Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã dành cho Báo Lâm Đồng cuộc phỏng vấn xoay quanh Đồ án Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 704, ngày 12/5/2014 đánh dấu cột mốc mới quan trọng và là cơ hội đối với sự phát triển của thành phố du lịch nổi tiếng trong tương lai. Nhân sự kiện này, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã dành cho Báo Lâm Đồng cuộc phỏng vấn xoay quanh đồ án quy hoạch chung Đà Lạt lần này.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Tiến (thứ 3 từ trái sang) trao đổi với các chuyên gia nước ngoài tại hội thảo quốc tế lần 2 tổ chức tại Paris (Pháp) |
PV: Thưa đồng chí, việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có thể nhận diện quy mô, tính chất đô thị mới Đà Lạt ra sao?
Chủ tịch Nguyễn Xuân Tiến: Trải qua hơn 120 năm hình thành và phát triển, thành phố Đà Lạt đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị.
Đến nay, Đà Lạt là một thành phố du lịch, một đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Hiện tại, Đà Lạt đang sở hữu một di sản đồ sộ của thiên nhiên về cảnh quan, môi trường, khí hậu và hệ sinh thái đa dạng, phong phú; một hệ thống các công trình kiến trúc độc đáo có giá trị lịch sử, văn hóa; một nền văn hóa đa dạng, đặc sắc với sự hòa quyện văn hóa dân tộc Tây Nguyên với văn hóa các vùng miền trong cả nước.
Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 được kế thừa từ các đồ án quy hoạch trước đây, dựa trên chiến lược phát triển đô thị của cả nước và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng. Trên cơ sở đó, Đà Lạt và vùng phụ cận được xác định là một vùng đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế, có đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử và di sản kiến trúc quốc gia và có ý nghĩa quốc tế.
Việc xây dựng và phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận phải đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Một mặt phải bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên, hệ thống các công trình kiến trúc và nền văn hóa đặc sắc của Đà Lạt. Mặt khác, phải tạo điều kiện cho Đà Lạt bứt phá, phát triển theo hướng hiện đại, đáp ứng với yêu cầu hội nhập và phát triển.
PV: Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là cơ hội cho Đà Lạt phát triển. Đồng chí nghĩ gì về một cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện mục tiêu phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận?
Chủ tịch Nguyễn Xuân Tiến: Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một cơ hội rất tốt để Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung phát triển nhanh, phát triển bền vững, toàn diện. Mục tiêu đề ra là một vùng thành phố có nền kinh tế phát triển, hệ thống hạ tầng hiện đại và đồng bộ, có hệ thống bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh; một chuỗi đô thị theo mô hình: thành phố trong rừng, rừng trong thành phố và đạt được các tiêu chí của một thành phố loại I trực thuộc Trung ương vào khoảng năm 2020.
Tuy nhiên, để tranh thủ cơ hội thuận lợi này, tỉnh cần khẳng định về tiềm năng và lợi thế cạnh tranh của tỉnh nói chung và của thành phố Đà Lạt nói riêng. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngành du lịch dựa trên yếu tố về cảnh quan thiên nhiên, khí hậu, di sản và văn hóa được xác định là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu; phát triển NNCNC trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng liên kết, tổ chức sắp xếp lại sản xuất nông nghiệp, xác định thế mạnh các loại cây trồng chủ yếu (rau, hoa, trà, cà phê), chăn nuôi bò sữa theo hướng công nghiệp hiện đại; từng bước định hình một trung tâm giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học đa ngành của quốc gia.
Đồng thời, phải có những cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo nguồn lực và điều kiện cho thành phố Đà Lạt phát triển theo quy hoạch và mục tiêu đã đề ra. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã xây dựng xong Đề án cơ chế đặc thù cho thành phố Đà Lạt đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Trong nội dung của đề án đã đề cập đến các cơ chế, chính sách nhằm phát huy có hiệu quả lợi thế cạnh tranh của địa phương, trong đó: phát triển hạ tầng đồng bộ (bao gồm giao thông; hạ tầng đô thị; cơ sở vật chất cho phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa) được xem là yếu tố hàng đầu và là một trong những nhân tố có tính chất quyết định; các cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ du lịch và NNCNC, gắn kết giữa phát triển du lịch với các ngành khác và NNCNC; quy hoạch sử dụng đất và các cơ chế chính sách nhằm xây dựng và phát triển các cơ sở giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học đa ngành, với chính sách thông thoáng về đất đai, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; cơ chế chính sách để bảo tồn và phát triển rừng cảnh quan, đô thị và hệ sinh thái; chính sách về tài chính, tín dụng và các chính sách khác hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Đặc biệt, bộ máy chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến cơ sở phải vận hành trôi chảy, với tinh thần trách nhiệm cao, trình độ chuyên môn giỏi và chuyên nghiệp…, tạo sự thân thiện, gần gũi, tạo niềm tin đối với nhà đầu tư và doanh nghiệp. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành trung ương và thẩm định để trình Chính phủ phê duyệt.
PV: Xin đồng chí cho biết các công việc tiếp theo để triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ?
Chủ tịch Nguyễn Xuân Tiến: Trước hết, chúng ta cần phải công bố, công khai quy hoạch bằng nhiều hình thức đến các tầng lớp nhân dân trong tỉnh; các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước; các tổ chức, cơ quan và các tỉnh, thành trong cả nước. Tổ chức tuyên truyền, giải thích và vận động nhân dân tự giác chấp hành theo quy hoạch; đồng thời có cơ chế để hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cùng phối hợp tuyên truyền và tổ chức giám sát việc thực hiện quy hoạch.
UBND tỉnh sẽ ban hành các quy định quản lý theo đồ án quy hoạch được phê duyệt; ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc cảnh quan tại các đô thị trong vùng quy hoạch; tổ chức rà soát việc lập, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; thiết kế đô thị để cụ thể hóa điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt, làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư.
Tiếp tục tăng cường và củng cố bộ máy các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước về quy hoạch, kiến trúc; các đơn vị tư vấn; đồng thời phát huy chức năng phản biện của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; phát huy và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia góp ý việc tổ chức thực hiện quy hoạch và xây dựng thành phố theo quy hoạch.
Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế và trong nước để thu hút đầu tư, trước mắt xây dựng các đề án, chương trình hợp tác với tổ chức JICA (Nhật Bản), Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; tranh thủ chương trình hợp tác trung hạn và dài hạn giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Nhật Bản về phát triển nông nghiệp, trong đó tỉnh Lâm Đồng được chọn là một trong 2 địa phương để thí điểm chương trình này. Chuẩn bị các dự án đầu tư, các chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch để tham gia các hội nghị xúc tiến đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương và các bộ, ngành trung ương tổ chức.
PV: Xin cám ơn đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh!
HỒ XUÂN TRUNG thực hiện