Ươm tơ giữa xứ tằm

08:06, 19/06/2014

Một đôi vợ chồng còn khá trẻ, một xưởng ươm tơ phát đạt với hàng chục công nhân, những mét tơ sống trắng nõn, đó là thành quả của Xưởng ươm tơ Vạn Hạnh.

Một đôi vợ chồng còn khá trẻ, một xưởng ươm tơ phát đạt với hàng chục công nhân, những mét tơ sống trắng nõn, đó là thành quả của Xưởng ươm tơ Vạn Hạnh. Hoạt động giữa vùng dâu tằm Nam Ban, chuyên tiêu thụ kén tằm cho bà con, Vạn Hạnh đã trở thành địa chỉ quen thuộc của người chăn tằm. Trải qua nhiều thăng trầm của nghề tằm tang, Cơ sở ươm tơ Vạn Hạnh càng ngày càng gắn bó với mảnh đất cao nguyên này.
 
Dây chuyền ươm tơ của Cơ sở Vạn Hạnh
Dây chuyền ươm tơ của Cơ sở Vạn Hạnh

Nguyễn Văn Huy, ông chủ của cơ sở còn khá trẻ ở tuổi 38. Anh kể, anh là thế hệ thứ hai của những người Hà Nội đi xây dựng kinh tế mới, cũng là thế hệ thứ hai tiếp nối nghề ươm tơ cổ truyền. Năm 1978, khi mới 2 tuổi Huy theo cha mẹ vào tổ Đông Anh, thị trấn Nam Ban xây dựng kinh tế mới. Vốn là con gái làng nghề trồng dâu nuôi tằm, bà Trọng, mẹ của anh Huy tiếp tục nghề ươm tơ với những chiếc máy ươm được đóng thủ công, chủ yếu phục vụ kéo kén do gia đình sản xuất và bà con xung quanh. Cha của Huy, ông Nguyễn Văn Hạnh là người đã mạnh dạn mua dây chuyền ươm tơ lớn, xây dựng xưởng ươm tơ như hôm nay vào năm 2000. Ban đầu, xưởng ươm tơ làm ăn rất phát đạt cùng sự thịnh vượng của nghề tằm, và gắn chặt với số phận con tằm: có những lúc cơ sở đã phải đóng cửa, gác máy, giải tán thợ, chuyển sang kiếm nghề kiếm ăn. Nhưng ông Hạnh, với lòng tin mãnh liệt, vẫn nói với người con trai của mình, nghề tằm sẽ có lúc hồi sinh.  
 
Trong tiếng máy chạy ì ầm và hơi nước của lò hơi, anh Huy chia sẻ: “Nghề ươm tơ lúc ấy “chết” vì kén chất lượng kém quá, 10 ký kén mà không ra nổi 2 ký tơ. Rồi tằm bệnh, bà con phá dâu, gia đình lại gặp phải khó khăn do tai nạn giao thông. Tôi vượt qua tất cả nhờ giữ được lòng tin của bà con”. Anh Huy kể, lúc khó khăn ấy trong nhà không còn tiền mặt mà mua kén, cho máy hoạt động, nhiều bạn hàng cũ vẫn tin tưởng ứng trước tiền để cơ sở tiếp tục nóng máy. Với người bán kén, người quen thì anh xin trả chậm dăm ngày, người lạ cố gắng trả tiền liền, lần hồi mãi rồi cơ sở Vạn Hạnh cũng thoát khỏi khó khăn, tiếng rì rầm của xưởng ngày ngày vang lên. Anh Huy cho hay, cơ sở của anh ươm tơ từ kén mua trực tiếp của bà con vùng Nam Ban, Gia Lâm, Mê Linh, Đông Thanh với giá cao hơn giá thị trường do anh mua trực tiếp, không thông qua thương lái. Cơ sở Vạn Hạnh hiện một ngày chế biến trung bình 400kg kén, sử dụng trên 40 người lao động với mức lương trung bình 5 triệu đồng/người. Anh Huy giới thiệu, sản xuất với anh phải đặt tiết kiệm hàng đầu, nồi hơi của máy được đốt bằng củi cà phê, nước nóng được thu hồi để tận dụng nhiệt. 
 
Nhìn những bó tơ sống trắng nõn, anh Huy cho hay mỗi ngày anh xuất 40,50kg cho các bạn hàng để sản xuất tơ se. Trả lời câu hỏi sao không trực tiếp dệt lụa từ tơ do mình sản xuất, anh cung cấp: “Tơ để dệt lụa là tơ đã qua chế biến, là tơi se có độ bền cao. Còn tơ sống, dệt lụa sẽ mau bai dão, ảnh hưởng tới thương hiệu lụa tơ tằm Việt. Tôi không đủ sức chế biến tơ se thì chỉ làm tơ sống, không tham những thứ mình không làm được”. Cũng với tâm tư nghĩ về lụa Việt, anh không trang bị dây chuyền ươm tơ tự động mà vẫn sử dụng dàn ươm kiểu cũ. “Thứ nhất là do người làm, nếu tôi dùng hệ thống tự động thì phải cho nghỉ 60% số công nhân; các em toàn là người Nam Ban đây, mất việc biết làm gì. Thứ hai là dây chuyền tự động phổ biến hiện nay vẫn chỉ là công nghệ cũ, tôi cũng xác định trong tương lai sẽ tiếp cận với công nghệ ươm mới nhất, hiện đại để sản xuất được những sợi tơ đẹp nhất”. Chị Nguyễn Thị Thơm, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Nam Ban cũng đánh giá rất cao vai trò của Cơ sở Vạn Hạnh trong việc tiêu thụ kén tằm của nhân dân trong vùng. Đồng thời, Vạn Hạnh cũng hàng ngày đón tiếp khách du lịch nước ngoài tới tham quan cách ươm tơ kiểu truyền thống của bà con hoàn toàn miễn phí, góp phần làm đẹp hình ảnh lụa Việt trong mắt bạn bè. Ươm tơ giữa xứ tằm, Vạn Hạnh đang ngày càng phát triển, cùng thịnh vượng với sự thịnh vượng của vùng tằm cao nguyên.
 
Diệp Quỳnh