(LĐ online) - Ngày 19/6, đồng chí Đoàn Văn Việt - UVBTV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng đã chủ trì hội nghị các thành viên trong Ban Vì sự tiến bộ Phụ nữ tỉnh đánh giá kết quả hoạt động năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014.
(LĐ online) - Ngày 19/6, đồng chí Đoàn Văn Việt - UVBTV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng đã chủ trì hội nghị các thành viên trong Ban Vì sự tiến bộ Phụ nữ tỉnh đánh giá kết quả hoạt động năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014.
|
Đồng chí Đoàn Văn Việt - UVBTV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng phát biểu chỉ đạo cần quan tâm thực hiện bình đẳng giới một cách toàn diện |
Nhìn lại quá trình thực hiện các chỉ tiêu vì sự tiến bộ phụ nữ Lâm Đồng thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định. Ban Vì sự tiến bộ Phụ nữ tỉnh đã được củng cố kiện toàn, duy trì hoạt động 1 năm 2 đợt đánh giá toàn diện đầy đủ công tác vì sự tiến bộ phụ nữ để có nhận định và giải pháp tiếp theo. Mục tiêu đặt ra là nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ, tạo điều kiện để thực hiện có hiệu quả các quyền cơ bản và phát huy vai trò vị trí của phụ nữ trong mọi lĩnh vực đời sống.
Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị được đặc biệt quan tâm nhằm tăng tỉ lệ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý. Cán bộ nữ thuộc diện Tỉnh ủy quản lý hiện nay chiếm 13,3%. So với nhiệm kỳ 2005-2010 tỉ lệ nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2010-2015 cấp tỉnh chiếm 10,9% (tăng 2,9%), cấp huyện đạt 13,1% (tăng 1%). Có 3/7 nữ đại biểu Quốc hội (42,85%). Tỉ lệ nữ đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2011-2016 đều tăng ở cả 3 cấp. Tỉ lệ nữ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh 11/69 (đạt 16%), nữ cán bộ lãnh đạo trưởng, phó phòng cấp Sở là 56/276 (đạt 20%); 45/329 nữ làm trưởng, phó phòng cấp huyện (đạt 14%).
Theo ông Trần Hồng Quyết - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lâm Đồng cho biết: Với chỉ tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị phấn đấu đến năm 2015 đạt 80% và năm 2020 đạt 95% các sở, ngành, UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ thì hiện nay Lâm Đồng đạt rất thấp vì một số đơn vị không có nguồn để quy hoạch. Theo phê duyệt quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2015-2020 tỉ lệ nữ làm giám đốc, phó giám đốc các sở, ngành, các tổ chức đoàn thể chỉ chiếm 25%.
Thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm với nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ cho phụ nữ Lâm Đồng về vốn vay, hơn 60% hộ phụ nữ nghèo được vay vốn để phát triển sản xuất. Năm 2013 toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 30.117 lao động, trong đó lao động nữ chiếm 46,1%. Có 24% phụ nữ làm chủ doanh nghiệp. 39% lao động nữ ở nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật.
Tạo điều kiện và cơ hội tiếp cận, thụ hưởng của phụ nữ trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa thông tin. Tỉ lệ biết chữ đạt trên 95% nam và nữ trong độ tuổi 15-40 ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn Lâm Đồng. Có 85% phụ nữ được tiếp cận với các dịch vụ y tế, hơn 95% phụ nữ có thai được khám thai đủ 3 lần, 100% bà mẹ sinh con tại trạm y tế. Tuy nhiên, theo TS Phạm Thị Bạch Yến – TUV, Giám đốc Sở Y tế cho rằng: Việc thực hiện quy định khám sức khỏe định kỳ cho CNVC, người lao động trong các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp chưa tốt, đặc biệt là khám sức khỏe cho phụ nữ.
Thông qua các hoạt động lồng ghép tuyên truyền về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng nếp sống văn hóa giúp thay đổi nhận thức về phụ nữ ngày càng có vai trò quan trọng trong gia đình. Khảo sát tỉ lệ nam giới tham gia chia sẻ công việc gia đình chiếm 85%. Năm 2013 toàn tỉnh có 577 vụ bạo lực gia đình với 291 nạn nhân bạo lực gia đình được hỗ trợ, chăm sóc tại các cơ sở y tế. Từ năm 2013 đến nay hoạt động trợ giúp pháp lý đã thực hiện 3.045 vụ việc cho gần 2.000 lượt phụ nữ, chủ yếu ở các vùng khó khăn trong tỉnh.
Đồng chí Đoàn Văn Việt - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ Phụ nữ Lâm Đồng nhấn mạnh: Vấn đề bình đẳng giới không chỉ ở từng địa phương, ở mỗi quốc gia mà mang tầm thế giới. Vì vậy, trước hết bồi dưỡng trong tư duy cán bộ lãnh đạo quan điểm, cách hiểu, nhìn nhận về bình đẳng giới, để từ đó có chỉ đạo hành động. Để nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới, thể hiện rõ vai trò của từng sở, ngành, địa phương cần tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng về nhận thức, phân công nhiệm vụ cụ thể chứ không thể triển khai chung chung, kết quả hoạt động không rõ nét. Mặc dù hoạt động bình đẳng giới lồng ghép trong nhiều hoạt động khác nhưng phải tập trung thực hiện cụ thể hóa chủ trương rất lớn của Đảng và Nhà nước vì sự tiến bộ phụ nữ để xã hội nhìn nhận có sự tiến bộ rõ rệt, trong đó trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp phải nghiêm túc thực hiện.
Việc thực hiện bình đẳng giới không chỉ trong lĩnh vực chính trị mà cần quan tâm thực hiện các chủ trương, chính sách về bình đẳng giới một cách toàn diện trong nhiều lĩnh vực như: chăm sóc sức khỏe, giáo dục, phát triển sản xuất, việc làm, nghề nghiệp, điều kiện lao động, môi trường sống, đời sống văn hóa, tinh thần, bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và trẻ em gái...
DIỆU HIỀN