Đơn Dương: Xây dựng xã đạt chuẩn văn hoá làm nền tảng xây dựng nông thôn mới

07:06, 27/06/2014

Cách đây 5 năm, vào cuối tháng 7/2009, Ka Đơn là xã đầu tiên của huyện Đơn Dương được chọn làm điểm phát động xây dựng xã đạt chuẩn văn hoá đã đẩy phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" ở Đơn Dương lên một bước phát triển mới.

Cách đây 5 năm, vào cuối tháng 7/2009, Ka Đơn là xã đầu tiên của huyện Đơn Dương được chọn làm điểm phát động xây dựng xã đạt chuẩn văn hoá đã đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ở Đơn Dương lên một bước phát triển mới. Năm 2010, 2011 liên tiếp 4 xã Quảng Lập, Ka Đô, Lạc Lâm và Lạc Xuân phát động xây dựng xã đạt chuẩn văn hoá. Cùng với xây dựng thôn, khu phố, cơ quan, đơn vị, gia đình văn hoá; phong trào xây dựng xã đạt chuẩn văn hoá nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của toàn thể nhân dân các dân tộc trong huyện. 5 tiêu chí xã đạt chuẩn văn hóa được triển khai: phát triển kinh tế; phát triển văn hóa xã hội; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; giữ vững ANCT và TTATXH; thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước. Trong đó, huyện đặc biệt chú trọng vào 2 tiêu chí: giảm hộ nghèo và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Năm 2012, qua kiểm tra, thẩm định, hai xã đầu tiên là Ka Đơn và Lạc Lâm đã được công nhận xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới và được huyện tặng thưởng công trình văn hoá 50 triệu đồng. 
 
Xã đạt chuẩn văn hoá - xã nông thôn mới Lạc Lâm hôm nay
Xã đạt chuẩn văn hoá - xã nông thôn mới Lạc Lâm hôm nay
 
Đơn Dương có tổng số 23.443 hộ gia đình, 105 thôn - tổ dân phố, 8 xã và 2 thị trấn. Hiện nay, toàn huyện có 18.204 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa (77,6%), 92/105 thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa (87,6%); 88/105 cơ quan, trường học đạt danh hiệu văn hóa (83,8%). Hầu hết các xã trong huyện đều phát động xây dựng xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới và đã có 4/8 xã đạt danh hiệu này. Đến thăm những địa phương đã phát động xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, ở đâu chúng tôi cũng bắt gặp khí thế thi đua sôi nổi và nhìn thấy rõ sự chuyển mình trên nhiều mặt đời sống cả vật chất lẫn tinh thần. Thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng cao, tình làng nghĩa xóm, đoàn kết dân tộc, tôn giáo được phát huy; tệ nạn, rượu chè cờ bạc dần hạn chế, tình hình an ninh trật tự luôn được giữ vững, các phong trào văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao được quan tâm đúng mức, trách nhiệm công dân trong mỗi người dân được nâng lên bằng những việc làm cụ thể: tự nguyện đóng góp tiền của, công sức xây dựng hệ thống cầu đường, giao thông nông thôn, đường làng ngõ xóm, hệ thống điện chiếu sáng. Nhân dân các dân tộc trong huyện ai cũng hiểu rằng cuộc vận động do chính mình thực hiện, và cũng chính mình là người được hưởng thụ thành quả đó. Các phong trào như: đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, tương thân tương ái, xóa nhà tạm; phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương, sống và làm việc theo pháp luật và quy ước của cộng đồng, chăm lo sự nghiệp giáo dục, nuôi con khỏe dạy con con, xây dựng gia đình hạnh phúc, thực hiện nếp sống văn minh, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc… được đẩy mạnh.
 
Nhìn vào bộ tiêu chí có thể nói: Phong trào xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa và cuộc vận động xây dựng nông thôn mới có rất nhiều tiêu chí tương đồng như: xây dựng lưới điện quốc gia, cơ sở vật chất trường học, thiết chế văn hóa, nhà ở cư dân, giáo dục, y tế, môi trường nông thôn, gìn giữ bản sắc văn hóa, xây dựng hệ thống chính trị và an ninh trật tự… Trong đó, 5 tiêu chí xây dựng xã đạt chuẩn văn hoá là nền tảng phát huy nội lực để huy động sức dân thực hiện các tiêu chí còn lại trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới như: giao thông, thuỷ lợi, bưu điện, xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch… Trên cơ sở đó, hai xã Quảng Lập và Lạc Lâm (trong tổng số 4 xã của tỉnh) đã đạt được 19/19 tiêu chí “về đích” nông thôn mới.
 
Với mục tiêu tổng quát của một xã đạt tiêu chí nông thôn mới là xây dựng phát triển kinh tế bền vững, đời sống vật chất tinh thần của cư dân nông thông được nâng cao, kết cấu hạ tầng nông thôn hiện đại; có hình thức sản xuất phù hợp, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển dịch vụ, công nghiệp, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, dân trí nông thôn ngày càng cao; hệ thống chính trị nông thôn được nâng cao sức mạnh và trong sạch thì có thể nói: Phong trào xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới đã tạo nền tảng vững chắc góp phần vào thành quả xây dựng nông thôn mới ở Đơn Dương, vì mục tiêu Đơn Dương trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh vào năm 2015.
 
QUỲNH UYỂN