Lâm Đồng có 43 dân tộc anh em cùng sinh sống, dân số trên 1,2 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên 256 ngàn người, chiếm tỷ lệ 21%. Toàn tỉnh có 39 xã nghèo, 823 thôn có đông đồng bào DTTS.
Lâm Đồng có 43 dân tộc anh em cùng sinh sống, dân số trên 1,2 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên 256 ngàn người, chiếm tỷ lệ 21%. Toàn tỉnh có 39 xã nghèo, 823 thôn có đông đồng bào DTTS. Xuất phát từ đặc thù là tỉnh có đông đồng bào DTTS, nên công tác dân vận nói chung, dân vận ở vùng DTTS nói riêng, luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh từ trước đến nay. Các nội dung nghị quyết của Trung ương đã được Lâm Đồng vận dụng sáng tạo, phù hợp với địa phương, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân, nâng cao nhận thức, ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.
|
Trẻ em vùng đồng bào DTTS trong giờ học ở trường mầm non |
Trên cơ sở thực hiện các Nghị quyết Trung ương 8B (khóa VI) về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân, Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc… mục tiêu bao trùm xuyên suốt trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy đối với công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS là huy động trách nhiệm, nguồn lực của cả hệ thống chính trị và xã hội tập trung xây dựng, phát triển toàn diện, bền vững vùng DTTS. Trọng tâm là tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức tự lực, tự cường, chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong đồng bào DTTS. Thực hiện có chất lượng, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, các dự án đầu tư phát triển KT - XH… Trong quá trình lãnh đạo, Tỉnh ủy đã phân công trách nhiệm cụ thể, tạo điều kiện phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, người đứng đầu, nhất là cơ quan tham mưu về công tác dân vận.
Bên cạnh đó, công tác lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy đối với hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang, các cơ quan nhà nước ở vùng DTTS, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong vùng DTTS luôn được chú trọng. MTTQ thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị địa phương, đội ngũ cán bộ thực hiện cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Gắn chặt công tác quản lý nhà nước với hoạt động công tác dân vận, trọng tâm là triển khai thực hiện tốt chính sách dân tộc, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giải quyết đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sạch, điện sinh hoạt, giải quyết việc làm, hỗ trợ sản xuất…
Những năm qua, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương từ các chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Lâm Đồng đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS với quan điểm, phương châm là vừa coi trọng đầu tư hạ tầng đồng bộ, hỗ trợ trực tiếp sản xuất, vừa chú trọng đầu tư văn hóa - xã hội - giáo dục - y tế, quan tâm đào tạo công tác cán bộ… Từ đó đã tạo chuyển biến tích cực, kinh tế hàng hóa từng bước được hình thành và phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận đồng bào dần ổn định và có bước cải thiện.Tình trạng du canh, du cư không còn, nhiều hộ đồng bào đã biết vận dụng đất đai, lao động, giống mới, kỹ thuật cao để phát triển sản xuất, nhiều vùng DTTS bà con đã chuyển đổi sang trồng rau thương phẩm và hoa xuất khẩu cho giá trị kinh tế cao, thu nhập ổn định, số hộ khá giàu tăng nhanh, đến nay không còn hộ đói trong vùng DTTS, tỷ lệ hộ nghèo giảm đến nay còn 10,1%, hộ nghèo DTTS còn 8,55%.
NGUYỆT THU