Xây dựng các thiết chế tự quản trong vùng dân tộc thiểu số - ghi nhận từ những mô hình

07:06, 23/06/2014

Nhằm từng bước đẩy lùi các tập tục không còn phù hợp và xây dựng cuộc sống mới ở nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng được 2 mô hình tự quản trong vùng dân tộc thiểu số gồm: Hội đồng bào tự quản (tại huyện Đơn Dương) và Ban đại diện già làng (tại huyện Di Linh).

Nhằm từng bước đẩy lùi các tập tục không còn phù hợp và xây dựng cuộc sống mới ở nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng được 2 mô hình tự quản trong vùng dân tộc thiểu số gồm: Hội đồng bào tự quản (tại huyện Đơn Dương) và Ban đại diện già làng (tại huyện Di Linh). Từ khi thành lập đến nay, các mô hình tự quản này đã phát huy tốt vai trò và đạt được một số kết quả nhất định.
 
Lãnh đạo tỉnh tặng quà cho các già làng tiêu biểu
Lãnh đạo tỉnh tặng quà cho các già làng tiêu biểu
 
Từ những mô hình
 
Đến nay, trên địa bàn huyện Đơn Dương có 2 xã Lạc Xuân và Tu Tra đã thành lập Hội đồng bào tự quản, với 14 chi hội trực thuộc (xã Lạc Xuân có 7 chi hội, xã Tu Tra có 7 chi hội); các xã, thị trấn thành lập Chi hội đồng bào tự quản, gồm: thị trấn D’Ran có 2 chi hội (Hamasing và Kan Kill), thị trấn Thạnh Mỹ, xã Lạc Lâm, xã Ka Đô, xã P’Ró, xã Ka Đơn và xã Đạ Ròn mỗi địa phương có 1 chi hội. Đối với những xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số thì thành lập Hội đồng bào tự quản ở xã và dưới có Chi hội đồng bào tự quản ở thôn, buôn. Đối với những xã, thị trấn có ít đồng bào dân tộc thiểu số thì thành lập Chi hội đồng bào tự quản thôn. Các Hội, Chi hội đồng bào tự quản là thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã và do Mặt trận Tổ quốc xã trực tiếp hướng dẫn hoạt động.
 
Toàn tỉnh hiện có 1.564 thôn, buôn, tổ dân phố; trong đó, có 823 thôn, buôn, tổ dân phố có đồng bào DTTS. Trong 823 thôn, buôn, tổ dân phố có đồng bào DTTS có 322 thôn, buôn, tổ dân phố số hộ đồng bào DTTS chiếm trên 50%. Đến nay, toàn tỉnh có 1.248 thôn, buôn, tổ dân phố được công nhận đạt danh hiệu văn hóa, trong đó có 277 thôn, buôn vùng đồng bào DTTS.

Theo quy chế hoạt động, Chi hội đồng bào tự quản gồm nhiều thành viên do Ủy ban Nhân dân xã, thị trấn ra quyết định công nhận thành lập gồm có: chi hội trưởng, chi hội phó và thư ký; các thành viên gồm có Ban Nhân dân thôn, đại diện tổ công tác Mặt trận, già làng, nông dân, phụ nữ, thanh niên, nhân sĩ trí thức, chức sắc tôn giáo, người sản xuất giỏi, đại diện các dòng họ trong thôn. Hội đồng bào tự quản tại xã là thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã hoạt động dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý và điều hành của chính quyền cơ sở. Ban Chấp hành Hội đồng bào tự quản tại xã có từ 11 đến 13 vị, trong đó Thường trực có 4 vị gồm: 1 chủ tịch, 2 phó chủ tịch và 1 thư ký. Ban Chấp hành Hội có trách nhiệm cụ thể hóa nhiệm vụ công tác hàng tháng của Ủy ban Nhân dân xã và triển khai đến các Chi hội đồng bào tự quản thôn.

