hiện chủ yếu của tiếp biến văn hoá trong các dân tộc bản địa Tây Nguyên: Trên bình diện hình thức, chúng ta dễ dàng nhận thấy những biến đổi hết sức to lớn và mạnh mẽ về mọi mặt trong đời sống của đồng bào các DTBĐ Tây Nguyên. Có thể khái quát từ “mặt bề nổi” nhất theo các dạng văn hoá sau:
 
Trong văn hoá vật chất và đời sống kinh tế: Nổi bật nhất là việc định canh, định cư, tổ chức sản xuất theo hướng thâm canh, quy mô lớn. Đặc biệt là việc sản xuất theo hướng hàng hoá, với các cây trồng là cây công nghiệp dài ngày, mới di thực đến theo quy mô lớn, chăn nuôi theo quy trình công nghiệp hiện đại khá phổ biến ở hầu hết các vùng DTBĐ. Các nhà sàn dài truyền thống bị phá bỏ, các gia đình lớn được chia tách thành gia đình hạt nhân. Vì thế, nhà ở được xây cất theo lối mới, các vật dụng, các phương tiện  trong sản xuất và sinh hoạt cũng được hiện đại hoá rất nhiều, có thể nói đa số đồng bào đã “bước thẳng từ đi lại bằng đôi chân trần lên xe máy, thậm chí là ôtô đời mới” trong thời gian ngắn.
 
Trong văn hoá tinh thần và đời sống văn hoá: Nổi bật là việc học vấn chung được nâng cao hơn, nhiều người, nhất là lớp trẻ được đến trường, do vậy mà biết tiếng Việt, học được nhiều thứ hơn các thế hệ lớn tuổi. Kinh nghiệm sản xuất, tổ chức đời sống hàng ngày cũng được nâng lên đáng kể, từ nhiều hình thức học tập, cả chính quy và học hỏi lẫn nhau. Sự hưởng thụ các loại hình văn hoá nghệ thuật dưới nhiều hình thức, các phương tiện giải trí hiện đại ngày càng gia tăng. Một bộ phận đồng bào còn gia nhập vào các lực lượng chuyên nghiệp trong sáng tạo và biểu diễn các loại hình văn hoá nghệ thuật hiện đại. 
 
Trong đời sống tín ngưỡng và lối sống: Với đời sống tín ngưỡng, do ảnh hưởng từ thời thực dân xâm lược nên đa số đồng bào các DTBĐ đã theo Công giáo, hoặc Tin lành giáo. Đáng chú ý là việc các chức sắc của 2 tôn giáo trên luôn cố gắng tìm cách “bản địa hoá”, kéo các tôn giáo đó đến gần hơn với văn hoá các DTBĐ dưới nhiều phương cách. Tuy vậy, khoảng cách giữa tâm linh truyền thống với lối sống đạo hiện đại vẫn còn lớn, nên luôn có những mâu thuẫn trong hai hệ tâm linh - đức tin trong đồng bào ở đây. Về lối sống cũng có nhiều thay đổi đi liền với những thay đổi về phương thức sản xuất. Tuy nhiên, do thời gian còn quá ngắn, nên những mặt tích cực chưa thật ổn định, cùng với những mặt trái của cơ chế thị trường đang tác động mạnh, nhiều mặt tiêu cực trong lối sống của đồng bào đang có xu hướng gia tăng đáng lo ngại. Ví như các biểu hiện tiêu dùng quá mức không cần biết ngày mai; xa rời các chuẩn mực truyền thống, tham gia vào các tệ nạn xã hội và cả phản động (như Tin Lành Đề ga); ỷ lại vào sự ưu đãi của Nhà nước, thiếu nỗ lực tự vươn lên .
 
