Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 79/2007/QĐ-TTg ngày 31/5/2007 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học (ĐDSH) đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 3578/QĐ-UBND ngày 30/12/2008 về phê duyệt Chương trình hành động bảo tồn ĐDSH giai đoạn 2008-2020. Thế nhưng, đến nay, Chương trình chưa được triển khai thực hiện, "hành động" càng ngày càng bị thách thức.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 79/2007/QĐ-TTg ngày 31/5/2007 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học (ĐDSH) đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 3578/QĐ-UBND ngày 30/12/2008 về phê duyệt Chương trình hành động bảo tồn ĐDSH giai đoạn 2008-2020. Thế nhưng, đến nay, Chương trình chưa được triển khai thực hiện, “hành động” càng ngày càng bị thách thức.
|
Rừng đầu nguồn ở Đưng K’Nớ đang bị tàn phá nghiêm trọng (Ảnh chụp tháng 3 năm 2014) |
Nguồn ĐDSH cao
Lâm Đồng là tỉnh được đánh giá có nguồn ĐDSH cao với hệ gen phong phú. Trong các hệ sinh thái (HST) trên cạn, HST rừng chiếm tỷ lệ diện tích lớn nhất (60,3% diện tích tự nhiên) với các kiểu thảm thực vật. Đã xác định được 3.490 loài thực vật rừng và 393 loài nấm, trong đó có 131 loài thuộc Sách Đỏ Việt Nam (SĐVN) 2007, 45 loài trong Danh lục đỏ IUCN 2012 và 43 loài thuộc Nghị định 32/2006/NĐ-CP. Địa bàn tỉnh đã ghi nhận có sự hiện diện của 85 loài thú, 686 loài côn trùng, 301 loài chim, 102 loài bò sát - lưỡng cư, trong đó rất nhiều loài nêu trong Danh lục đỏ IUCN 2012, SĐVN 2007 và Nghị định 32/2006/NĐ-CP. Các HST đất ngập nước chiếm trên 2% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, bao gồm: các HST có dòng chảy nhanh, các HST có dòng chảy chậm và đất ngập nước. Đã xác định được 111 loài cá thuộc 20 họ trong 8 bộ, trong đó có 5 loài bị đe dọa cấp quốc gia nêu trong SĐVN. Đã thống kê được 257 loài thực vật phiêu sinh, 125 loài động vật phiêu sinh và 63 loài động vật đáy...
ĐDSH đưa lại những giá trị về sinh thái và môi trường; giá trị kinh tế và giá trị văn hóa, tinh thần. Ví dụ ở Lâm Đồng, ĐDSH đóng góp chủ yếu vào tổng sản phẩm (GDP) hàng năm của tỉnh (nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 49%). ĐDSH còn cung cấp cho người dân những nhu cầu thiết yếu như vật liệu xây dựng, làm đồ gia dụng, củi đun, thực phẩm, dược liệu… Trong đời sống của người dân, nhiều loài cây, con vật đã trở thành vật thiêng; những ngành nghề thủ công truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm, sản xuất tơ tằm... biểu hiện sự gắn bó giữa con người với ĐDSH.
Nguy cơ suy thoái
ĐDSH ở tỉnh Lâm Đồng đang đứng trước nguy cơ suy thoái, thể hiện qua các cấp độ: giảm chất lượng và các chức năng của HST; nhiều loài đang bị đe dọa tuyệt chủng, suy giảm quần thể. Trong một số trường hợp, đa dạng gen của quần thể các loài trọng tâm cũng đang bị suy thoái do mất nơi sống và chia cắt manh mún sinh cảnh làm cô lập các quần thể này. Mối đe dọa đối với tính ĐDSH của Lâm Đồng bao gồm các đe dọa trực tiếp như khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ; săn bắt động vật hoang dã và khai thác bừa bãi nguồn lợi thủy sản; phá rừng lấy đất sản xuất; chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng với quy mô lớn; cháy rừng; khai thác khoáng sản. Tại một hội thảo, bà Hoàng Công Hoài Nam - Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng - cho biết, số vụ vi phạm lâm luật trong 5 năm ở Lâm Đồng (từ 2008-2012) do ngành kiểm lâm xử lý là 3.325 vụ với 1.409 ha rừng; khai thác lâm sản trái phép 2.743 vụ, thiệt hại 11.386 m3 gỗ tròn, hơn 7,7m3 gỗ xẻ. Từ 2001 đến 2012, toàn tỉnh bị cháy rừng 453 vụ với hơn 1.186 ha.... Còn các mối đe dọa gián tiếp là: Ô nhiễm môi trường; biến đổi khí hậu; xâm nhập của động thực vật ngoại lai gây hại; phát triển du lịch thiếu kiểm soát.
