(LĐ online) - Sáng 4/7, tại Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức lễ công bố Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 704, ngày 12/5/2014.
(LĐ online) - Sáng 4/7, tại Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức lễ công bố Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 704, ngày 12/5/2014.
Đến dự có bà Phan Thị Mỹ Linh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng; ông Triệu Xuân Hòa - Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên; ông Huỳnh Đức Hòa - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Hoàng Sỹ Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy.
Mục tiêu tại lần điều chỉnh này, sẽ xây dựng và phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 trở thành một vùng đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế; có đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử và di sản kiến trúc tầm quốc gia, khu vực và có ý nghĩa quốc tế.
Theo đó, Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 sẽ là đô thị có quy mô diện tích tự nhiên lớn thứ hai trên phạm vi toàn quốc (chỉ đứng sau thủ đô Hà Nội), với khoảng gần 336.000ha.
Được xác định là thành phố mang trong mình tính chất đặc thù, đặc biệt so với các đô thị khác, Đà Lạt và vùng phụ cận trong tương lai sẽ được phát triển theo mô hình các chuỗi liên kết theo tuyến vành đai và xuyên tâm kết nối với các vùng du lịch sinh thái, các vùng cảnh quan rừng, cảnh quan nông nghiệp; phát triển bền vững; bảo tồn và phát huy tính đặc thù về tự nhiên, văn hóa và lịch sử.
Không gian của thành phố cũng sẽ được định hướng theo mục tiêu, bảo tồn và phát triển Đà Lạt thành đô thị đặc thù về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, lịch sử, cảnh quan tự nhiên; xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị du lịch - văn hóa - khoa học, xanh và hiện đại có đẳng cấp quốc tế.
Theo các dự báo phát triển, đến năm 2030, dân số của Tp.Đà Lạt và vùng phụ cận sẽ có khoảng 700.000 đến 750.000 người, trong đó có 70.000 - 80.000 người quy đổi từ khách du lịch. Dân số đô thị khoảng 450.000 - 500.000 người, trong đó có 40.000 người quy đổi từ khách du lịch. Tỷ lệ đô thị hóa từ 60%-70%.
Ngoài 4 khu đô thị chính, gồm: Khu đô thị lịch sử, các khu đô thị nằm phía tây, bắc và phía đông của thành phố, Đà Lạt trong tương lai cũng sẽ được kết nối chặt chẽ với các khu đô thị vệ tinh như, đô thị Liên Nghĩa - Liên Khương, đô thị Finôm - Thạnh Mỹ, đô thị Đ’ran, Đại Ninh, Lạc Dương và đô thị Nam Ban.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, thì Đồ án Quy hoạch phát triển Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 sẽ giải quyết được những vấn đề trực tiếp về kinh tế, xã hội và đời sống của người dân trên cơ sở cân bằng lợi ích giữa bảo tồn và phát triển hài hòa trên 3 phương diện: Giữ gìn bản sắc đặc trưng truyền thống của Đà Lạt, đáp ứng nhu cầu cuộc sống ngày càng cao và đảm bảo định hướng phát triển đô thị theo hướng hiện đại.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 tầm nhìn 2050 chính là vận hội lớn để Đà Lạt phát triển nhanh, bền vững và toàn diện. Mục tiêu đề ra là hình thành một vùng thành phố có nền kinh tế phát triển, hệ thống hạ tầng hiện đại và đồng bộ; có hệ thống bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh; một chuỗi đô thị theo mô hình: Thành phố trong rừng, rừng trong thành phố và đạt được các tiêu chí của thành phố loại I Trung ương vào khoảng năm 2020.
“Tiếp tục giấc mơ từ 120 năm trước”
Với Kiến trúc sư nổi tiếng Thierry Huan – Giám đốc Công ty Interscene (CH Pháp), việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung Tp.Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 tầm nhìn 2050, chính là điểm tựa vững chắc để Đà Lạt có thể tiếp tục khai thác giấc mơ đã bắt đầu từ 120 năm trước.
Theo KTS Thierry Huan, Đà Lạt trong tương lai sẽ là điểm đến của tình yêu, sức khỏe, sự an lành và còn hơn thế, đó còn là sự định hình thương hiệu và giá trị của thành phố. Và đồ án quy hoạch, chính là sự đảm bảo cho lộ trình phát triển sau này.
Một thành phố được quy hoạch bài bản, không chỉ giúp cho mảnh đất ấy có sự chuẩn bị vững vàng để đón nhận những thách thức phát triển trong tương lai, mà còn là yếu tố quan trọng giúp cho người dân cảm thấy tự hào về nơi chốn mình sinh sống.
Đà Lạt đến 2030 - 2050 và xa hơn thế, sẽ là hình ảnh một đô thị thân thiện, có chuỗi liên kết giữa lịch sử - di sản của thành phố gắn với một nền kinh tế nông nghiệp công nghệ cao năng động và phát triển bậc nhất.
Cũng theo vị KTS người Pháp này, muốn đạt được những mục tiêu ấy, ngay từ bây giờ việc xây dựng và phát triển thành phố cần phải được đảm bảo tính kết nối giữa các yếu tố (kể cả những yếu tố nhỏ nhất), tạo ra một hành lang liên kết vững chắc. Ngoài việc bảo tồn, gìn giữ những giá trị di sản về văn hóa, kiến trúc, thành phố Đà Lạt cũng cần phải hình thành những khu vực mua sắm chất lượng cao, làm điểm nhấn cho phát triển kinh tế, đồng thời thay đổi hình ảnh cũ kỹ trước đây.
Là một đô thị miền núi, điều trước tiên, Đà Lạt cần phải tạo ra cho mình một hành lang thung lũng, ở nơi đó, có cây xanh và sắc màu của hoa trái, của những khu phố, trang trại, xen lẫn khu dân cư được bố trí quy hoạch có chiều sâu. Bởi, Đà Lạt là một điểm đến không chỉ hấp dẫn, cuốn hút bởi vẻ đẹp, mà còn là nơi đảm bảo sức khỏe cho những ai đến đây sinh sống và nghỉ dưỡng.
|
Linh Đan