Phương hướng vận dụng những kết quả có tính tất yếu của tiếp biến văn hoá vào việc đào tạo NNL cho Tây nguyên hiện nay
 
Đánh giá khái quát về tiếp biến văn hoá ở các DTBĐ Tây Nguyên: Ở trên, chúng ta mới khái quát từ mặt bề ngoài những kết quả chung của tiếp biến văn hoá mà chưa tìm ra những đặc tính bản chất của nó. Do giới hạn của bài viết không thể đi quá sâu, chúng tôi chỉ tập trung vào mấy vấn đề như là những hạn chế cần khắc phục mà thôi. Chúng ta dễ dàng nhận thấy sự kém bền vững của những giá trị mới được du nhập vào các DTBĐ Tây Nguyên, bởi nó cách biệt quá xa về trình độ, lại mới qua một thời gian rất ngắn, trong điều kiện hết sức khó khăn của quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý. Việc ít hoặc không thông thạo tiếng Việt vừa là biểu hiện, vừa là nguyên nhân của sự kém bền vững nói trên, bởi lẽ, ngôn ngữ là cơ sở cốt lõi của văn hoá và truyền bá văn hoá. Trong sản xuất kinh tế thì hiệu quả chưa cao, giá trị gia tăng thấp, do dựa trên kinh nghiệm (còn non kém) là chính; trong khi đó phía mất mát - những giá trị cổ truyền và mất rừng do chuyển đổi sản xuất ồ ạt, thiếu quy hoạch, lại là rất lớn và khó bù đắp nổi. Sự không theo kịp về nhận thức và lối sống so với những thay đổi quá nhanh về phương tiện kỹ thuật hiện đại và cách hưởng thụ sẽ luôn tạo ra những mâu thuẫn và hệ luỵ khác cho cả cộng đồng xã hội, đôi khi dẫn đến xung đột. Việc các DTBĐ đang bị giằng xé giữa một bên là những giá trị cổ truyền đang mai một, trong khi các giá trị mới chưa thật vững chắc, với một bên là sự lôi kéo, xuyên tạc của các thế lực phản động đến những giá trị xa lạ khác, cũng làm giảm độ bền vững của các giá trị tiến bộ, nhất là nó lại không thể truyền dạy lại cho thế hệ sau một cách tự giác. Và cuối cùng cần phải nhắc đến đó là việc nhiều biểu hiện tâm lý dân tộc tiêu cực, xa lạ với đời sống mới còn chậm được khắc phục, thậm chí có cái đã mất nay đang bị đưa trở lại.
 
Những hạn chế trong tiếp biến văn hoá trên đây có ảnh hưởng không nhỏ đến chiến lược đào tạo con người mới - NNL có chất lượng cho toàn vùng Tây Nguyên. Nếu chúng ta không thấy rõ mối quan hệ mật thiết giữa tiếp biến văn hoá với đào tạo NNL, đồng thời dựa vào đó để tìm giải pháp cho đào tạo NNL thì chắc chắn hiệu quả của những chủ trương, chính sách tiếp theo sẽ không thể cao dược. Bởi vì, theo chúng tôi, đây chính là một trong những cội nguồn của các giải pháp khoa học cần tìm cho việc đào tạo NNL cho Tây Nguyên hiện nay.
 
Về những hướng giải pháp gắn đào tạo NNL vùng dân tộc Tây Nguyên với sự tiếp biến văn hoá của đồng bào DTBĐ, ở mức độ khái quát nhất, chúng tôi xin nêu mấy hướng giải pháp như sau:
 
- Tiến hành nghiên cứu, khảo sát, đánh giá một cách kĩ lưỡng về mức độ bền vững của các giá trị mới hình thành qua giao lưu, tiếp biến trong từng cộng đồng tộc người bản địa, nhất là trong đội ngũ lao động - NNL. Qua đó phân loại, xác định những biện pháp tác động tích cực với những giá trị khác nhau nhằm củng cố độ bền vững của các giá trị mới trong từng cộng đồng, từng loại chức danh thuộc NNL các DTBĐ.
 
