Biến đổi khí hậu "vào" trường đại học

04:07, 08/07/2014

Cơ hội cho sinh viên, các nhà quản lý, người lập kế hoạch, chính sách các cấp trong tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh, thành khác được trang bị kiến thức về BĐKH để làm việc. 

Từ sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Dự án “Lồng ghép giảng dạy về biến đổi khí hậu (BĐKH) trong Chương trình đào tạo trình độ đại học” được áp dụng tại 12 trường đại học (ĐH) các quốc gia vùng sông Mê Kông; trong đó, ĐH Đà Lạt là 1 trong 3 trường ở Việt Nam. Cơ hội cho sinh viên, các nhà quản lý, người lập kế hoạch, chính sách các cấp trong tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh, thành khác được trang bị kiến thức về BĐKH để làm việc. 
 
Rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim bị tàn phá như thế này là nguyên nhân trực tiếp làm BĐKH
Rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim bị tàn phá như thế này là nguyên nhân trực tiếp làm BĐKH
 
Bốn học phần cơ bản 
 
“Đại cương về BĐKH” gọi tắt BCC là học phần cung cấp cho người học những kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết về BĐKH như: nguyên nhân, tác động, giảm thiểu và thích ứng, áp dụng các công cụ, giải pháp công nghệ và truyền thông liên quan tới BĐKH. Người học được lĩnh hội những kiến thức như: Tại sao thời tiết lại thay đổi và thay đổi như thế nào? Tác động của BĐKH tới con người và môi trường; Ứng phó với BĐKH. Theo TS Nguyễn Lê Ái Vĩnh (ĐH Vinh), một trong những tác giả biên soạn, sau khi kết thúc học phần này, người học nắm được kiến thức về mối tương tác của khí hậu trên quy mô toàn cầu; giải thích các nguyên nhân và tác động của BĐKH; mối quan hệ giữa các hoạt động của con người với BĐKH, tập trung vào hệ sinh thái rừng và bảo tồn... Theo đó, có thể đề xuất được các giải pháp ứng phó để giải quyết các vấn đề của BĐKH; đánh giá được tính hiệu quả và khả thi của các giải pháp…
 
Học phần “Đảm bảo về môi trường và xã hội” (SES) nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết về các vấn đề xã hội và môi trường có liên quan đến các chương trình và dự án REDD+ cũng như các công cụ đảm bảo để đánh giá các vấn đề đó. Tác giả biên soạn - TS Trần Thị Thu Hà (ĐH Lâm nghiệp) nêu những nội dung chính của học phần này, bao gồm: SES là gì và vị trí của SES trong bối cảnh BĐKH; Củng cố xây dựng và áp dụng các dự án REDD, trong đó hướng đến: đảm bảo về môi trường; đảm bảo về xã hội và chính trị; đảm bảo về kinh tế. Cuối cùng là việc gắn kết lý thuyết với thực tế trong REDD+. Với học phần “Đo tính và giám sát các-bon” (CMM) cung cấp cho người học các kiến thức tổng quan về BĐKH và các-bon trên bề mặt trái đất; trữ lượng và sự thay đổi của các-bon trên trái đất; thiết kế đo tính và giám sát các-bon rừng; các phương pháp đo tính trữ lượng các-bon; các hệ thống giám sát quy mô quốc gia. 
 
