Ghi nhận từ mô hình "Câu lạc bộ tổ phụ nữ không có hội viên, chồng con nghiện ma túy" phường 1, Đà Lạt

07:06, 27/06/2014

Tổ dân phố 9, phường 1, TP Đà Lạt là tổ dân phố thuộc khu vực trung tâm có nhiều điểm vui chơi giải trí, có chợ đêm, có vũ trường và có nhiều khách sạn, nhà nghỉ thu hút khách du lịch khi đặt chân đến Đà Lạt.

Tổ dân phố 9, phường 1, TP Đà Lạt là tổ dân phố thuộc khu vực trung tâm có nhiều điểm vui chơi giải trí, có chợ đêm, có vũ trường và có nhiều khách sạn, nhà nghỉ thu hút khách du lịch khi đặt chân đến Đà Lạt. Những năm qua, tổ dân phố 9 tuy không có vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhưng không vì thế mà lực lượng công an phụ trách địa bàn chủ quan lơ là, chỉ riêng công tác đảm bảo trật tự cho khu vực chợ đêm Đà Lạt cũng là nỗ lực không nhỏ của lực lượng. Có được kết quả đó bên cạnh sự cố gắng của lực lượng công an thì phải nói đến vai trò của các tổ chức đoàn thể trên địa bàn. Một trong những điểm sáng về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của tổ dân phố 9 là mô hình “Câu lạc bộ tổ phụ nữ không có hội viên chồng con nghiện ma túy”. 
 
Nhiều hội viên phụ nữ ở phường 1 được khen thưởng trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ năm 2013
Nhiều hội viên phụ nữ ở phường 1 được khen thưởng trong phong trào
toàn dân bảo vệ ANTQ năm 2013
 
Theo Công an TP Đà Lạt vào thời điểm năm 2011, bên cạnh những phức tạp chung của khu vực trung tâm thì tại tổ dân phố 9 có 4 đối tượng nghiện hút ma túy. Đứng trước tình hình đó Công an phường đã tham mưu Đảng ủy, UBND phường 1 chọn tổ dân phố 9 làm điểm chỉ đạo xây dựng mô hình “Câu lạc bộ tổ phụ nữ không có hội viên chồng con nghiện ma túy”. Ngay từ đầu Chi hội phụ nữ đã hết lòng ủng hộ việc triển khai mô hình. 
 
Theo đó, Công an phường, các hội viên phụ nữ và các đoàn thể, trong đó có cảnh sát khu vực tham gia quản lý, giáo dục đối tượng nghiện ma túy, giúp đỡ họ tránh xa sự cám dỗ của ma túy. Từ việc sâu sát hiểu rõ từng hoàn cảnh gia đình, các thành viên mô hình kết hợp với các đoàn thể phân công tổ chức nhóm phụ nữ đứng ra bảo lãnh nhận giúp đỡ một người nghiện ma túy. Cứ mỗi tháng một lần lại nhóm họp phân loại với số tiến bộ, tạo điều kiện giúp đỡ họ có công ăn việc làm; những người chưa tiến bộ tiếp tục được các đoàn thể kết hợp cảnh sát khu vực kèm cặp giúp đỡ. Chính những việc này đã tạo được sự chuyển biến về mặt nhận thức của người nghiện về tác hại của ma túy và nâng cao được trách nhiệm của gia đình, đoàn thể xã hội trong việc quản lý, giúp đỡ chồng con tránh xa tệ nạn ma túy. 
 
Cùng với hoạt động trên, Chi hội phụ nữ tổ dân phố 9, phường 1 còn tích cực tổ chức vận động toàn dân tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, tham gia quản lý giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư, đồng thời nắm bắt kịp thời những thông tin liên quan đến tội phạm và tệ nạn xã hội để cung cấp cho cơ quan chức năng kịp thời giải quyết góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội. Đến thời điểm hiện nay, qua gần hai năm thực hiện mô hình, 4/4 trường hợp người nghiện ma túy đã cai nghiện thành công, trong đó 3 người đã có việc làm ổn định. Riêng anh TQH không những cai nghiện được ma túy mà còn trở thành chủ quán cà phê nổi tiếng ở thành phố, là thành viên tích cực của mô hình. Còn anh MĐH, sau hai năm cai nghiện, nhờ sự kèm cặp giúp đỡ của các chị, các mẹ nay anh đã tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TPHCM, hiện đang làm việc cho một công ty nước ngoài có thu nhập cao. Chị Võ Thị Hồng Vân, thành viên mô hình cũng chia sẻ những khó khăn, những kinh nghiệm của một thành viên câu lạc bộ: “Cái việc vận động cai nghiện thì cũng có những khó khăn, có những đối tượng phản ứng, nhưng theo tôi nghĩ thì “mưa dầm thấm lâu”, mình cứ vận động từng ngày người ta sẽ hiểu được, sẵn sàng hợp tác và chắc chắn sẽ cải thiện được hoàn cảnh, cải thiện được cuộc sống”. Chị Trương Thị Thu Yến - Chủ nhiệm Câu lạc bộ cũng cho biết thêm: “Quan điểm của tôi thấy rằng người mẹ nhiều khi do tình cảm nên nói với con thì có những cái khó, và thực tế có những trường hợp người ngoài tác động sẽ dễ hơn, nhiều cháu nghe lời tu chí để cai, đây cũng là điều thuộc về tâm lý”.
 
LÊ THỊ HỒNG MINH