Trước mặt chúng tôi là một tỷ phú nông dân, vóc dáng nhỏ, nước da sạm đen bởi nắng, gió và thời gian. Ông kể cho chúng tôi nghe về những ngày khai hoang vất vả và hành trình vươn lên làm giàu đầy gian khó trên vùng đất Đạ Tẻh nắng bụi, mưa bùn.
Trước mặt chúng tôi là một tỷ phú nông dân, vóc dáng nhỏ, nước da sạm đen bởi nắng, gió và thời gian. Ông kể cho chúng tôi nghe về những ngày khai hoang vất vả và hành trình vươn lên làm giàu đầy gian khó trên vùng đất Đạ Tẻh nắng bụi, mưa bùn.
|
Ông Nguyễn Hữu Thu |
Chuyện kể rằng, năm 1979, ông Nguyễn Hữu Thu (sinh 1947) từ quê hương Ứng Hòa - Hà Tây (nay là Hà Nội) đến xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh với ước mong có một mảnh đất đủ lớn để thỏa chí lập nghiệp. Xe đưa ông cùng vợ con từ Đạ Huoai vào Đạ Tẻh rồi dừng lại trên tỉnh lộ 721 khi đó còn là đường đá cấp phối. Đất rộng, người thưa, núi rừng hoang vu, rất nhiều bà con đồng hương cùng đi đã chọn nhận đất ở ngay gần đường, dựng nhà, trồng cây; nắng nóng khắc nghiệt kéo dài 6 tháng mùa khô, mưa dầm dề suốt 6 tháng mùa mưa, đêm đến rắn rết, thú rừng... nhiều người đã bỏ về. Ông Thu xác định đã xa quê là đi khai hoang làm ăn, ông cùng vợ con đi sâu vào con đường mòn, thẳng về phía có màu xanh. Trảng Dầu bằng phẳng trải ra mênh mông với bằng lăng, gỗ dầu và những bụi le, lồ ô lớn (cùng họ tre, nứa), gia đình ông dừng chân ngay bên bờ sông Đồng Nai vắng vẻ. Vốn là người lính vừa đi qua chiến tranh, quen ở rừng, ông không nản chí, quyết tâm bám trụ. Mùa khô, dưới cái nóng, đất cứng như đá, cuốc không được, ông dùng búa “chim” vỡ đất. Từng bụi le với những mảng rễ đan cài bị bổ bật gốc, dọn thành đống, rồi đốt. Sức trẻ, càng làm càng ham. Làm ngày vẫn thấy chưa đủ, nhiều đêm hai vợ chồng cùng nhau khai hoang vỡ đất dưới ánh trăng. Diện tích dần được mở rộng, một vùng le, nứa cằn cỗi bỗng chốc biến thành một mảnh đất ấm hơi người. Mùa mưa đến, ông chọc lỗ trồng lúa một vụ (như tập tục canh tác của đồng bào Mạ trong vùng) để đảm bảo đủ lương thực ăn quanh năm; diện tích còn lại ông trồng mì (sắn) để chăn nuôi và bán. Năm 1982, thấy ở ngoài cầu Đạ Quay (xã Đạ Oai, huyện Đạ Huoai bây giờ) bà con trồng mía, ông đạp xe ra tham quan, học hỏi, mua ngọn về trồng ở khu đất bãi bằng phẳng, phần đất đồi trồng điều, trồng bạch đàn, keo lá tràm theo trào lưu vào những năm 1986 - 1992... Đã bao nhiêu mùa lụt lội, nước dâng lên, ngôi nhà của ông như nằm lọt vào lòng sông. Nhưng khi nước rút đất đai cũng như vừa được tắm gội phù sa màu mỡ mang về những vụ mùa bội thu. Gia đình ông Thu dần có tích lũy và luôn là tấm gương sáng trong phong trào nông dân sản xuất giỏi.
Sinh ra và lớn lên ở đồng bằng, với ông cây cao su quá xa lạ, nhưng thấy bà con nông dân các tỉnh xung quanh trồng cao su mà giàu, không bị rơi vào vòng xoáy “trồng - chặt”, ông cũng có suy nghĩ đột phá, táo bạo, tự mày mò tìm hướng đi mới cho riêng mình, quyết tâm phải chuyển từ cây công nghiệp ngắn ngày sang trồng cây công nghiệp dài ngày để kinh tế phát triển ổn định hơn. Năm 1994, với số tiền tích cóp được, ông Thu sang Sông Bé (cũ) hợp đồng với nhà nước theo kế hoạch 327 nhận trồng 20ha cao su. Lại thêm một lần nữa ông đổ mồ hôi cải tạo đất trồng cao su, mở rộng dần diện tích lên hơn 30ha. Vừa làm, ông vừa học hỏi, không hiểu thì mày mò tìm hiểu dần. Đến năm 2002, sau 7 năm đi về giữa ruộng vườn Đạ Tẻh và Bình Phước, những diện tích cao su trồng đầu tiên bắt đầu cho thu hoạch mủ. Cũng là lúc ông phát hiện và phải cưa đi hơn 1 ha cao su do trồng giống không chuẩn cho năng suất kém, và trồng lại; đó cũng là bài học để ông rút kinh nghiệm trong việc cần thiết phải tìm mua giống ở những cơ sở sản xuất giống uy tín, ông tự động viên mình có thất bại mới có thành công.
