Cần có kế hoạch dài hạn trong cử tuyển

08:07, 30/07/2014

Cùng với chính sách hỗ trợ cho sinh viên người dân tộc thiểu số, Lâm Đồng trong những năm gần đây đã cử tuyển không ít học sinh người dân tộc thiểu số theo học tại các trường đại học trong nước để tạo nguồn nhân lực cho vùng khó khăn.

Cùng với chính sách hỗ trợ cho sinh viên người dân tộc thiểu số, Lâm Đồng trong những năm gần đây đã cử tuyển không ít học sinh người dân tộc thiểu số theo học tại các trường đại học trong nước để tạo nguồn nhân lực cho vùng khó khăn.
 
Học sinh Trường Dân tộc nội trú Lạc Dương
Học sinh Trường Dân tộc nội trú Lạc Dương
 
Nhân lực cho vùng khó khăn
 
Theo số liệu của Ban Dân tộc Lâm Đồng, trong 13 năm, từ 2000 đến 2013, toàn tỉnh có trên 29 nghìn sinh viên, học sinh là người dân tộc thiểu số đi học ở bậc đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trong nước. Để hỗ trợ cho số sinh viên, học sinh trên theo đuổi việc học, tỉnh Lâm Đồng đã chi tổng cộng trên 31,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách, trung bình mỗi năm khoảng 2,4 tỷ đồng, bao gồm tiền tàu xe mỗi năm học 2 lượt đi về cùng mỗi tháng 100 nghìn đồng trong 10 tháng mỗi năm cho mỗi học sinh, sinh viên. Năm 2012, tỉnh Lâm Đồng đã tăng mức trợ cấp này lên gấp đôi, từ 100 nghìn đồng/tháng lên 200 nghìn đồng/tháng cùng thanh toán vé tàu xe 2 lượt đi về trong năm như những năm trước.
 
Theo ông Huỳnh Mỹ, Trưởng ban Ban Dân tộc Lâm Đồng, đây là chính sách rất riêng của Lâm Đồng nhằm khuyến khích con em người dân tộc thiểu số trong tỉnh đi học đại học, cao đẳng, học nghề ở các trường chuyên nghiệp, tạo nguồn nhân lực phát triển vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, vùng cộng đồng người dân tộc thiểu số. Cần nói rằng, những năm gần đây, số học sinh người dân tộc thiểu số hằng năm tốt nghiệp THPT vào bậc đại học, cao đẳng ngày càng nhiều. Chỉ tính trong năm 2013, toàn tỉnh có 3.855 sinh viên là người dân tộc thiểu số đang học tại các trường đại học, cao đẳng, trường trung cấp nghề trong tỉnh và trong nước. Tổng ngân sách hỗ trợ cho các sinh viên này trong năm 2013 là 6 tỷ 340 triệu đồng. Bên cạnh đó, các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trong tỉnh lâu nay cũng thực hiện chính sách gửi học sinh đi học bậc đại học theo chế độ cử tuyển để sau này về phục vụ tại địa phương mình, chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Từ năm 2000 đến 2013, đã có 551 học sinh được cử đi học đại học, nhiều nhất là ngành y. Đến nay đã có 239 sinh viên tốt nghiệp, số còn lại đang học. Trong số sinh viên cử tuyển tốt nghiệp ra trường này, 183 người đã nhận công tác trong tỉnh; có 24 người chuyển ra làm việc ngoài tỉnh (phải trả lại tiền đào tạo cho tỉnh, chuyển công tác theo gia đình…) và hiện vẫn còn 29 người chưa được bố trí việc làm.
 
Cần có một kế hoạch dài hạn 
 
Theo Sở Nội vụ Lâm Đồng, tỉnh Lâm Đồng lâu nay luôn khuyến khích các cơ quan đơn vị trong tỉnh thu nhận các sinh viên là người dân tộc thiểu số tốt nghiệp đại học, cao đẳng vào công tác. Trong tuyển dụng công chức tỉnh có chính sách ưu tiên cho sinh viên người dân tộc thiểu số, như xét tuyển, cộng điểm ưu tiên trong thi tuyển… 
 
Với sinh viên cử tuyển, nhiều huyện khi cử người đi đào tạo gắn với nhu cầu của địa phương, khi sinh viên tốt nghiệp về huyện đã thu nhận bố trí việc làm. Nguồn nhân lực thông qua cử tuyển này theo đánh giá đã từng bước củng cố an ninh quốc phòng cho những vùng khó khăn, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế, nâng cao dân trí trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số. 
 
Tuy nhiên, theo Sở Nội vụ, trong cử tuyển hiện nay vẫn còn tình trạng có không ít các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố chưa điều tra xây dựng nguồn nhân lực dài hạn nên khi xây dựng chỉ tiêu tuyển đã tập trung quá nhiều vào một số ngành như y tế chẳng hạn (đào tạo bác sỹ), trong khi một số ngành thiết thực phục vụ tại thôn, xã lại không được đề xuất chỉ tiêu. Cùng đó, sự phối hợp giữa các trường đại học, cao đẳng nơi có sinh viên đi học cử tuyển với tỉnh chưa được gắn kết; thông tin trong quá trình đào tạo, việc thanh quyết toán hợp đồng hằng năm; điều tra kết quả sau đào tạo, bố trí việc làm chưa được thực hiện. 
 
Chính vì vậy, theo Sở Nội vụ Lâm Đồng, đã đến lúc tỉnh cần có các quy định cụ thể trong việc thực hiện chế độ cử tuyển đối với thanh niên dân tộc thiểu số, quy định trách nhiệm của các sở, ngành và địa phương, tránh chung chung như cách làm hiện nay khi nhiều sinh viên cử tuyển ra trường về địa phương nhưng cơ quan cử người đi học không nắm được, không bố trí việc làm. Sở Nội vụ cũng khuyến nghị ngành GD - ĐT tỉnh, các ngành chức năng cần định hướng cho học sinh người dân tộc thiểu số thi vào các trường, các ngành nghề mà xã hội đang cần lao động để tìm việc làm; xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp trên địa bàn để khuyến khích sử dụng sinh viên người dân tộc thiểu số đã qua đào tạo.
 
Riêng với học sinh cử tuyển, để tránh tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường về lại địa phương phải “dài cổ” đợi việc như 29 trường hợp trên, theo ông Huỳnh Mỹ, Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh, từng huyện khi cử người đi học phải có kế hoạch dài hạn trong việc đào tạo sử dụng, đảm bảo để sinh viên cử tuyển ra trường có chỗ làm việc, tránh lãng phí nguồn lực của ngân sách. “Cần xác định vị trí, nhu cầu cụ thể của địa phương khi cử người đi học và có kế hoạch sử dụng. Nhiều địa phương trong lúc chờ người đi học đã lấy người lấp vào vị trí đó, khi người ra trường về lại địa phương thì lúng túng không bố trí được trong khi biên chế có hạn” - ông Mỹ nói.
 
VIẾT TRỌNG