Xuất khẩu lao động là mũi nhọn giải quyết việc làm

08:06, 13/06/2014

Xuất khẩu lao động (XKLĐ) là chủ trương lớn của TW cũng như tỉnh Lâm Đồng. Tháng 2 năm 2014, tại hội nghị trực tuyến của ngành LĐTB&XH, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng chỉ đạo: "Năm 2014, Bộ cần tập trung vào các lĩnh vực giải quyết việc làm; dạy nghề; XKLĐ; cần hướng công tác XKLĐ như một mũi nhọn trong giải quyết việc làm". 

Xuất khẩu lao động (XKLĐ) là chủ trương lớn của TW cũng như tỉnh Lâm Đồng. Tháng 2 năm 2014, tại hội nghị trực tuyến của ngành LĐTB&XH, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng chỉ đạo: “Năm 2014, Bộ cần tập trung vào các lĩnh vực giải quyết việc làm; dạy nghề; XKLĐ; cần hướng công tác XKLĐ như một mũi nhọn trong giải quyết việc làm”. 
 
Ngành LĐTB&XH đang mở 3 lớp học tiếng Nhật miễn phí tại Đà Lạt
Ngành LĐTB&XH đang mở 3 lớp học tiếng Nhật miễn phí tại Đà Lạt
 
Nhất cử lưỡng tiện 
 
Năm 2013, toàn tỉnh Lâm Đồng đã XKLĐ được 617 người, vượt chỉ tiêu tỉnh giao 17 người; trong đó, thị trường Nhật Bản có số lượng cao nhất là 413 lao động, còn lại là các thị trường Trung Đông, Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc, Singapore… Lâm Hà là huyện có số lượng XKLĐ cao nhất tỉnh với 154 lao động (124 lao động tại Nhật Bản). 6 địa bàn khác hoàn thành hoặc vượt chỉ tiêu là Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương, Bảo Lộc, Bảo Lâm và Đạ Tẻh. Theo quyền Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH) Nguyễn Tiến Dũng: Với mức thu nhập của người lao động (NLĐ) tại các nước, sau khi trừ các chi phí sinh hoạt, năm 2013, NLĐ của tỉnh đã gửi về cho các gia đình khoảng 120 tỷ đồng, trung bình 10 tỷ đồng/tháng. Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà Nguyễn Đức Tài đánh giá: Kênh XKLĐ là kênh tổng hợp, đạt được nhiều việc: xóa nghèo làm giàu, nâng cao trình độ tay nghề, ý thức lao động chuyên nghiệp, mở rộng quan hệ xã hội để “học bạn”… Theo ông, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, Đảng lãnh đạo, tất cả mọi ngành, mọi cấp cùng chung tay thực hiện. Hàng năm, lãnh đạo huyện này cùng ngành LĐTB&XH tỉnh đi thành phố Hồ Chí Minh gặp gỡ một số doanh nghiệp (DN) XKLĐ để trao đổi, nắm tình hình, chia sẻ thông tin, phản ánh kế hoạch hợp tác và quyết định triển khai. Đây là bài học quý các huyện, thành phố cần học tập. 
 
Tăng cường đưa người lao động làm việc tại Nhật Bản 
 
Ngày 9/6, một trong 3 lớp học tiếng Nhật miễn phí do ngành LĐTB&XH Lâm Đồng tổ chức tại Đà Lạt đã bế giảng; 2 lớp còn lại sẽ bế giảng vào tháng 7 và 8 tới. Tổng số 3 lớp học này có hơn 70 người, trong đó đã có hơn 30 người trúng tuyển trong quá trình đang học tiếng để làm các thủ tục xuất cảnh. Các ngành lao động tại Nhật Bản là chế biến thủy sản, đóng gói, xây dựng, cơ khí, gò, hàn, lái máy xúc, máy đào… với mức thu nhập rất cao và được thụ hưởng nhiều chính sách xã hội. Ví dụ, công việc rửa và làm sạch hàu biển do Hiệp hội Ngư nghiệp Okayama ken tuyển dụng, ngày làm 8 giờ, mức lương khoảng 25 triệu đồng/tháng và được cung cấp chỗ ở…
 
Phòng Việc làm - An toàn lao động của Sở LĐTB&XH cho biết: 95% người học tiếng trúng tuyển đi lao động tại Nhật Bản. Theo kế hoạch, năm 2014, tỉnh Lâm Đồng phấn đấu chỉ tiêu giải quyết việc làm cho 28.000 - 30.000 lao động, trong đó xuất khẩu lao động 600 người.     

