(LĐ online) - Trong lịch sử phát triển, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển qua hai giai đoạn là gia đình truyền thống và gia đình hiện đại.
(LĐ online) - Trong lịch sử phát triển, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển qua hai giai đoạn là gia đình truyền thống và gia đình hiện đại. Gia đình truyền thống: Là gia đình có nhiều thế hệ cùng sinh sống, hệ thống các quy tắc đạo đức, bổn phận, cách ứng xử, đối xử trong gia đình theo một khuôn phép chặt chẽ. Gia đình truyền thống đề cao sự thủy chung trong quan hệ vợ chồng; con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, anh chị em sống hòa thuận. Những giá trị đó đã trở thành nét đẹp văn hóa, nền nếp gia phong, cố kết chặt chẽ, là môi trường quan trọng để hoàn thiện nhân cách của mỗi thành viên trong gia đình. Cái nền truyền thống đó vẫn được phát huy và còn nguyên giá trị trong cuộc sống hiện tại. Tuy nhiên, gia đình truyền thống cũng có những hạn chế nhất định như: vị trí, vai trò của người phụ nữ bị xem nhẹ; việc giải phóng con người bị cản trở do vậy hạn chế việc phát huy năng lực và tính độc lập của mỗi thành viên trong gia đình.
|
Hội thi gia đình hạnh phúc tại Học viện Lục quân |
Gia đình thời hiện đại: Có sự dân chủ hơn trong đời sống gia đình; mọi thành viên trong gia đình, nhất là phụ nữ có điều kiện để phát triển toàn diện. Môi trường hoạt động phong phú hơn nên ảnh hưởng tới nhân cách con người cũng phong phú hơn. Tuy nhiên, do sự biến đổi của điều kiện kinh tế - xã hội, nhất là sự tác động mặt trái của cơ chế thị trường và sự giao lưu hợp tác quốc tế đã tác động không nhỏ tới việc hình thành và những quan niệm về gia đình thời hiện đại đó là đề cao giá trị vật chất, xem nhẹ giá trị tinh thần. Biểu hiện là: Quan hệ gia đình (vợ chồng, anh em, cha con) vẫn dựa trên tình cảm là chính nhưng đôi khi bị đồng tiền chi phối. Do lối sống ích kỷ, thực dụng, coi đồng tiền là trên hết nên đã xảy ra nhiều trường hợp con cái bất hiếu với cha mẹ; anh em tranh giành quyền lợi dẫn đến bất hòa. Sự gắn kết, thủy chung trong quan hệ vợ chồng không được bền chặt như trước (sự trinh tiết của người phụ nữ coi nhẹ; số vụ ly hôn tăng cao; tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng). Bạo lực gia đình, xu hướng ly hôn có chiều hướng gia tăng.
Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường đầu tiên để nuôi dưỡng và hình thành nhân cách con người. Tất cả những giá trị về kinh tế, văn hóa, khoa học đều khởi nguồn từ gia đình. Gia đình cũng là một thiết chế văn hóa góp phần tạo dựng một xã hội văn hóa. Gia đình càng hoàn thiện, có văn hóa sẽ góp phần xây dựng lối sống tốt đẹp cho xã hội. Xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc là cơ sở để xây dựng xã hội tốt đẹp. Gia đình là cái nôi được kết hợp với nhà trường và xã hội là ba môi trường giáo dục cần thiết cho sự phát triển nhân cách của mỗi con người. Các nhà nghiên cứu đã khẳng định: giai đoạn giáo dục của gia đình là cơ sở quan trọng để hình thành tài năng, nhân cách con người. Gia đình là nơi có những phút giây đầm ấm, thanh thản sau những bộn bề công việc, là nơi nuôi dưỡng cả thể chất và tâm hồn con trẻ. Gia đình là nơi con người cảm thấy yên tâm nhất khi gặp những khó khăn, bất trắc, đồng thời còn là nơi nương tựa khi về già.
Giáo dục gia đình là trách nhiệm của mọi thành viên từ ông bà đến cha mẹ đến anh em, trong đó cha mẹ giữ vai trò quan trọng và quyết định nhất. Trong lịch sử từ cổ đại đến đương đại luôn coi phụ nữ là nguồn hạnh phúc, là chủ thể quan trọng trong việc chăm sóc chồng con, đỡ đần cho cha mẹ khi già yếu, là chỗ dựa cho gia đình trên nhiều phương diện của cuộc sống. Đã có người cho rằng: “nếu một người đàn ông hư hỏng thì chỉ hư hỏng một người, nhưng một người phụ nữ hư hỏng thì hỏng cả nhà”, câu nói này nói lên vai trò rất quan trọng của người phụ nữ (người mẹ) trong gia đình.
