Tuy còn có những khó khăn nhất định, nhưng bằng những việc làm thiết thực, đồng bào DTTS ở huyện Di Linh đã từng bước khắc phục khó khăn để cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương hoàn thành các tiêu chí về Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Tuy còn có những khó khăn nhất định, nhưng bằng những việc làm thiết thực, đồng bào DTTS ở huyện Di Linh đã từng bước khắc phục khó khăn để cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương hoàn thành các tiêu chí về Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM).
|
Ông Yang Kar Nhung bên hội trường thôn do gia đình hiến đất xây dựng |
Thôn 1, xã Tân Châu có trên 200 hộ, chủ yếu là đồng bào DTTS. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về Chương trình xây dựng NTM, một trong những nhiệm vụ đầu tiên của thôn cùng chính quyền địa phương, đó là tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để bà con thấy được ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình này đối với cuộc sống cộng đồng. Từ đó, thôn đã huy động sức dân như góp tiền, góp công lao động, hiến đất… để xây dựng cơ sở vật chất phục vụ đời sống, sinh hoạt cho nhân dân. Tuy nhiên, do quỹ đất của thôn không có, nên việc xây dựng hội trường thôn gặp khó khăn. Trước tình hình đó, ông Yang Kar Nhung, Trưởng thôn đã hiến 125m2 đất (5m mặt tiền) và vận động hộ K’Yêu ở bên cạnh hiến thêm để đủ 240m2; đồng thời, vận động bà con đóng góp 65 triệu đồng cùng với nguồn kinh phí đối ứng của Nhà nước xây dựng hội trường thôn làm nơi hội họp, sinh hoạt cho nhân dân.
Ông Yang Kar Nhung, Trưởng thôn 1, xã Tân Châu, cho biết: “Gia đình tôi ra ở riêng được ông bà chia cho 18m đất mặt tiền. Tuy diện tích đất không nhiều, nhưng trước sự bức thiết chung và cùng địa phương sớm hoàn thành các tiêu chí về NTM, nên tôi đã hiến 5m đất mặt tiền của gia đình. Là trưởng thôn, luôn ý thức rằng xây dựng NTM là nhằm nâng cao đời sống của nhân dân, nên gia đình tôi đã không tiếc tài sản và phải hiến một phần đất của gia đình để cùng bà con chung tay xây dựng NTM”.
Ban nhân dân thôn tiếp tục vận động bà con đóng góp hơn 224 triệu đồng để cùng bà con thôn 2 và nguồn vốn của Chương trình xây dựng NTM trải nhựa 1,8km đường liên thôn; đóng góp trên 360 triệu đồng để đưa nước sinh hoạt về thôn. Hiện nay, thôn đang vận động bà con đóng góp 300 ngàn đồng/hộ để tiếp tục làm đường bê tông với chiều dài 260m vào khu vực nghĩa địa. Điều đáng mừng là hầu hết những hộ dân trong thôn đều hưởng ứng tham gia Chương trình NTM một cách tích cực.
Với xã Gung Ré, các phong trào phát động luôn được bà con DTTS nhiệt tình hưởng ứng. Ngoài việc hiến đất, đóng góp tiền của xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, bà con còn được hỗ trợ kinh phí đào ao tích nước, làm công trình đập thủy lợi bậc thang để chống hạn cho cây trồng, cải tạo cà phê, sử dụng giống lúa mới…
“Cùng với bà con trong thôn, gia đình tôi cũng hiến đất làm công trình thủy lợi bậc thang, nên vào mùa hạn hán vừa qua bà con chúng tôi có đủ nước để chống hạn cho cây trồng. Về cà phê, do năng suất kém, nên gia đình cũng đã mạnh dạn nhổ bỏ hơn 1ha để trồng giống cà phê mít rồi ghép bằng chồi giống cà phê cao sản, nay có 7 sào đã lên năm thứ 3, cây phát triển tốt, trái đều. Vì đây là mô hình điểm của xã Gung Ré triển khai trong vùng đồng bào dân tộc về việc chuyển đổi giống cà phê già cỗi, năng suất kém sang trồng giống cà phê mới, nên thời gian qua đã có nhiều bà con dân tộc trong vùng đến đây tìm hiểu, học tập mô hình. Với những kết quả bước đầu này, đến nay gia đình tôi đã tự ghép thêm 7 sào và trồng tái canh 5 sào” - anh K’Lãm nói.
|
Ông K’Lãm (trái) bên vườn cà phê ghép 3 năm tuổi |
Ông Trần Đức Gia, Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nên bà con trong xã, đặc biệt là đồng bào DTTS mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng tham gia rất tích cực. Vì vậy, các tiêu chí được đưa ra thực hiện theo từng năm đều đạt và hoàn thành tốt. Đến nay, Tân Châu đã đạt 18/19 tiêu chí NTM”.
Khi người dân đã đồng thuận và hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình NTM, họ luôn nêu cao ý thức và tích cực hưởng ứng tham gia chương trình, với mong muốn cùng chính quyền địa phương chung sức, chung lòng xây dựng NTM. Qua đó, góp phần thiết thực làm thay đổi bộ mặt nông thôn, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.
NDONG BRỪM