Bà Dương Thị Thu Cúc - Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ dầu khí Sài Gòn Nhân Lực, đơn vị có hàng ngàn LĐXK mỗi năm và NLĐ Lâm Đồng cũng đi từ Công ty này nhiều nhất nhận xét: Thực tế tại các DN ở nước ngoài cho thấy NLĐ Việt Nam đã thay đổi rất nhiều, từ tính cách, phong cách đến kỹ năng sống và tính chuyên nghiệp… NLĐ vừa mang về những lợi ích vật chất cho gia đình và bản thân, vừa trở thành nguồn nhân lực có tay nghề vững và chuyên nghiệp cho xã hội. Rất nhiều DN ở nước ngoài đánh giá cao, thậm chí có giám đốc công ty ở Nhật Bản đã viết thư gửi phụ huynh Lâm Đồng “cảm ơn bà đã cho tôi người con trai vàng tuyệt vời”. Đó là Nguyễn Ngọc Tuấn con chị Nguyễn Thị Tiến ở xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, hơn 1 năm XKLĐ đã gửi về giúp bố mẹ gần 600 triệu đồng làm nhà mới.

 
XKLĐ là lực lượng kinh tế quý 
 
Ông Vũ Quang Luân - Giám đốc Chi nhánh Nhật Bản, Công ty TNHH MTV XKLĐ và Thương mại du lịch SOVILACO (Bộ LĐTB&XH) cho biết: “Trong 4 tỉnh Hải Dương, Quảng Nam, Lâm Đồng và Bến Tre mà Chi nhánh triển khai thực hiện Chỉ thị 41 của Bộ Chính trị thì Lâm Đồng là tỉnh đi đầu có số lao động đi nhiều nhất, NLĐ được giáo dục tốt nhất, ít vi phạm hợp đồng nhất”. Đến giữa tháng 6 năm 2014, toàn tỉnh Lâm Đồng đã XKLĐ được 169 người, chủ yếu thị trường Nhật Bản. “Ngành LĐTB&XH đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đoàn thể và các tổ chức trong công tác giải quyết việc làm và XKLĐ, đặc biệt tập trung công tác tuyên truyền XKLĐ, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu giải quyết việc làm cho 28.000 - 30.000 lao động năm 2014, trong đó XKLĐ là 600 người”, Giám đốc Sở LĐTB&XH Trương Ngọc Lý cho biết. 
 
Tuy nhiên, cần chỉ ra trong công tác XKLĐ của Lâm Đồng những hạn chế để khắc phục. Đó là, vẫn còn một số ít địa phương chưa thật sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo đẩy mạnh XKLĐ. Đa số lao động xuất phát từ nông nghiệp; do vậy, NLĐ cần đặc biệt ý thức thay đổi tác phong lao động công nghiệp. Tính đến tháng 6 năm 2014, địa bàn Lâm Đồng vẫn chưa có DN nào đăng ký kinh doanh và được cấp phép hoạt động XKLĐ, phải dựa vào 11 DN nơi khác nên có những khó khăn cho lao động trong quá trình đi lại học tập và làm các thủ tục. Thời gian tổ chức học ngoại ngữ, giáo dục định hướng và làm thủ tục xuất cảnh ở một số DN còn kéo dài, gây tốn kém chi phí cho NLĐ. Một số DN có đơn đặt hàng thu nhập cao nhưng chi phí khá lớn, bao gồm chi phí đặt cọc nên khó khăn đối với hầu hết gia đình có hoàn cảnh kinh tế và mức sống thấp… Tháo gỡ khó khăn này, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Lâm Đồng Võ Văn Thanh trả lời: Phía ngân hàng sẽ bàn lại với ngành LĐTB&XH nghiên cứu tiếp vốn vay 50 triệu đồng/NLĐ, nhất là các thị trường lao động Nhật Bản, Hàn Quốc. Theo chúng tôi, trong cơ chế phối hợp giữa 2 ngành này, ngoài thị trường, cần đặc biệt quan tâm nâng vốn vay đối với gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. 
 
Nhiều DN XKLĐ đều đề nghị địa phương có kế hoạch giáo dục dạy nghề gắn với định hướng XKLĐ, nhất là những học sinh không có khả năng đỗ đại học. “Cần có chính sách và kế hoạch tiếp nhận, tuyển dụng lao động đối với những hợp đồng XKLĐ về nước”, bà Dương Thị Thu Cúc nói. Với NLĐ, cần chọn lựa nghề cho tương lai của mình, theo đó, tích cực và nghiêm túc học tập, rèn luyện tay nghề, chịu khó, tinh thần chấp hành pháp luật cao và trau dồi ngoại ngữ… Ông Nguyễn Quang Luân cho biết, năm 2014, thị trường Nhật Bản đang cần nhất là lao động nam xây dựng và cơ khí. Công ty SOVILACO dự kiến tuyển ở Lâm Đồng 200 nữ ngành may và 100 nam ngành xây dựng đi Nhật Bản và đang hi vọng nguồn học sinh sau kỳ thi đại học.
 
MINH ĐẠO