Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050 lần này đưa thành phố Đà Lạt trở thành đô thị có quy mô diện tích tự nhiên khoảng 335.930ha, đứng thứ hai chỉ sau thành phố Hà Nội trên phạm vi cả nước và mang trong mình tính chất đặc thù, đặc biệt so với các đô thị khác.
Trải qua quá trình 120 năm hình thành và phát triển, thành phố Đà Lạt có cơ hội lớn lao “định khung” tầm vóc đô thị trên cao nguyên Lâm Viên cho trăm năm tới qua lần thứ 6 điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, mục tiêu phát triển xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 trở thành vùng đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế, có đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử, di sản kiến trúc tầm quốc gia, khu vực và có ý nghĩa quốc tế.
Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050 lần này đưa thành phố Đà Lạt trở thành đô thị có quy mô diện tích tự nhiên khoảng 335.930ha, đứng thứ hai chỉ sau thành phố Hà Nội trên phạm vi cả nước và mang trong mình tính chất đặc thù, đặc biệt so với các đô thị khác. Cấu trúc không gian thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận phát triển theo mô hình chuỗi các đô thị liên kết tuyến theo vành đai và xuyên tâm kết nối với các vùng du lịch sinh thái, các vùng cảnh quan rừng, cảnh quan nông nghiệp; phát triển bền vững, bảo tồn và phát huy tính đặc thù về tự nhiên và văn hóa - lịch sử. Trên cơ sở đó định hướng phát triển không gian thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 với các phân vùng bao gồm: Vùng phát triển đô thị có diện tích khoảng 11.600ha, vùng nông nghiệp và nông thôn có tổng diện tích 73.000ha, vùng bảo tồn phát triển rừng với tổng diện tích khoảng 232.000ha và vùng phát triển du lịch sinh thái rừng với diện tích 6.500ha. Đồng thời, đặt ra mục tiêu phát triển không gian thành phố Đà Lạt dựa trên những “dữ kiện” bảo tồn và phát triển Đà Lạt thành đô thị đặc thù về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, lịch sử, cảnh quan tự nhiên. Xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị du lịch - văn hóa - khoa học, xanh và hiện đại có đẳng cấp quốc tế. Quy mô phát triển dân số đô thị đến năm 2020 khoảng 220.000 - 230.000 người, đến năm 2030 khoảng 240.000 người; trong đó có khoảng 20.000 - 25.000 người là dân số quy đổi từ khách du lịch. Quy mô phát triển diện tích xây dựng đô thị đến năm 2020 chiếm từ 4.500 - 5.500ha, trong đó đất dân dụng đô thị khoảng 2.000 - 2.300ha và đến năm 2030 đất xây dựng đô thị khoảng 5.500 - 6.500ha, trong đó đất dân dụng đô thị khoảng 2.400 - 2.700ha.
Bên cạnh đó, phát triển không gian các trung tâm chuyên ngành như trung tâm chính trị hành chính cấp tỉnh, trung tâm y tế, văn hóa - nghệ thuật, giáo dục đào tạo, thương mại dịch vụ có tổng diện tích 520ha. Không gian cảnh quan đô thị bao gồm hệ thống công viên chuyên đề, công viên rừng, công viên thành phố, công viên cảnh quan dọc theo các tuyến mặt nước có tổng diện tích 1.320ha, bao gồm cả diện tích mặt nước. Tổng số các công viên, cây xanh, thể dục thể thao phục vụ các khu đô thị khoảng 265ha được phân bố rải rác và gắn kết với cấu trúc cây xanh cảnh quan và không gian mở của toàn đô thị. Cùng với các thung lũng nông nghiệp sinh thái đô thị góp phần tạo nên cấu trúc cảnh quan đặc thù của đô thị Đà Lạt. Qua đó, bảo tồn di sản kiến trúc, cảnh quan đô thị, phát triển du lịch di sản, văn hóa, lịch sử; du lịch sinh thái, cảnh quan; du lịch hội nghị, hội thảo... và du lịch nghỉ dưỡng, điều dưỡng, chữa bệnh.
Theo Sở Xây dựng Lâm Đồng, với Đồ án Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã phác họa hình ảnh thành phố Đà Lạt mới trong tương lai với chuỗi đô thị vệ tinh liên kết, vừa phát huy các tiềm năng, thế mạnh của từng đô thị, địa phương trong vùng quy hoạch; vừa đảm bảo việc gìn giữ, phát huy giá trị bản sắc của một Đà Lạt truyền thống với khí hậu, rừng cảnh quan, không gian mặt nước, tính chất đô thị sinh thái. Mặt khác, kế thừa tính hiện đại về quy hoạch, kiến trúc đô thị thể hiện văn hóa, phong cách châu Âu nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao cuộc sống thị dân, tăng cường hình thức hoạt động cho một đô thị - du lịch - sinh thái ngang tầm quốc gia và có ý nghĩa quốc tế. Đặc biệt, giải quyết những vấn đề trực tiếp đến kinh tế, xã hội và đời sống của người dân trên cơ sở cân bằng lợi ích giữa bảo tồn và phát triển trong sự hài hòa trên 3 phương diện: Giữ gìn bản sắc đặc trưng truyền thống của Đà Lạt, đáp ứng nhu cầu cuộc sống ngày càng cao của con người và đảm bảo định hướng phát triển đô thị hiện đại theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Điều đáng chú ý, trong lịch sử 120 năm hình thành, phát triển Đà Lạt, những ý tưởng quy hoạch, lập đồ án quy hoạch chung thành phố đều có dấu ấn của các kiến trúc sư Pháp qua các thời kỳ. Theo Ths.KTS Thierry Huau - Trưởng nhóm chuyên gia tư vấn Cộng hòa Pháp cho rằng: Xuyên suốt 120 năm, từ đồ án quy hoạch đầu tiên đến nay Đà Lạt liên tục được kế thừa, phát triển quy hoạch từ các bản quy hoạch trước. Và với khí hậu đặc trưng tạo nên đô thị đặc biệt - một trong yếu tố trọng yếu mà không bản quy hoạch nào bỏ qua đấy là tính dễ vỡ về môi trường sinh thái, cảnh quan của Đà Lạt.
KHẢI NHIÊN