Việc quản lý bảo tồn tài nguyên ĐDSH, bảo vệ thiên nhiên và sử dụng một cách bền vững tài nguyên thiên nhiên, trong cả nước và Lâm Đồng đều đang gặp rất nhiều khó khăn. Đó là cơ chế, chính sách, luật pháp về quản lý bảo vệ tài nguyên thiên nhiên còn nhiều bất cập; năng lực bảo tồn còn hạn chế; nhận thức chưa đầy đủ về các giá trị của ĐDSH. Phó Giám đốc Sở TN&MT Lâm Đồng Lương Văn Ngự cho biết: Ở tỉnh, từ 5 năm nay, lực lượng thiếu, bỏ lửng 3-4 năm trong triển khai kế hoạch hành động ĐDSH. Điều này cho thấy, những số liệu về ĐDSH được nêu ở trên chỉ là sự kế thừa, nếu được điều tra đầy đủ, chắc chắn số lượng các loài động, thực vật được ghi nhận ở Lâm Đồng sẽ còn phong phú hơn nhiều. Đồng thời, sự suy thoái, thậm chí tuyệt chủng cũng “báo động đỏ” hơn nữa.
Phải “hành động” ngay
Hành động ĐDSH với mục tiêu chung là: Bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên ĐDSH; khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý và kiểm soát có hiệu quả ô nhiễm môi trường và các mối đe dọa khác đối với ĐDSH. Theo đó, nhiệm vụ cấp bách là nâng cao năng lực quản lý nhà nước về ĐDSH; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên ĐDSH và bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên ĐDSH. Để thực hiện, dĩ nhiên cần nhiều giải pháp đồng thời, đồng bộ, nhưng trước hết, nhóm giải pháp tăng cường nâng cao năng lực và hiệu lực quản lý nhà nước về ĐDSH nói như PGS, TS. Nguyễn Mộng Sinh là “nhóm bức xúc nhất, quan trọng nhất”. Cùng đó là các nhóm giải pháp về kỹ thuật và công nghệ; xã hội hóa; kinh tế; liên kết các tỉnh và hợp tác quốc tế và vốn đầu tư. Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Nguyễn Công Thủy cho biết, theo kế hoạch, ngành TN&MT đã đề xuất tổng kinh phí dự kiến 12,7 tỷ đồng. Bao gồm 3 dự án về thu thập thông tin, điều tra, đánh giá, hiện trạng tài nguyên; hiện trạng công tác quản lý và khai thác; xây dựng Quy hoạch bảo tồn ĐDSH trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến 2020.
Theo ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, để “hành động ĐDSH” đạt kết quả, phải thực hiện nhiều nhiệm vụ và giải pháp. Đó là, cần gắn với Chương trình Tây Nguyên 3; tiếp cận thành tựu các đề tài khoa học, ví dụ như của các nhà khoa học ở Trường Đại học Đà Lạt; cơ quan quản lý nhà nước cần đặt hàng cho các cơ sở khoa học. Đồng thời, cần quan tâm đến sự tham gia của cộng đồng; tăng cường hợp tác quốc tế; phát triển giá trị kinh tế một số loài đặc hữu thông qua phối hợp giữa khoa học và doanh nghiệp và vấn đề chia sẻ lợi ích các bên...
Tài nguyên thiên nhiên nói chung và tài nguyên ĐDSH nói riêng là nguồn lực giá trị và quan trọng phát triển kinh tế; là vấn đề môi sinh cần bảo tồn để duy trì sự sống các hệ sinh thái rừng gắn với đời sống cộng đồng dân cư. Tài nguyên ấy chỉ trở thành sức mạnh khi con người biết quản lý khai thác và sử dụng hợp lý. Và có như vậy sự tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, giảm nghèo, môi trường mới phát triển bền vững.
MINH ĐẠO