Giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống gia đình Việt Nam

07:06, 27/06/2014

Nói đến gia đình là nói đến vấn đề hệ trọng của mọi người liên quan mật thiết với xã hội, nó mang dấu ấn của lịch sử, của dân tộc và của thời đại.

Nói đến gia đình là nói đến vấn đề hệ trọng của mọi người liên quan mật thiết với xã hội, nó mang dấu ấn của lịch sử, của dân tộc và của thời đại.
 
Thật vậy, quá trình nghiên cứu lịch sử tiến hóa của xã hội loài người, Mác và Ăng-ghen đã dựa trên quan điểm duy vật biện chứng để khẳng định về vai trò của gia đình trong sự phát triển của xã hội. Trong lời tựa xuất bản đầu tiên cuốn “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của Nhà nước” - 1884, Mác và Ăng-ghen nhận định: “Những trật tự xã hội của con người ở một thời đại lịch sử của một quốc gia do hai yếu tố quyết định, đó là trình độ của lực lượng lao động và trình độ phát triển của gia đình”.
 
Năm 1994, Đại hội đồng Liên hiệp quốc (LHQ) đã chọn là năm “Quốc tế gia đình” với chủ đề: “Gia đình, nguồn lực và trách nhiệm trong một thế giới đang thay đổi”. Khóa họp đặc biệt của Đại hội đồng LHQ về trẻ em tổ chức tại New York vào tháng 5-2002, tiếp tục khẳng định: “Gia đình là đơn vị cơ bản của xã hội và do vậy cần được củng cố”. LHQ cũng kêu gọi các chính phủ và các tổ chức phi chính phủ nhận thức đầy đủ về những vấn đề liên quan gia đình, tăng cường các thiết chế, nhất là cấp quốc gia để hình thành, thực thi các luật pháp chính sách về gia đình. Các công ước quốc tế như Công ước quyền trẻ em và công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối với phụ nữ đều coi gia đình như một nhân tố quan trọng bảo vệ và thực hiện quyền của phụ nữ và trẻ em.
 
Đối với Việt Nam, từ ngàn đời nay, các dân tộc sống trên đất nước này luôn coi gia đình là tổ ấm, là môi trường đầu tiên, giữ vai trò giáo dục con người từ thuở ấu thơ cho đến khi từ giã cuộc đời; là nơi tổ chức sinh hoạt văn hóa cho con người bắt đầu bằng lời ru của người mẹ và làn điệu dân ca ngọt ngào của quê hương; là nơi lưu giữ bảo tồn những giá trị truyền thống văn hóa dân tộc; là cầu nối giữa cá nhân và xã hội.
 
Có thể nói, gia đình là hình ảnh thu nhỏ, là hạt nhân, tế bào của xã hội, nơi đã nuôi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp, tạo nên nhân cách người Việt Nam. Những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc ta như lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, cần cù và sáng tạo trong lao động, ý chí bất khuất kiên cường vượt qua khó khăn, thử thách đã được gia đình Việt Nam gìn giữ, phát huy, lưu truyền trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đúc kết: “Ba trụ cột của ý thức cộng đồng người Việt Nam đó là gia đình (nhà), làng và nước. Ngày nay xây dựng một xã hội công bằng, văn minh đòi hỏi chúng ta phải trở lại với những truyền thống tốt đẹp từ ngàn xưa” (1). Từ nhận định này, khiến chúng ta suy ngẫm để cùng nhau gìn giữ, xây dựng và hoàn thiện mối quan hệ hữu cơ của ba trụ cột nhà-làng-nước.
 
Thực tế cho thấy, sự ổn định và phát triển của xã hội và quốc gia bắt đầu từ sự ổn định và phát triển của gia đình. Quan niệm biện chứng đó được thể hiện cô đọng trong câu nói: “Dân giàu thì nước mạnh”, “Nước mất thì nhà tan”. Xét ở khía cạnh khác, gia đình có một vị trí quan trọng trong tâm linh vô cùng thiêng liêng của mỗi người. Hầu hết các gia đình Việt Nam ở các vùng miền đều có tục thờ cúng tổ tiên. Sự đoàn tụ trong những ngày cúng, giỗ, nhất là Tết Nguyên đán, lễ cưới, hỏi, tang gia… là một minh chứng. Đời nối đời. Đó là một phong tục đẹp. Trong tâm thức người Việt, với văn hóa ứng xử dù thành văn hay truyền khẩu, dù người học nhiều, học ít, thậm chí không biết chữ đều có những câu nằm lòng mang tính giáo dục điều tốt và cảnh giác những điều cần tránh: “Giấy rách giữ lấy lề”… Đồng thời, người đời cũng biết thức tỉnh những ông, bà, cha mẹ thiếu tâm huyết, vô trách nhiệm chăm lo dạy bảo con cháu, bỏ mặc, thờ ơ, cho nên có câu: “Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”. Thực tế ấy đã không ít gia đình có nhiều đứa con hư sa vào tệ nạn xã hội. Tất nhiên cũng có những gia đình tốt, nhưng lại chịu bi kịch con hư từ xã hội tác động mà không lường được.
 