- Có cơ chế khai thác và vận dụng những giá trị tiến bộ, phù hợp với xã hội mới của văn hóa các DTBĐ để đưa vào chương trình đào tạo, vừa góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc, làm phong phú thêm cho nền văn hóa mới, vừa sát với đối tượng đào tạo NNL. Cần tạo sự bình đẳng ngay từ sự trân trọng các giá trị văn hóa các dân tộc, thể hiện ở sự lưu giữ và sử dụng thường xuyên trong hoạt động sống hàng ngày. Tránh lối ưu tiên theo kiểu ban ơn, hoặc vì sự cảm thông hơn là sự trân trọng, bình đẳng. Ví dụ: yêu cầu cán bộ người Kinh phải giao tiếp với đồng bào DTBĐ bằng tiếng của họ, nhiều tỉnh đã thực hiện với cán bộ chủ chốt cấp huyện.
 
- Tuyên truyền, chỉ rõ bản chất của những hiện tượng lệch chuẩn và phản giá trị (dù chỉ là số ít), vốn xảy ra thường xuyên trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong số cán bộ công chức người Kinh, mà đồng bào hàng ngày chứng kiến. Kiên quyết khắc phục việc ngộ nhận, hoặc bắt chước những biểu hiện tiêu cực của các cán bộ, đồng sự thoái hoá, biến chất đó, nhất là với những SV, HS, cán bộ công chức DTBĐ.
 
- Trên cơ sở các giải pháp đã nêu cần xây dựng chương trình đào tạo riêng, phù hợp từng đối tượng theo hướng khai thác các kết quả tiếp biến văn hóa ở từng DTBĐ cụ thể. Cần tăng cường thời lượng giảng dạy tiếng Việt, văn hóa Việt Nam và các biến thể văn hóa trong giao lưu, hội nhập giữa các cộng đồng, vốn là những cơ sở cốt lõi để hình thành phông văn hóa của từng cộng đồng và mỗi cá nhân trong đời sống xã hội. Tăng nhanh số GV là người DTBĐ và DTTS.
 
Có thể nói, để đào tạo ra những con người lao động - nguồn nhân lực thì  điều quan trọng là phải biết họ đang ở trình độ nào, có hệ nhu cầu ra sao, sẽ phục vụ mục đích gì. Việc đào tạo NNL cho các DTTS Tây Nguyên nói riêng, Tây Nguyên nói chung cũng vậy. Và chắc chắn rằng muốn hiểu rõ về đối tượng đào tạo thì không thể không nghiên cứu bản sắc văn hoá của họ. Tiếp biến văn hoá luôn là một quy luật góp phần kiến tạo bản sắc văn hoá của từng cộng đồng cụ thể trong lịch sử. Do vậy, việc nghiên cứu tiếp biến văn hoá trong các DTBĐ Tây Nguyên, dựa trên đó để góp phần đào tạo NNL cho Tây Nguyên là một biện pháp khoa học và cần thiết. Chúng tôi bước đầu phác thảo và đề xuất biện pháp nên không thể tránh khỏi sự thiếu đầy đủ. Vấn đề đặt ra là ý tưởng này cần phải được triển khai nghiên cứu kĩ lưỡng hơn thì mới có được những kết quả khoa học, hiệu quả hơn.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
 
- 1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Nxb CTQG Hà Nội 2011.(1-tr 106); (2-tr 244);
 
- 2. Trang thông tin điện tử Chính phủ, Quyết định số 1951/2011/QĐ-TTg ngày 1/11/2011 của Thủ tướng “về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề các tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi của các tỉnh giáp Tây Nguyên giai đoạn 2011 - 2015”;
 
- 3. (3) Đinh Lê Yên, Đào tạo nguồn nhân lực cho Tây Nguyên: Cần nhiều giải pháp đồng bộ, Báo GD&TĐ điện tử ngày 30/9/2013;
 
- 4. Xuân Đức, Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số, Báo Lâm Đồng điện tử, Cập nhật lúc 15:22, Chủ Nhật, 10/11/2013 (GMT+7);
 
- 5. (4) TS. Vũ Minh Chi, Luật và chính nghĩa; Tiếp biến văn hoá; Sự đảo ngược biểu tượng; Học thuyết nam nữ bình quyền, Tạp chí NCCN, số 5/2006. Tr55-59;
 
TS. Bùi Trung Hưng - Trường Đại học Thủ Dầu Một, Bình Dương