Hai cơ sở tái chế nhựa gây ô nhiễm môi trường

09:06, 12/06/2014

Đã gần chục năm nay, hàng chục hộ dân sống tại tổ 21 và tổ 22, phường II (TP Bảo Lộc) phải sống chung với tình trạng ô nhiễm mà 2 cơ sở thu mua và tái chế nhựa gây nên. Vụ việc đã được người dân nơi đây, nhiều lần kiến nghị tới các chủ cơ sở và các cấp có thẩm quyền, nhưng đến nay, tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được giải quyết!

Đã gần chục năm nay, hàng chục hộ dân sống tại tổ 21 và tổ 22, phường II (TP Bảo Lộc) phải sống chung với tình trạng ô nhiễm mà 2 cơ sở thu mua và tái chế nhựa gây nên. Vụ việc đã được người dân nơi đây, nhiều lần kiến nghị tới các chủ cơ sở và các cấp có thẩm quyền, nhưng đến nay, tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được giải quyết!
 
Nước thải gây ô nhiễm tại cơ sở tái chế nhựa của bà Mùi
Nước thải gây ô nhiễm tại cơ sở tái chế nhựa của bà Mùi
 
Khi chúng tôi tìm đến tổ 21 và 22 (phường II, TP Bảo Lộc) để xác minh những gì mà người dân nơi đây phản ánh về tình trạng ô nhiễm do 2 cơ sở thu mua và tái chế nhựa gây nên. Cả 2 cơ sở này đều được xây dựng tại tổ 22 và chỉ cách nhau khoảng 50m. Trong đó, một cơ sở của bà Nguyễn Thị Mùi và cơ sở còn lại là của ông Phạm Thế Trạch. Theo phản ánh của người dân, hiện có ít nhất 60 hộ dân chịu ảnh hưởng ô nhiễm từ 2 cơ sở này. Tuy nhiên, mức độ gây ô nhiễm từ cơ sở của bà Mùi nhiều hơn. Hiện nay, trong số những hộ dân đang sinh sống trong vùng bị ô nhiễm, thì có đến 40 hộ chịu ảnh hưởng từ cơ sở bà Mùi.
 
Qua tìm hiểu của chúng tôi, cơ sở thu mua và tái chế nhựa của bà Mùi được xây dựng trên diện tích khoảng 500m2, bốn phía giáp với nhà và vườn của người khác. Nhà xưởng chỉ được che bằng những tấm tôn sơ sài và trong xưởng luôn được chất đầy bao bì, chai lọ. Cùng với đó, máy xay và lò nấu nhựa luôn hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm. Mặt khác, cơ sở này dùng khá nhiều nước để rửa nguyên liệu trước và sau khi nấu. Tất cả lượng nước này, đều được xả trực tiếp ra môi trường mà không qua bất kỳ một hệ thống xử lý nào. Không những vậy, trong năm 2013, cơ sở của bà Mùi đã từng bốc cháy. Do đó, nguy cơ cháy nổ từ cơ sở này luôn tiềm ẩn, khiến người dân rất lo ngại. Ông Trần Văn Khánh (một hộ dân có nhà nằm sát vách cơ sở bà Mùi) bức xúc: “Lúc nào mùi hôi thối, khét nhựa và cả tiếng ồn từ cơ sở bà Mùi cũng bao vây lấy gia đình tôi. Vì thế, vào ban đêm mặc dù đóng kín cửa nhưng vẫn không thể ngủ được. Lắm lúc, bà Mùi xem vườn nhà tôi như một bãi đất hoang và cho công nhân xả nước thải tràn lan cả vườn. Khi tôi qua nói, thì bà Mùi hứa sẽ khắc phục, nhưng đến nay mọi chuyện vẫn y nguyên như cũ!”.
 
Cùng đó, mùi hôi thối phân heo, phân gà, phân cá… bốc lên từ kho chứa nguyên liệu tại cơ sở của bà Mùi, đang là nỗi ám ảnh thường trực đối với hàng chục hộ dân trong khu vực. Ông Nguyễn Tân Tiến, một trong những hộ dân chịu ảnh hưởng từ cơ sở bà Mùi, lên tiếng: “Chúng tôi vô cùng bất an và lo lắng, khi sống giữa một khu dân cư đang bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi một cơ sở tái chế nhựa gây nên. Nước thải với đủ các loại chất bẩn và cả chất tẩy nhựa cho thải ra môi trường và ngấm xuống lòng đất suốt thời gian qua là không kể hết. Chúng tôi lo lắng, lượng nước thải này sẽ làm ô nhiễm tới nguồn nước mình đang dùng. Không chỉ gia đình tôi mà hầu hết các hộ dân ở đây lo ngại, nên không giám sử dụng nước giếng đào nữa, đành phải khoan giếng có độ sâu hàng chục mét để sử dụng!”.
 
Không gây ô nhiễm nghiêm trọng như cơ sở của bà Mùi, nhưng cơ sở tái chế nhựa của ông Phạm Thế Trạch cũng đang làm ảnh hưởng tới cuộc sống của không ít hộ dân tại khu vực này. Qua ghi nhận của chúng tôi, cơ sở của ông Trạch được xây dựng trên một diện tích khá rộng (khoảng 5.000m2). Mặc dù nước thải từ cơ sở này chưa ảnh hưởng tới nguồn nước của người dân đang dùng, nhưng mùi khét nhựa, khí thải và tiếng ồn thì ảnh hưởng thấy rõ. Ông Trịnh Ngọc Bồi, Tổ trưởng tổ 21, cho biết: “Mỗi khi cơ sở ông Trạch hoạt động, thì khét nhựa, khí đốt bay mù mịt, khiến người lớn cũng như trẻ nhỏ của cả khu dân cư đều phải nín thở. Trước tình trạng đó, người dân đã nhiều lần phản ánh với ông Trạch và các cơ quan chức năng, nhưng đến nay vẫn không có chút thay đổi nào!”. 
 
Nói về việc 2 cơ sở tái chế nhựa nằm trong khu dân cư do mình phụ trách, ông Nguyễn Xuân Lộc, Tổ trưởng tổ 22, bày tỏ: “Năm 2006, khi cả 2 cơ sở tái chế nhựa của bà Mùi và ông Trạch được xây dựng, chúng tôi đã lên tiếng phản đối ngay. Từ đó đến nay, bà con cả tổ 21 và 22 đã nhiều lần làm đơn kiến nghị gửi lên UBND phường II, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an TP Bảo Lộc và UBND thành phố để được xem xét xử lý. Song, đến nay tình trạng ô nhiễm lại diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn. Vì vậy, chúng tôi mong muốn các ngành chức năng sớm vào “cuộc” để bảo vệ sức khỏe cho hàng trăm con người đang sống tại khu dân cư này!”.
 
KHÁNH PHÚC