Còn tại huyện Di Linh, hiện có 14/19 xã đã thành lập Ban đại diện già làng (mỗi Ban đại diện già làng có từ 5 đến 13 thành viên); có 74 Tổ già làng, mỗi tổ gồm 3 thành viên (tổ trưởng, tổ phó và thư ký). Ban đại diện già làng là một tổ chức xã hội bao gồm các già làng trong thôn, trong xã tự nguyện họp lại với nhau, hình thức ở thôn gọi là “Tổ già làng”, ở xã là “Ban đại diện già làng”. Số lượng thành viên trong các Ban đại diện già làng, Tổ già làng tùy theo số già làng nhiều hay ít ở mỗi thôn, buôn. Tổ già làng là tổ chức của những già làng tiêu biểu trong thôn, do các già làng trong thôn suy tôn và được sự chấp thuận của Chi hội người cao tuổi, Ban công tác Mặt trận thôn; nhiệm kỳ của Tổ già làng là 2 năm. Ban đại diện già làng do Ủy ban Nhân dân xã quyết định thành lập, nhiệm kỳ hoạt động 2 năm; được các già làng suy tôn cử ra gồm: 1 trưởng ban, 1 phó ban và 1 thư ký. Thành viên của Ban đại diện già làng tùy theo số thôn trong xã, nhưng ít nhất là có 5 thành viên và nhiều nhất là 13 thành viên.
 
Đến những kết quả đạt được
 
Từ khi được thành lập đến nay (năm 1991 hình thành Hội đồng bào tự quản ở Đơn Dương và năm 2003 ra đời Ban đại diện già làng tại huyện Di Linh), Hội đồng bào tự quản, Ban đại diện già làng trên địa bàn huyện Đơn Dương và Di Linh đã vận dụng nhiều biện pháp, hình thức để tập hợp, tuyên truyền, vận động, góp phần làm thay đổi đáng kể về nhận thức và hành động của đồng bào dân tộc thiểu số. Bà con dân tộc thiểu số tại các địa phương đã đoàn kết gắn bó, phát huy tính tự lực tự cường, vươn lên trong cuộc sống. Nhiều thành viên trong Hội đồng bào tự quản, Ban đại diện già làng đã cùng bà con tích cực tìm tòi học hỏi những mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao để áp dụng trong gia đình cũng như trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, đạt hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, tại huyện Đơn Dương, 50% hộ đồng bào dân tộc thiểu số biết chuyển sang trồng hoa xuất khẩu, trồng rau thương phẩm để tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích; các già làng ở Gia Bắc, Sơn Điền, Tân Châu, Tân Thượng… huyện Di Linh thực hiện tốt chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, đạt hiệu quả kinh tế cao.
 
Trên lĩnh vực văn hóa, Hội đồng bào tự quản, Ban đại diện già làng đã vận động, tuyên truyền trong các buôn, làng, dòng tộc biết giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc theo đúng chủ trương của Đảng. Hàng năm, tổ chức các lễ hội đâm trâu, cồng chiêng; duy trì các làng nghề truyền thống của các dân tộc như: làm gốm tại thôn K’Rangọ (xã P’Ró), làm đồ trang sức bằng bạc tại thôn Ma Đanh (xã Tu Tra), huyện Đơn Dương. Hội đồng bào tự quản, Ban đại diện già làng đã tích cực vận động, tuyên truyền trong cộng đồng dân cư từng bước xóa bỏ các phong tục, tập quán không còn phù hợp như: tục thách cưới, tục nối dòng, tục phạt vạ, tảo hôn, tin vào bùa ngải, thầy cúng, thầy mo… Điển hình, Câu lạc bộ xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số của Hội Phụ nữ xã Ka Đơn (Đơn Dương) có 15 thành viên đều là người dân tộc thiểu số. Câu lạc bộ sinh hoạt 2 tháng 1 lần, nội dung sinh hoạt là vận động bà con dân tộc trong khu dân cư từng bước xóa bỏ những tập tục lạc hậu, ngăn chặn tình trạng tảo hôn, tuyên truyền những chính sách của Đảng, Nhà nước về vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 
 
Tuy nhiên, với những đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phần lớn các thành viên trong Hội, Chi hội đồng bào tự quản, Ban đại diện, Tổ già làng có trình độ học vấn còn hạn chế, khả năng tiếp thu cái mới còn chậm; một bộ phận còn mang nặng tư tưởng bảo thủ, cục bộ dòng tộc nên chưa tạo được mối quan hệ đoàn kết tương trợ trong cộng đồng các dân tộc ở khu dân cư. Một bộ phận người dân trong đó có già làng vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thiếu tinh thần tự lực vươn lên, thiếu tích cực trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế cho gia đình.
 
LÊ HỮU TÚC