(LĐ online) - Khá nhiều thí sinh tại Hội đồng thi Trường ĐH Đà Lạt tỏ ra thích thú khi các vấn đề thời sự như World Cup, biển đảo được đưa vào đề thi môn tiếng Anh và Địa lý.
(LĐ online) - Khá nhiều thí sinh tại Hội đồng thi Trường ĐH Đà Lạt tỏ ra thích thú khi các vấn đề thời sự như World Cup, biển đảo được đưa vào đề thi môn tiếng Anh và Địa lý.
|
Khá nhiều thí sinh tại Hội đồng thi Trường ĐH Đà Lạt tỏ ra thích thú khi các vấn đề thời sự được đưa vào đề thi. Ảnh V.Báu |
Câu 44 trong mã đề 852 môn tiếng Anh với câu hỏi: "In the last match, Sabella changed his formation at half-time, introducing Fernando Gago in midfield and Higuain in attack, but in the end it was Messi's magic that ___ the difference" (Tạm dịch là: Trong trận đấu trước, Sabella thay đổi chiến thuật trong nửa hiệp để cho Fernando Gago làm tiền vệ và Higuain tấn công, nhưng cuối cùng sự kỳ diệu của Messi đã phá vỡ thế trận). Câu 62 mã đề 419 cũng đề cập đến chủ đề đang nóng hiện nay. Đề yêu cầu tìm câu đồng nghĩa với nội dung sự thất vọng của cổ động viên tuyển Tây Ban Nha khi đội bóng yêu thích phải chia tay WC quá sớm: “The early failure of Spanish squad in the 2014 World Cup deeply disappointed their fans”.
Ngoài 2 câu hỏi về World Cup thì trong đề thi tiếng Anh còn có một số câu hỏi về vấn đề Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển Việt Nam, trong đó nêu các học giả phương Tây, bạn bè trên thế giới ủng hộ Việt Nam. Thí sinh Vân Anh (Đà Lạt) nhận xét: “Em thấy đề thi năm nay khá trọng tâm vào kiến thức lại bổ sung các câu hỏi về thời sự khiến em và nhiều bạn rất thích, đề thi này nếu ôn tập kỹ dễ dàng làm được trên 70% bài thi”.
Còn ở môn Địa lý, câu I yêu cầu thí sinh: “Trình bày vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Việc đánh bắt hải sản của ngư dân nước ta ở ngư trường quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa có ý nghĩa như thế nào đến an ninh quốc phòng?”. Câu III cũng yêu cầu: “Trình bày việc phát triển nghề cá và du lịch biển ở duyên hải Nam Trung Bộ. Vì sao đánh bắt hải sản xa bờ đang được đẩy mạnh ở vùng này?”.
Theo nhiều giáo viên và thí sinh tại Hội đồng thi ĐH Đà Lạt nhận định, đề thi Địa lý khá trọng tâm, đề cập đến vấn đề an ninh quốc phòng biển đảo, giáo dục tinh thần yêu nước của thí sinh, nhấn mạnh được vai trò của ngư dân bám biển trong việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thí sinh Bảo Như (Đức Trọng- Lâm Đồng) hào hứng nói: “Điều này giúp các thí sinh không chỉ phải nắm chắc kiến thức cơ bản từ sách giáo khoa mà còn phải nắm bắt được các chủ trương, chính sách của Nhà nước”.
Việc Bộ Giáo dục khéo léo đưa các vấn đề thời sự vào đề thi không chỉ tạo sự hấp dẫn cho đề thi, giáo dục tinh thần yêu nước mà còn “dẫn dắt” các em theo kịp các vấn đề thời sự đang diễn ra và hiểu được trách nhiệm của mình đối với đất nước.
D.Thương