Từ hơn 30ha cao su ở Bình Phước, ông mở rộng sản xuất, chuyển đổi hơn 10ha đất trồng tràm, mía - mảnh đất thấm đẫm mồ hôi buổi đầu khai hoang ở Trảng Dầu (thôn 9, Đạ Kho, Đạ Tẻh) qua trồng cao su, cũng đúng vào lúc phong trào trồng cao su ở Đạ Tẻh bắt đầu. Với lợi thế độ ẩm cao hơn, nhiệt độ thấp hơn, cây cao su ở Đạ Tẻh sinh trưởng tốt hơn so với Bình Phước, nhưng sâu bệnh phát triển nhanh hơn. Bằng kinh nghiệm của một người đi trước trồng cao su, ông Thu tận tình chỉ cho bà con trong thôn cùng trồng và phòng bệnh. Cây cao su tuy trồng 6 năm mới được khai thác, nhưng nếu chăm sóc tốt thì thời gian khai thác mủ kéo dài đến 40 năm. Hiện tại giá mủ có giảm so với thời gian trước, nhưng cao su vẫn là cây công nghiệp hiệu quả nhất, ổn định nhất, và có thể cô đặc thành mủ khô tích trữ nếu chưa muốn bán.
Con đường từ trung tâm xã Đạ Kho vào Trảng Dầu - Mỏ Vẹt hôm nay đã là con đường trải nhựa, bên đường là màu xanh của rừng cao su nối tiếp nhau cho ta có cảm giác đang đi giữa rừng miền Đông. Ngôi nhà xây màu xanh của ông Nguyễn Hữu Thu nằm lọt giữa rừng cao su, tựa lưng vào ngọn đồi thấp hướng ra phía sông, chỉ có hai ông bà ở trở nên rộng thênh. 4 người con của ông (3 trai, 1 gái), 3 người con đã lập gia đình đều được ông xây dựng mỗi người một ngôi nhà khang trang để tạo lập cuộc sống riêng. Với 40ha cao su đang có (trong đó có đến 3/4 diện tích đã cho thu hoạch) thời điểm giá cao nhất mỗi năm gia đình ông cũng thu nhập hơn 2 tỷ đồng. Ông phải thuê 21 công nhân trả lương cố định 5 triệu đồng/tháng. Nhà xưởng được đầu tư khang trang, mua sắm tư liệu sản xuất đắt tiền như máy cày, máy múc, hệ thống máy tưới tiêu và có cả xe hơi hiện đại để du lịch khi cần. 35 năm xa quê lập nghiệp, giờ đã ở vào tuổi gần thất thập, ông vẫn chưa cho phép mình được ngơi nghỉ, “phải vận động, lao động mới khỏe người” - ông Thu nói. Có trong tay gia tài của một tỷ phú, nhưng ông Thu vẫn giữ lối sống giản dị, cần kiệm. Hình ảnh chiếc xe máy cũ kỹ “phải đạp mới nổ” gắn bó với ông đã hơn 20 năm bây giờ ông vẫn sử dụng như người bạn đồng hành trên mọi ngả đường.
Không chỉ lao động, sản xuất giỏi, ông Thu còn làm tốt công tác xã hội. Là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn 9, Trưởng ban đại diện Hội cựu TNXP xã Đạ Kho, ông giúp đỡ anh em đồng đội cùng vươn lên làm giàu, tích cực tham gia các phong trào quyên góp từ thiện. Trong thôn, trong xã, nhiều bà con thiếu vốn sản xuất, ông cho mượn hàng trăm triệu đồng không lấy lãi. Với ý chí, nghị lực vượt khó phi thường, chiến thắng cái nghèo, vươn lên làm giàu, hai lần ông được ra Hà Nội tuyên dương là tấm gương điển hình tiên tiến học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Với ông Nguyễn Hữu Thu, Bác Hồ là vĩ nhân nhưng tấm gương đạo đức của Người rất đời thường, đức tính nào của Người cũng đáng học và rất dễ học. Học Bác, soi vào Bác để tự hoàn thiện nhân cách là điều ông Thu luôn hướng đến từ khi còn là chàng trai chưa đến đôi mươi… Năm 1965, khi cuộc chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt; ở tuổi 18, ông Nguyễn Hữu Thu tình nguyện đi thanh niên xung phong vào chiến trường Bình Trị Thiên, sau đó chuyển qua làm bộ đội trực tiếp chiến đấu, không sợ hy sinh. Đất nước thống nhất, ông trở về địa phương. Tự hào là “bộ đội Cụ Hồ”, ông không còn biết sợ khó khăn gian khổ. Mỗi khi đứng trước những gian khó cuộc sống đặt ra, ông thường động viên mình bằng câu nói của Bác “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền...”. Bài học về ý chí luôn theo người cựu chiến binh suốt chặng đường lập nghiệp, đến hôm nay ông vẫn đang truyền lại cho các con cháu mình.
QUỲNH UYỂN