Cùng với xu hướng phát triển của xã hội, sức tiêu thụ các sản phẩm thổ cẩm giảm dần, những người tâm huyết với nghề không khỏi trăn trở khi "đầu ra" gặp phải khó khăn.
Từ lâu, việc duy trì, phát triển nghề dệt thổ cẩm của người Châu Mạ ở thôn Đạ Nghịch (xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc) không chỉ nhằm lưu giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc Tây Nguyên mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều gia đình. Song, cùng với xu hướng phát triển của xã hội, sức tiêu thụ các sản phẩm thổ cẩm giảm dần, những người tâm huyết với nghề không khỏi trăn trở khi “đầu ra” gặp phải khó khăn.
|
Phụ nữ lớn tuổi ở Đạ Nghịch vẫn gắn bó với nghề dệt thổ cẩm |
Thôn Đạ Nghịch hiện có 245 hộ với 1.070 nhân khẩu. Ngoài công việc chính làm nông nghiệp, đa phần phụ nữ trong thôn đều chọn nghề dệt để kiếm thêm thu nhập lúc nhàn rỗi. Hơn nữa, đây là nghề “mẹ truyền con nối”, là nét đẹp văn hóa được bà con đồng bào Châu Mạ nơi đây lưu giữ bao đời nay. Bằng đôi tay khéo léo của mình, phụ nữ Châu Mạ nơi đây đã dệt nên những sản phẩm thổ cẩm có tính thẩm mỹ, độ bền cao như ồi - ùi (chăn), ntrònh (khố), ồi mbơn (váy)… Năm 2012, Đạ Nghịch được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận là Làng nghề truyền thống, mở ra một cơ hội mới để nghề dệt tiếp tục phát triển. Chị Ka Thùy, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Đạ Nghịch, cho biết: “Hiện nay, hầu hết chị em phụ nữ trong thôn đều biết dệt thổ cẩm; trong đó, có khoảng 70% chị em đang làm nghề thường xuyên. Đặc biệt, đối với những phụ nữ lớn tuổi, dệt thổ cẩm là nghề mang lại thu nhập chính của họ”.
Theo thống kê, thôn Đạ Nghịch hiện có khoảng 150 hộ dân đang duy trì, phát triển nghề dệt tại gia đình. Trong đó, trung bình mỗi gia đình có từ 2 - 3 thợ dệt. Cùng với đó, trong làng đang có khoảng 20 nghệ nhân đã hơn 30 năm gắn bó với nghề này. Họ được xem là những người “giữ lửa” cho Làng nghề Đạ Nghịch ở thời điểm hiện tại. Bà Ka Xiêu (78 tuổi), người có gần 60 năm gắn bó với nghề dệt thổ cẩm, chia sẻ: “Thời của tôi, phụ nữ trong làng đều biết dệt thổ cẩm và trồng bông, quay sợi, làm thuốc nhuộm để tạo ra những sợi chỉ có màu sắc tự nhiên. Bây giờ, việc dệt thổ cẩm khỏe hơn nhiều. Chị em chỉ cần sắm cho mình một khung cửi là có thể làm nghề được. Bởi giờ đây, ngày nào cũng có người mang sợi vào làng bán, với đủ các loại màu. Màu sắc của sợi chỉ ngày càng phong phú hơn, nên sản phẩm bây giờ cũng đẹp hơn trước nhiều. Tôi tuy đã nhiều tuổi, nhưng nếu chăm chỉ và có người mua, thì trong vòng 1 tuần có thể hoàn thành một tấm chăn. Tính ra, mỗi tháng cũng có được khoản thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng”.
Ngoài những nghệ nhân có “thâm niên”, thì giờ đây đa phần các nghệ nhân đang theo đuổi nghề dệt ở Đạ Nghịch đều dệt được những sản phẩm như áo, váy, túi xách, khố, khăn trải bàn… Không những vậy, lớp trẻ nơi đây cũng đang chăm chỉ theo người lớn để học nghề. Đơn giản vì họ hiểu được rằng, đây chính là nghề mà tổ tiên đã dày công duy trì và phát triển. Chính lẽ đó, họ càng phải biết trân trọng, gìn giữ và phát huy không thể để mai một. Tuy nhiên, hiện nay, những sản phẩm được họ làm ra vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Chị Ka Thùy cho biết thêm: “Hiện nay, ở đây đang có 2 người đứng ra thu mua sản phẩm thổ cẩm cho bà con trong thôn. Đó là bà Trần Thị Ngọc Chiên (người trong thôn) và một người tên Hồng ở phường Lộc Tiến. Nhưng, họ cũng chỉ thu mua theo thời vụ (vào dịp cuối năm). Còn bình thường, phần lớn sản phẩm của bà con làm ra chỉ để bán lẻ cho những ai cần mua hay đưa đi bán “dạo” tại Di Linh, Lâm Hà hay các huyện phía Nam… với giá cả phải chăng. Vì vậy, đa phần chị em chỉ dệt cầm chừng vào những lúc nhàn rỗi để duy trì nghề là chính”.
Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân khiến các sản phẩm thổ cẩm khó tiêu thụ là do các buôn làng đồng bào DTTS ở Tây Nguyên đã “Kinh hóa”. Hiện nay, phần lớn các trang phục truyền thống của buôn làng chỉ được họ sử dụng trong các dịp lễ tết, cưới hỏi. Còn ngày bình thường, trong lao động, sản xuất rất ít người sử dụng. Một nguyên nhân khác, là do trên thị trường xuất hiện quá nhiều các mặt hàng thổ cẩm công nghiệp “nhái” và được bán tràn lan với giá thành cực rẻ. Trong khi đó, sản phẩm của bà con làm ra có chất liệu tốt, đòi hỏi sự công phu, buộc phải bán với giá thành cao hơn, nên khó cạnh tranh về giá cả. Vì vậy, để Làng nghề Đạ Nghịch phát triển bền vững và ổn định trong tương lai, thì chính quyền địa phương cần có sự quan tâm hơn nữa trong việc quảng bá sản phẩm cũng như tìm thị trường tiêu thụ cho bà con.
KHÁNH PHÚC