(LĐ online) - Ngày 11/6, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Lâm Đồng đã đưa ra một số biện pháp bảo quản hành tây nhằm giúp bà con xử lý đạt hiệu quả về kinh tế đối với sản phẩm của mình làm ra như đang trong thời kỳ thấp giá hiện nay.
(LĐ online) - Ngày 11/6, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Lâm Đồng đã đưa ra một số biện pháp bảo quản hành tây nhằm giúp bà con xử lý đạt hiệu quả về kinh tế đối với sản phẩm của mình làm ra như đang trong thời kỳ thấp giá hiện nay.
Trong vòng hơn một tháng qua, sản phẩm hành tây Đà Lạt bị liên tục xuống giá, nhiều nhà vườn thu hoạch xong nhưng không tiêu thụ được; trong khi đó, do khâu bảo quản không tốt nên sản phẩm hành tây của bà con bị mọc mầm, úng nhũn, xuống cấp... Trong thực tế, đã có không ít nhà vườn Đà Lạt phải xót xa mang hành tây “một nắng hai sương” của mình đi đổ bỏ cho bò ăn hoặc làm phân bón. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nhà vườn mang hành tây đi đổ, trong đó có nguyên nhân hàng cùng loại giá rẻ được nhập về từ Trung Quốc cạnh tranh một cách khốc liệt.
Hằng năm, nông dân Lâm Đồng trồng khoảng 540ha hành tây tại Đà Lạt và một số vùng lân cận như Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương... với sản lượng ước khoảng 35.000 - 38.000 tấn. Vụ hành tây vừa rồi, hầu hết nhà vườn ở Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương... đều thu hoạch đúng vào thời điểm mưa nhiều và gặp ngay vào lúc xuống giá quá thấp; trong khi khâu bảo quản không tốt nên phải mang đi đổ.
Trước hết, Chi cục BVTV lưu ý rằng, một trong những nhược điểm lớn đó là bà con nông dân không có thói quen xử lý sản phẩm trước khi thu hoạch nên đã làm tăng độ nảy mầm của củ hành và tạo điều kiện cho một số vi khuẩn gây thối có điều kiện phát triển. Bởi vậy, theo Chi cục BVTV, trước khi thu hoạch củ hành tây khoảng 3 - 4 tuần, bà con nên dùng chất dạng muối natri của MH (là dạng hydratzit của acid maleic) với nồng độ 0,25% để phun lên cây ở ngoài đồng (1.000 lít dung dịch/ha). Làm được như vậy, có nghĩa là bà con đã tạo ra sự ức chế đến đỉnh sinh trưởng của hành tây, đồng nghĩa với sự kìm hãm sự nảy mầm của củ hành. Cùng đó, khi vườn hành tây chuẩn bị trụi lá (trước thu hoạch 2 - 3 tuần), Chi cục BVTV Lâm Đồng còn khuyên bà con nên dùng các loại thuốc Stepgauard 50SP, 100SP, Kocide 46.1WG, Kasai 21.2WP, Kasunran 47WP, Sat 4SL, Actinovate 1SP... với nồng độ và liều lượng theo khuyến cáo để xử lý vi khuẩn gây thối củ hành. Và, cùng đó là nên thu hoạch hành tây vào thời điểm nắng ráo, nên đựng sản phẩm trong các loại bao có độ thoáng khí, cất trữ vào nơi khô thoáng...
K.D