Trước tình hình bệnh sốt rét và tay chân miệng tăng cao ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Sở Y tế vừa tổ chức đánh giá công tác phòng chống dịch bệnh tại các địa phương có tình hình bệnh sốt rét, tay chân miệng tăng cao. Đó là các địa phương Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lộc, Đạ Tẻh.
Trước tình hình bệnh sốt rét và tay chân miệng tăng cao ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Sở Y tế vừa tổ chức đánh giá công tác phòng chống dịch bệnh tại các địa phương có tình hình bệnh sốt rét, tay chân miệng tăng cao. Đó là các địa phương Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lộc, Đạ Tẻh.
Sốt rét khó lường
Theo nhận định của Trung tâm Y tế Dự phòng Lâm Đồng, trong 6 tháng đầu năm 2014, tình hình sốt rét trên địa bàn toàn tỉnh diễn biến tương đối phức tạp. Tại một số địa phương Đức Trọng, Đơn Dương, Đam Rông, Đạ Tẻh, sốt rét tăng đột biến cả về số người mắc và số người mang ký sinh trùng sốt rét. Toàn tỉnh có 268 ca bệnh sốt rét (tăng 25 ca so với cùng kỳ năm 2013), 251 trường hợp có ký sinh trùng sốt rét (tăng 29 ca), 2 ca sốt rét ác tính (tăng 2 ca), không có ca tử vong. Toàn tỉnh có 11 xã thuộc 4 huyện có tình hình sốt rét biến động. Đó là các xã Đà Loan, Ninh Loan, Tà Năng, Đạ Quyn, Tà In (Đức Trọng); xã Quốc Oai và thị trấn Đạ Tẻh (huyện Đạ Tẻh); xã Lạc Lâm, Ka Đô, P’roh (Đơn Dương); xã Liêng Srôn (Đam Rông). Đặc biệt, tại huyện Đức Trọng, số bệnh nhân sốt rét (146 ca) và người có ký sinh trùng sốt rét (144) tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2014, chiếm tỉ lệ 59% tổng số bệnh nhân sốt rét và ký sinh trùng sốt rét của toàn tỉnh.
Hầu hết bệnh nhân sốt rét và ký sinh trùng sốt rét của các huyện tập trung vào nhóm di dân tự do hoặc di dân có quy hoạch (vùng Trảng Cỏ -Quốc Oai) thuộc dự án trồng cao su của huyện Đạ Tẻh, dân đi rừng ngủ rẫy (Liêng Srôn); dân Đức Trọng , Đơn Dương đi khai thác lâm thổ sản trái phép tại vùng rừng Ninh Thuận, Bình Thuận. Nhóm đối tượng khai thác lâm sản trái phép y tế địa phương khó tiếp cận và quản lý để triển khai các biện pháp can thiệp chuyên môn. So với cùng kỳ năm 2013 không có ca sốt rét ác tính thì 6 tháng đầu năm 2014, Lâm Đồng đã phát hiện 2 ca sốt rét ác tính ở xã Liêng Srôn (Đam Rông). Khi sốt, người nhà bệnh nhân tự ý mua thuốc cảm cúm để uống mà không đến trạm y tế khám bệnh. Khi bệnh diễn biến nặng, người nhà mới đưa bệnh nhân vào Trung tâm Y tế Đam Rông để điều trị.
Trung tâm Y tế Dự phòng Lâm Đồng đã tổ chức các đợt giám sát dịch tễ sốt rét tại các huyện có tình hình sốt rét biến động. Thành lập các đội sốt rét lưu động điều tra, nắm đối tượng, lấy lam, test chủ động, phát hiện điều trị, cấp túi thuốc tự điều trị. Kiểm tra củng cố hoạt động điểm kính hiển vi, đánh giá chất lượng phát hiện, chẩn đoán, điều trị bệnh nhân sốt rét tại các tuyến nhằm sớm ổn định tình hình sốt rét tại các địa phương.
Bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp
Trong 6 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh ghi nhận 1.246 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 12 huyện, thành phố, không có ca tử vong. Địa phương có số ca mắc cao nhất là: Đà Lạt 214 ca, Đơn Dương 184 ca, Đức Trọng 145 ca, Lâm Hà 164 ca, Di Linh 142 ca, Bảo Lộc 154 ca. Theo chỉ tiêu UBND tỉnh giao năm 2014 khống chế tỉ lệ mắc bệnh tay chân miệng 120 ca/100.000 dân thì các địa phương vượt mức này là Đơn Dương 182 ca/100.000 dân, Đạ Tẻh: 179 ca/100.000 dân. Các địa phương có nguy cơ vượt mức là Đà Lạt, Lâm Hà, Bảo Lộc.
Bệnh tay chân miệng xuất hiện ngay từ đầu năm, bắt đầu tăng cao từ tháng 3-5 và chu kỳ sẽ còn tăng từ tháng 9-11. So với cùng kỳ năm 2013, số ca mắc bệnh tay chân miệng 6 tháng đầu năm 2014 của Lâm Đồng tăng 35%, đặc biệt tăng cao ở Bảo Lộc, Đạ Tẻh, Di Linh, Đơn Dương.
Trung tâm Y tế Dự phòng Lâm Đồng đã xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh tay chân miệng theo hướng dẫn của Viện Pasteur Tp.HCM và Cục Y tế Dự phòng, củng cố đội cơ động chống dịch và cung cấp hóa chất phòng chống bệnh tay chân miệng cho các địa phương. Tổng cộng đã cấp 2.000 kg Cloramin B, 1.000 tuýp thuốc tra mắt, 355 chai nước súc miệng, 2.650 cục xà phòng, 172 chai dung dịch sát khuẩn tay, 3.800 khẩu trang y tế. Dự báo trong thời gian tới, bệnh tay chân miệng vẫn có những diễn biến phức tạp trên diện rộng với số mắc có nguy cơ tăng cao, đặc biệt là vào những tháng cuối năm. Kế hoạch 6 tháng cuối năm 2014, Trung tâm Y tế Dự phòng triển khai chiến dịch truyền thông “Rửa tay với xà phòng để phòng chống dịch bệnh tay chân miệng” trên toàn tỉnh. Tăng cường giám sát, điều tra, phát hiện ca bệnh, xử lý triệt để các ổ dịch tay chân miệng tại các cơ sở giáo dục và cơ sở chăm sóc trẻ, không để dịch bệnh gia tăng và lan rộng.
DIỆU HIỀN