Trước tình trạng học sinh vi phạm nội quy nhà trường, bạo lực học đường dẫn đến vi phạm pháp luật đang trở thành vấn đề bức xúc của toàn xã hội, thì việc ra đời của 3 phòng tham vấn học đường ở 3 trường trung học trong tỉnh đã và đang dần tạo ra một môi trường học đường an toàn, lành mạnh cho học sinh trung học nói riêng và các trường học tại Lâm Đồng nói chung.
Trước tình trạng học sinh vi phạm nội quy nhà trường, bạo lực học đường dẫn đến vi phạm pháp luật đang trở thành vấn đề bức xúc của toàn xã hội, thì việc ra đời của 3 phòng tham vấn học đường ở 3 trường trung học trong tỉnh đã và đang dần tạo ra một môi trường học đường an toàn, lành mạnh cho học sinh trung học nói riêng và các trường học tại Lâm Đồng nói chung.
|
Học sinh trung học cần được tư vấn định hướng nghề nghiệp phù hợp |
Theo các nghiên cứu sức khoẻ tinh thần, những khó khăn tâm lý của học sinh nếu không được giải quyết, kéo dài sẽ gây ra sự tổn thương đời sống tinh thần và nó chính là một trong các nguyên nhân dẫn đến học sinh giảm sút học tập, vi phạm nội quy nhà trường, có hành vi bạo lực… Theo thống kê của ngành chức năng, năm học 2008 - 2009, toàn tỉnh có 125 vụ học sinh đánh nhau, vô lễ với thầy cô giáo; năm học 2009 - 2010 có 88 vụ, trong đó, có 1 vụ nghiêm trọng gây chết người; năm học 2010 - 2011 xảy ra 78 vụ chủ yếu do xích mích đánh nhau; năm học 2012 - 2013 có 60 vụ. Bạo lực học đường tuy giảm số vụ nhưng tăng mức độ nguy hiểm. Vì vậy, tìm ra một mô hình thích hợp để triển khai tham vấn học đường (TVHĐ) trong các trường trung học là nhằm mục đích góp phần vào việc ngăn ngừa, giảm thiểu những rối nhiễu tâm lý ở các em học sinh, từ đó, giảm các hành vi vi phạm nội quy, bạo lực học đường của học sinh.
Theo kết quả điều tra, khảo sát của đề tài “Nghiên cứu tham vấn học đường trong các trường trung học tỉnh Lâm Đồng” do Trường CĐSP Đà Lạt vừa thực hiện, cho thấy 87,5% lãnh đạo các trường học đều nhận thức được tầm quan trọng của TVHĐ và sự cần thiết phải triển khai TVHĐ trong trường học, 85,4% giáo viên đồng thuận với ý kiến trên, 82,7% học sinh cho biết TVHĐ rất cần thiết với các em và mong muốn nhà trường triển khai. Trên cơ sở áp dụng những kết quả nghiên cứu của đề tài vào thực tế trong các trường trung học, Sở GD & ĐT đã lựa chọn giáo viên cốt cán TVHĐ cử đi tập huấn TVHĐ do Bộ GD & ĐT tổ chức, đồng thời, Sở cũng tổ chức tập huấn cho giáo viên cốt cán TVHĐ của các phòng GD & ĐT và các trường trung học trong toàn tỉnh vào hè 2012 và 2013. Sau đó, các trường trung học tổ chức tập huấn lại cho toàn thể giáo viên của nhà trường để triển khai TVHĐ từ năm học 2012 - 2013.
Việc triển khai TVHĐ trong các trường trung học ở Lâm Đồng được thực hiện trong năm học 2012 - 2013, với 3 phòng TVHĐ tại Trường THCS & THPT Tây Sơn (Đà Lạt), Trường THPT Phan Bội Châu (Di Linh) và Trường THCS Tân Hà (Lâm Hà) và đây được coi là mô hình điểm. Theo kết quả khảo sát hiệu quả tham vấn chọn nghề cho học sinh Trường THCS Tân Hà, trong số 225 học sinh được chọn tư vấn chọn nghề trong năm học 2012 - 2013, có 125/225 (55,6%) học sinh đã ghi trong hồ sơ tuyển sinh nghề phù hợp với lĩnh vực nghề được tham vấn. Trong số học sinh được tư vấn nghề đã có 13 em đi học nghề và làm nghề. Điều đó cho thấy, tư vấn chọn nghề ở lớp 9 đã có tác dụng phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GD & ĐT. Các phòng TVHĐ tại 3 trường học trên đã tham gia hoạt động giáo dục phòng ngừa cho 836 học sinh các lớp 7, 8, 10 về giáo dục giới tính, tư vấn chọn nghề cho 964 học sinh lớp 9 và lớp 12, thực hiện được 282 ca tham vấn cho 98 học sinh THCS và THPT. Trong đó, đã phát hiện 45 học sinh bị rối nhiễu tâm trí. Phòng TVHĐ đã áp dụng một số liệu pháp của trị liệu tâm lý để giúp đỡ số học sinh bị rối nhiễu trên. Kết quả cho thấy, mức độ rối nhiễu của học sinh giảm dần, thích ứng ngày càng tốt hơn những yêu cầu của giáo viên và nhà trường. Hiệu quả của TVHĐ được các nhà trường ghi nhận là có tác động rõ rệt và giảm đáng kể các hành vi vi phạm nội quy, không có học sinh nào trong số này vi phạm kỷ luật. “Sự chuyển biến về rối nhiễu tâm trí của học sinh là giảm thiểu tích cực, góp phần cải thiện tốt kết quả học tập và rèn luyện. Phòng TVHĐ đã trở thành nơi tin cậy, gần gũi để học sinh được tôn trọng, chia sẻ, lắng nghe và giúp đỡ”, cô Đào Thị Thu Nga - Phó Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Tây Sơn khẳng định. Với những kết quả ban đầu của mô hình điểm các phòng TVHĐ tại 3 trường trung học trên, cần thiết phải sớm triển khai TVHĐ tại tất cả các trường trung học trên địa bàn tỉnh để xây dựng một môi trường học đường an toàn, lành mạnh, góp phần xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực”, từ đó, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.
Tuấn Hương