Phải luôn tư duy đề tài, đi nhiều, tác nghiệp nhanh, biết cách thể hiện đề tài hấp dẫn

08:06, 19/06/2014

Làm báo là nghề và cũng như bao nghề khác, nghề báo cũng đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, mới mang lại hiệu quả công việc.

Làm báo là nghề và cũng như bao nghề khác, nghề báo cũng đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, mới mang lại hiệu quả công việc. Tuy nhiên, khác với các nghề khác, nghề báo đòi hỏi phải liên tục tư duy, đi, phát hiện đề tài và có nghệ thuật thể hiện đề tài, mới mong có được tác phẩm sâu sắc về nội dung, hay về hình thức thể hiện, để hấp dẫn bạn đọc. Cùng với đó, nghề báo cũng đòi hỏi phải không ngừng trui rèn bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp, mới đứng vững trong mọi tình huống, trong mọi hoàn cảnh.   

Bác Hồ chú ý nhất đến tờ báo Đảng - báo Nhân dân. Sinh thời Bác thường xuyên viết bài cho báo Nhân dân. Ảnh: TL
Bác Hồ chú ý nhất đến tờ báo Đảng - báo Nhân dân. Sinh thời Bác thường xuyên viết bài cho báo Nhân dân. Ảnh: TL
Nghề báo có tính đặc thù cao, bởi là nghề có điều kiện tiếp xúc với mọi cấp, mọi ngành, mọi người trong xã hội. Nhưng không chỉ có việc tiếp xúc, mà nhà báo phải có nhãn quan chính trị, phương pháp luận đúng đắn để nắm bắt, nhận thức và phản ánh thực tế cuộc sống một cách khoa học, biện chứng, phù hợp với quan điểm, lập trường chính trị và lợi ích chính đáng của nhân dân. Hoạt động báo chí là hoạt động chất xám, mang tính trí tuệ, định hướng chính trị, dư luận xã hội cao, do đó, trước hiện thực cuộc sống bề bộn, phong phú, sinh động, nhà báo phải biết phát hiện, tư duy đề tài, chọn lọc đề tài để phản ánh. Sau phát hiện, tư duy, chọn lọc đề tài, nhà báo phải đi thực tế, lăn lộn với cuộc sống mới nắm bắt được vấn đề, phân biệt được đâu là bản chất, đâu là hiện tượng để có cách phản ánh chính xác. Quá trình đi thực tế, xâm nhập cuộc sống ngoài con mắt “nhà nghề” để phân biệt bản chất, hiện tượng, nhà báo cũng cần có tác phong làm việc nhanh, nhạy, nhưng kỹ lưỡng, chính xác. Nghĩa là, trong cùng một thời gian, nếu như những người hoạt động trong các nghề khác chỉ có thể tiếp xúc được với một, hai đối tượng, tìm hiểu được một hai vấn đề, thì ngược lại nhà báo có thể tiếp xúc được nhiều đối tượng, tìm hiểu được nhiều vấn đề. Nói như vậy có nghĩa, nhà báo phải liên tục di chuyển, liên tục tìm hiểu, phỏng vấn đối tượng để làm bật những nội dung cốt lõi của đề tài mà mình đã tư duy. Tuy nhiên, không phải cứ phỏng vấn, chất vấn là có ngay những nội dung cốt lõi của đề tài đã tư duy. Thực tế cho thấy, có nhiều đề tài “hóc búa”, nhất là các đề tài đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, mặt trái của cuộc sống, thì nhà báo phải có “nghệ thuật” khai thác thông tin, để đối tượng dù không muốn cung cấp, tìm cách né tránh, nhưng cuối cùng nhà báo vẫn nắm bắt được vấn đề mà mình cần có. Trong thực tế, có không ít nhà báo đã làm được điều này, nên có được những tác phẩm báo chí chất lượng cao, những phóng sự điều tra, phóng sự xã hội hấp dẫn bạn đọc. Nhưng ngược lại, cũng có nhiều nhà báo, tuy đi nhiều, phỏng vấn, chất vấn nhiều, nhưng tác phong lề mề, hời hợt, nên chẳng khai thác được thông tin gì từ phía đối tượng, thậm chí dù đã được gợi mở đề tài, nhưng do không có kinh nghiệm khai thác tư liệu, nên chẳng thực hiện được nhiệm vụ. 
 
Hội thao nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam tại Đắc Nông. Trong ảnh: Thi kéo co giữa đội Lâm Đồng và đội chủ nhà. Ảnh: Thanh Toàn
Hội thao nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam tại Đắc Nông. Trong ảnh: Thi kéo co giữa đội Lâm Đồng và đội chủ nhà. Ảnh: Thanh Toàn

Vấn đề không kém phần quan trọng trong hoạt động nghề báo là nhà báo sau khi đã tư duy đề tài, tác nghiệp, thu thập tư liệu, cần phải biết xử lý tư liệu, thể hiện đề tài như thế nào để đảm bảo được tính định hướng dư luận và hấp dẫn bạn đọc. Theo đó, trong vô số tư liệu thu thập được, nhà báo phải biết chọn lọc những tư liệu nào đưa vào bài viết để phục vụ hiệu quả nhất, cô đọng nhất cho đề tài đã được tư duy, và phải biết “gạn đục khơi trong” chọn vấn đề nào có tính tiêu biểu, đúng bản chất vụ việc để phản ánh, nhằm đảm bảo được tính định hướng tích cực đối với dư luận, chứ không phải cứ gặp việc gì, vấn đề gì là phản ánh theo kiểu sao chụp, hoặc thổi phồng, bóp méo sự thật. Mặt khác, để tác phẩm có sức hấp dẫn đối với bạn đọc, nhà báo cũng cần có sự phân biệt vấn đề nào, phạm vi ảnh hưởng của đề tài như thế nào để có cách thể hiện thể loại báo chí hợp lý như phản ánh, phóng sự, phóng sự điều tra, ký sự, ghi chép, tản mạn… Và trong các thể loại báo chí cũng cần có sự thể hiện tinh tế, hài hòa, hợp lý, khoa học giữa cách đặt vấn đề, giải quyết vấn đề, kết thúc vấn đề, hay nói cách khác cần có sự gợi mở, dẫn dắt và kết thúc một cách có nghệ thuật. Thực tế, nhiều nhà báo đã thành công trong thể hiện đề tài, nên tác phẩm báo chí của họ luôn được bạn đọc đánh giá cao.
 
Nói tóm lại, đối với nghề báo, tư duy đề tài, đi nhiều, tác nghiệp nhanh, biết cách thể hiện đề tài là một đòi hỏi bức thiết để có được tác phẩm báo chí chất lượng cao. Nếu nhà báo nào hội đủ những yếu tố đó thì có cơ hội trở thành nhà báo giỏi, được bạn đọc trân trọng, đánh giá cao. Ngược lại, nhà báo nào không có, hoặc mất dần các yếu tố đó thì sẽ trở thành những “quan báo”, “nhà báo sa lông”, hoặc những nhà báo “thường thường bậc trung”.
 
Hoàng Kiến Giang