Theo thời gian thì những quan niệm về chuẩn mực của người phụ nữ, nhất là thời hiện đại cũng có rất nhiều nét đổi khác, nhưng người phụ nữ dù ở giai đoạn nào vẫn giữ vai trò là người thắp lửa trong tổ ấm gia đình, là người có tác động rất quan trọng đến các thành viên trong gia đình, đặc biệt là đối với việc giáo dục con cái.
Việc giáo dục, dạy dỗ con cái là việc lớn nhất trong gia đình, nó sẽ quyết định đến sự phát triển bền vững hay hạnh phúc gia đình. Việc nuôi dạy con cái là rất cần thiết, bất kỳ một người mẹ nào cũng đều mong muốn con ngoan, trưởng thành, đều nỗ lực dạy con, nhưng nếu không có bàn tay của người cha là không được bởi vì trong gia đình phải có sự chung sức xây tổ ấm. Mọi người đều phải góp sức để nuôi dạy con cái.
Một gia đình bền vững là một gia đình đều nghiêng xuống vành nôi, coi việc chăm sóc, dạy dỗ con cái là việc hệ trọng của gia đình. Các chuyên gia luôn nhận định rằng, người cha luôn là trụ cột vững chắc trong gia đình, còn người mẹ là chỗ dựa tinh thần, sưởi ấm yêu thương để gắn kết các thành viên trong gia đình xích lại gần nhau hơn. Chính vì vậy người ta cho rằng: mẹ dạy con thì con khéo, cha dạy con thì con ngoan.
Khi các con lớn lên, người cha là chỗ dựa của con cái. Những đứa trẻ nào muốn thành đạt đều phải tựa vào vai cha. Vì người đàn ông thường khác người phụ nữ. Phụ nữ quan tâm đến con cái hơn đàn ông nhưng mẹ nói 10 câu có khi con chưa nghe, nhưng bố chỉ cần liếc mắt là con đã nghe rồi. Vì đàn ông có cái uy của nó, ngoài tình phụ tử, thương yêu ra, họ còn có phẩm chất sư phạm rất đáng quý (đó là nghiêm khắc). Tất nhiên người cha phải luôn là người mẫu mực thì mới có sức ảnh hưởng tới nhân cách của con cái.
Ảnh hưởng của môi trường văn hóa gia đình là rất lớn đối với sự phát triển nhân cách của con trẻ. Người gần gũi nhất con trẻ, dạy cho con những bài học đầu đời, bài học khai tâm, khai sáng từ lời ru, đó là người mẹ. Vì vậy tấm gương sáng của người mẹ, sự quan tâm, giáo dục của người mẹ có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển nhân cách của con trẻ và ngược lại.
Mục tiêu của từng con người và của cả xã hội là phải làm sao cho từng gia đình êm ấm, bền vững và hạnh phúc. Gia đình đầm ấm, hạnh phúc thì từng thành viên trong gia đình được hưởng niềm vui, niềm hạnh phúc trong gia đình mình, tâm lý, nhân cách của những đứa con được phát triển toàn diện và xã hội càng phát triển. Ngược lại, gia đình tan nát thì mọi thành viên trong gia đình cũng bị ảnh hưởng, tâm lý của những đứa con phát triển không bình thường, dễ bị tác động, ảnh hưởng xấu của bạn bè và xã hội.
Nhân Ngày Gia đình Việt Nam, ta thấy rằng gia đình là nơi yêu thương, là nơi hạnh phúc, nhưng ngược lại đôi khi gia đình cũng là nơi làm ta đau khổ khi gia đình bị tan vỡ. Vì vậy, trách nhiệm của chúng ta là phải xây dựng gia đình bền vững, hạnh phúc. Giúp cho con người biết chịu đựng, biết điều chỉnh, biết tha thứ, ba điều đó là những viên ngọc quý lấp lánh trong tâm hồn ta. Những tia sáng của nó trong tâm hồn ta, trong trái tim ta sẽ chiếu soi vào cuộc đời này để làm thành một xã hội tốt đẹp.
Xuân Thủy - Phòng Chính trị, Học viện Lục quân