Họ - những người tình nguyện cho máu, có thể khác nhau về tuổi tác, nghề nghiệp nhưng có điểm chung là cùng góp phần mang đến cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân trong cơn nguy kịch. Nghĩa cử cao đẹp ấy đang ngày càng được nhân rộng, vươn xa, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia.
Họ - những người tình nguyện cho máu, có thể khác nhau về tuổi tác, nghề nghiệp nhưng có điểm chung là cùng góp phần mang đến cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân trong cơn nguy kịch. Nghĩa cử cao đẹp ấy đang ngày càng được nhân rộng, vươn xa, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia.
5 năm tham gia hiến máu tình nguyện với gần chục lần cho máu, cô Nguyễn Thị Hồng - Hiệu trưởng Trường Mầm non Vành Khuyên (huyện Đức Trọng) nói rằng cô rất vui, vì thấy mình có sức khoẻ và hạnh phúc khi chia sẻ điều đó với mọi người. Nói về “cơ duyên” đến với phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN), cô Hồng cho biết: “Trong một lần ba tôi cấp cứu vì bạo bệnh và cần phải truyền máu, lại là máu hiếm rất khó tìm nhưng vẫn được Bệnh viện Đa khoa tỉnh tạo mọi điều kiện để giúp đỡ. Lần đó, người cho ba tôi máu dù sắp làm đám cưới vẫn sắp xếp thời gian để đến cho máu và nhờ vậy, ba tôi đã được cứu sống. Thật sự, tôi rất xúc động và ấn tượng với nghĩa cử cao đẹp đó. Từ lần đó trở đi, tôi nghĩ, mình có sức khỏe thì hãy chia sẻ những giọt máu với những người không may mắn khác”. Không chỉ riêng bản thân tích cực tham gia phong trào HMTN mà mỗi dịp huyện tổ chức HMTN, cô Hồng lại vận động các giáo viên trong trường cùng tham gia.
Với suy nghĩ “Tiền bạc thì ai cũng cho được, nhưng chỉ có sức khỏe tốt thì mới cho máu được”, chị Trương Thị Hải (tổ 50, thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng) đã tích cực tham gia HMTN từ năm 2006. Vốn là Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ khu phố 12 (nay là tổ 50), chị Hải cho biết, để kêu gọi mọi người trong khu phố tham gia phong trào này, là chi hội trưởng, chị phải gương mẫu đi đầu để xem sau khi hiến máu, sức khỏe thế nào, có ảnh hưởng tới công việc, sinh hoạt hàng ngày hay không... Sau lần hiến máu đầu tiên, chị thấy sức khỏe mình chẳng có gì thay đổi, thậm chí còn khỏe hẳn ra, chị đã vận động người thân, gia đình, bạn bè và ngay cả những người chị tiếp xúc trong cuộc sống hàng ngày… Đến nay, ngoài bản thân chị đã có 9 lần cho máu, lần lượt gia đình chị gồm em gái Trương Thị Thương với 8 lần hiến máu, Trương Thị Tuyết: 5 lần, Trương Thị Nên: 5 lần, anh rể Quan Văn Nghĩa: 4 lần và em rể Nguyễn Quốc Việt: 1 lần. Đặc biệt, noi gương mẹ, 2 con chị cũng rất tích cực tham gia phong trào này, trong đó, con gái Nông Thị Thu Mai (26 tuổi) đã có 8 lần cho máu và 3 lần là số lần cho máu của cậu con trai Nông Minh Hùng. Nói thêm về “bí quyết” vận động mọi người cùng tham gia phong trào HMTN như mình, chị Hải chia sẻ: “Trong khu phố, tôi vận động những người có uy tín như Bí thư, khu phố trưởng trước, và chính những người này sẽ tiếp tục vận động mọi người khác cùng tham gia”.
Còn với bác Nguyễn Thật (xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm), việc đến với phong trào HMTN cũng rất tình cờ. “Trong một lần xem trên ti vi, thấy nhờ có nghĩa cử HMTN mà nhiều trường hợp bệnh nhân được cứu sống, tôi thấy rất xúc động vì việc làm ý nghĩa này, vậy là tôi quyết định tham gia phong trào mỗi khi huyện, tỉnh phát động” - bác Thật nói. Và từ năm 2010 đến nay, bác Thật đã có 9 lần tham gia HMTN. Không những thế, bác còn tích cực vận động gia đình, họ hàng và bạn bè cùng tham gia phong trào và tính đến nay, bác đã vận động được 7 người họ hàng cùng tham gia.
Ngoài cô Hồng, chị Hải, bác Thật, còn rất nhiều những tấm gương sáng trong phong trào HMTN trong tỉnh có thể kể đến như: Gia đình bà Lê Thị Thái (phường 4, TP.Đà Lạt) có hai người hiến máu, người hiến 5 lần, người hiến 6 lần; gia đình ông K’Tèo (xã Lộc Lâm, huyện Bảo Lâm) có 8 người trong gia đình cùng tham gia hiến máu, trong đó, có một người hiến 8 lần, các thành viên còn lại đều hiến máu từ 3 lần trở lên; anh Lê Anh Dũng (Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Đức Trọng) tham gia hiến máu 15 lần… Tất cả họ đều tham gia HMTN bằng tấm lòng nhân ái, sẵn sàng cho đi giọt máu quý giá của mình để cứu sống người bệnh mà không hề tư lợi. Nhờ những tấm lòng cao đẹp ấy mà mỗi ngày có rất nhiều những trường hợp bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo, tai nạn giao thông, tai biến sản khoa… đã được cứu sống. Nói thêm về điều này, thạc sĩ Trương Ngọc Sang (Phó trưởng khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng) cho biết: “Mỗi năm, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng sử dụng lượng máu khá lớn để phục vụ cho công tác cấp cứu, điều trị với lượng máu thu được tăng dần theo mỗi năm. Cụ thể như: năm 2011: 4.241 đơn vị máu (ĐVM), năm 2012: 4.890 ĐVM, 2013: 5.731 ĐVM và 5 tháng đầu năm 2014 là 2.805 ĐVM. Để có được kết quả này, là sự hỗ trợ, giúp đỡ và vận động tích cực của Hội Chữ thập đỏ tỉnh và các huyện, thành phố trong tỉnh. Và đặc biệt, chúng tôi rất biết ơn sự hy sinh thầm lặng của những người cho máu, bởi đó thật sự là những giọt máu nghĩa tình”.
THY VŨ