Từ những năm cuối thế kỷ 20 đến nay, gia đình ở nước ta và tại nhiều quốc gia trong khu vực đang chịu những thách thức và có sự thay đổi nhanh. Đó là tỷ lệ ly hôn gia tăng; số lượng “gia đình đơn nhất” (chỉ có mẹ con hoặc cha con) và các cuộc “hôn nhân thử nghiệm” (sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn) và đã có một số hiện tượng xuất hiện kiểu gia đình đồng giới. Loại gia đình này cần xã hội lên án bởi tính chất nghiêm trọng đi ngược với việc duy trì và bảo vệ nòi giống, một kiểu phi đạo đức.
 
Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo trong những năm qua giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống gia đình. Tuy nhiên, mặt trái của nền kinh tế thị trường mà biểu hiện là lối sống thực dụng, ích kỷ, đề cao tự do phát triển cá nhân đang là nguy cơ làm xói mòn nhiều giá trị đạo đức truyền thống của gia đình Việt Nam. Quá trình hội nhập quốc tế và giao lưu văn hóa với các nước đang diễn ra những biến đổi về cấu trúc và chức năng của gia đình Việt Nam. Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, nếu không hiểu thấu vấn đề này sẽ rất khó khăn. Đã có những hậu quả từ cách kết hợp lệch lạc, kệch cỡm Tây không ra Tây mà ta cũng chẳng ra ta!! Vì thế, thách thức lớn nhất đối với gia đình Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là cùng với việc tiếp thu những giá trị nhân văn mới trong xu thế hội nhập là việc phải giữ được bản sắc văn hóa dân tộc và phát huy những giá trị truyền thống gia đình Việt Nam. Càng thấm thía với câu nói của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh những năm đầu đổi mới: “Khi mở cửa có cả gió lành, gió độc và ruồi, muỗi, bụi bặm”.
 
Tạo dựng được một cuộc sống đầy đủ, một gia đình hạnh phúc đó là mong ước của mọi người, nhưng để có điều đó, người ta phải biết hy sinh, dám từ bỏ những cám dỗ tầm thường để xây dựng nó.
 
Lúc sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm đến việc xây dựng gia đình, xây dựng Luật Hôn nhân và gia đình (Bác gọi là “Luật lấy vợ lấy chồng”). Bác nói: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng, và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng xã hội chủ nghĩa mà phải chú ý hạt nhân cho tốt” (2). Tư tưởng của Người về gia đình đã được thể hiện trong nhiều văn kiện đường lối của Đảng và các văn bản pháp luật Nhà nước với nội dung nêu cao trách nhiệm của lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội chăm lo xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung và phát triển năm 2011) khẳng định: “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách” (3).
 
Để thực hiện sự nghiệp CNH, HĐH đất nước đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, biết tiếp cận và làm chủ nền kinh tế tri thức. Muốn thế, cần phải chú trọng đến gia đình vì đó chính là môi trường cơ bản và thuận lợi cho giáo dục, đào tạo các thế hệ tương lai. Sống trong xã hội hiện đại, nhưng không thể quên đi giá trị truyền thống gia đình Việt Nam-một gia đình có tôn ti trật tự, kính trên nhường dưới, biết tôn trọng quyền cơ bản mỗi cá nhân. Mặt khác, cần trang bị cho các thành viên một trình độ học vấn, ý thức pháp luật, một đạo đức nghề nghiệp, một năng lực tư duy để có đủ trí tuệ và bản lĩnh nhằm phát huy tính hiện đại trên cơ sở giữ gìn giá trị truyền thống của dân tộc.
 
(1) Báo Nhân Dân Chủ nhật, ngày 16-6-1994
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Nxb CTQG, H.2002, tr.523
(3) Văn kiện Đại hội XI của Đảng, Nxb CTQG, H.2011, tr.77
 
Khuất Minh Phương