Học phần “Giảm phát thải trong quy hoạch và sử dụng đất (LE-LUP) nhằm cung cấp cho người học nội dung về lồng ghép chiến lược giảm phát thải các-bon vào quá trình quy hoạch và sử dụng đất và các công cụ hỗ trợ quyết định thích hợp. Người học hiểu được những nguyên nhân chính của sự thay đổi trong sử dụng đất và phân tích các hướng phát triển khả thi nhằm giảm phát thải các-bon; có thể xác định môi trường pháp lý quan trọng cho việc lập kế hoạch sử dụng đất và phân tích các tác động của BĐKH lên hệ thống pháp lý hiện tại... Giới thiệu sơ bộ học phần này là ThS Phạm Thành Nam và ThS Cao Thúy Anh. Hai người và các cộng sự đã có bước điều tra nghiên cứu khá kỹ lưỡng về thực tế mất rừng ở tỉnh Lâm Đồng. ThS Phạm Thành Nam cho biết: Đây là kiến thức nền tảng làm phương pháp luận, vì vậy, người học ở Lâm Đồng sẽ có thuận lợi trong việc áp dụng theo từng lĩnh vực của mình công tác một cách hiệu quả. Lâm Đồng là tỉnh đang triển khai thực hiện Chương trình REDD+ quốc gia nên càng thuận lợi trong vận dụng. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng Lương Văn Ngự cho rằng: Cần phải đặc biệt quan tâm đến BĐKH do tác động của con người chứ không ngộ nhận một cách chung chung để lạm dụng. Nhận thức phải đúng thì mới có hành động thiết thực. 
 
Ứng phó với BĐKH là nhiệm vụ trọng yếu
 
Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã bước đầu thiết lập các thể chế, chính sách về ứng phó với BĐKH thông qua nhiều hoạt động thích ứng. Tuy nhiên, công tác ứng phó với BĐKH còn những hạn chế và thách thức không nhỏ. Đó là, nhận thức về BĐKH chưa đầy đủ, chưa thống nhất về nguy cơ cũng như cách thức ứng phó. Hệ thống chính sách, pháp luật, tổ chức bộ máy, nhân lực về ứng phó với BĐKH hình thành còn chậm, nguồn lực hạn chế. Hoạt động ứng phó với BĐKH thiếu đồng bộ, chưa đạt kết quả như yêu cầu của thực tiễn.
 
Để xây dựng chương trình khung “lồng ghép” nói trên, ngoài sự tài trợ tài chính của USAID là sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của Cục Lâm nghiệp Hoa Kỳ (USFS), Chương trình giảm phát thải khí nhà kính khu vực châu Á (LEAF) và hơn 100 nhà khoa học của các nước biên soạn. Bốn học phần này tùy theo cách vận dụng của nhà trường và ngành đào tạo, sẽ được tích hợp vào các chương trình đào tạo chính quy và không chính quy; cũng như các chương trình đào tạo cho các chuyên gia và nhà hoạch định chính sách về quản lý tài nguyên. Các chủ đề đào tạo bằng lý thuyết và thực tế, được lựa chọn phù hợp với các khóa đào tạo ngắn hạn cho các chuyên gia và lãnh đạo quan tâm tới BĐKH. Bà Lý Thị Minh Hải - phụ trách LEAF tại Việt Nam cho biết: Hiện, ĐH Lâm nghiệp ở Hà Nội và ĐH Vinh đã bắt đầu đưa một số nội dung lồng ghép về BĐKH vào giảng dạy. 
 
Theo TS Lâm Ngọc Tuấn, Trưởng khoa Môi trường, ĐH Đà Lạt (một trong những nhà khoa học tham gia Dự án LEAF từ mấy năm nay): 4 học phần được sử dụng lồng ghép cho nhiều ngành đào tạo ở trường ĐH như Môi trường, Nông lâm, Sinh học, Quốc tế học, Ngữ văn và văn hóa học, Công tác xã hội... Sắp tới, các nhà trường sẽ tính đến đối tượng, thời gian và phương pháp đào tạo một cách cụ thể theo đặc điểm của từng ngành nghề, từng địa phương. Hiệu trưởng Trường ĐH Đà Lạt, PGS, TS. Nguyễn Đức Hòa khẳng định: Năm 2015, nhà trường phải đạt 80% cán bộ giảng dạy nắm vững về kiến thức BĐKH để nhanh chóng hiện thực hóa giáo dục hiệu quả chủ trương của Chính phủ và Bộ GD&ĐT, giúp xã hội chủ động ứng phó với BĐKH đang ngày càng “báo động đỏ”.
 
MINH ĐẠO