UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 1489/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án Xóa mù chữ (XMC) đến năm 2020.
UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 1489/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án Xóa mù chữ (XMC) đến năm 2020.
Thực hiện Đề án nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác XMC cho mọi người; huy động các tổ chức kinh tế, xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cộng đồng dân cư có trách nhiệm tham gia công tác XMC; củng cố và nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở; làm nền tảng vững chắc, đẩy mạnh phong trào xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả công tác XMC, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, mở rộng độ tuổi XMC; ưu tiên các đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số (DTTS), tôn giáo, phụ nữ, trẻ em gái, người khuyết tật và những người sinh sống ở các vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; góp phần phát triển KT-XH, nâng cao dân trí, thực hiện công bằng xã hội. Bên cạnh đó, tăng cường sự quản lý của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng và sự tham gia của toàn xã hội về công tác chống mù chữ.
Theo đó, Lâm Đồng phấn đấu đến năm 2015: Ở độ tuổi 15 – 60, sẽ XMC cho 1.200 người, nâng tỷ lệ biết chữ đạt 97,8%; XMC cho 720 người DTTS, nâng tỷ lệ biết chữ lên 91,5%. Trong độ tuổi 15 – 35, XMC cho 840 người, nâng tỷ lệ biết chữ đạt 98,7%; XMC cho 490 người DTTS, nâng tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi lên 95,5%. Đối với mục tiêu đến năm 2020, ở độ tuổi 15 – 60, XMC cho 6.000 người, nâng tỷ lệ biết chữ đạt 99,5%; XMC cho 3.600 người DTTS, nâng tỷ lệ người biết chữ lên 93,4%. Trong độ tuổi 15 – 35, XMC cho 4.500 người, nâng tỷ lệ biết chữ lên 99,5%; XMC cho 23.600 người DTTS, nâng tỷ lệ biết chữ lên 98,1%. Có 90% số người biết chữ tiếp tục tham gia học tập với nhiều hình thức khác nhau nhằm củng cố vững chắc kết quả biết chữ (năm 2015 tỷ lệ 80%). Có 100% đơn vị cấp huyện và 95% đơn vị cấp xã đạt chuẩn chống mù chữ giai đoạn 2014 – 2020 (giai đoạn 2015, tương ứng 85 và 80%).
Theo kế hoạch, tỉnh sẽ chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác chống mù chữ; đổi mới công tác quản lý, tổ chức lớp học XMC phù hợp với các nhóm đối tượng; thực hiện chương trình, tài liệu XMC phù hợp; duy trì, củng cố bền vững kết quả XMC, hạn chế mù chữ trở lại; đẩy mạnh xã hội hóa công tác XMC… Đặc biệt tỉnh sẽ nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia chống mù chữ với các biện pháp: Tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên trong và ngoài ngành giáo dục tham gia dạy XMC. Bồi dưỡng tiếng DTTS, văn hóa, phong tục tập quán của người DTTS cho giáo viên, cán bộ. Bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng giáo dục hòa nhập cho giáo viên đảm trách nhiệm vụ này. Đồng thời xây dựng chính sách hỗ trợ đối với những người tham gia dạy XMC ở những địa bàn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; chính sách hỗ trợ đối với những người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
BÌNH NGUYÊN