Nhiều năm qua cùng với cả nước, Lâm Đồng luôn được đánh giá là một trong những địa phương có phong trào sáng tạo kỹ thuật khá mạnh. Từ năm 2002 đến nay, tỉnh luôn duy trì tốt các lần Hội thi sáng tạo kỹ thuật dành cho mọi đối tượng trong nhân dân (Hội thi) và Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng có độ tuổi từ 6-19 tuổi (Cuộc thi).
Nhiều năm qua cùng với cả nước, Lâm Đồng luôn được đánh giá là một trong những địa phương có phong trào sáng tạo kỹ thuật khá mạnh. Từ năm 2002 đến nay, tỉnh luôn duy trì tốt các lần Hội thi sáng tạo kỹ thuật dành cho mọi đối tượng trong nhân dân (Hội thi) và Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng có độ tuổi từ 6-19 tuổi (Cuộc thi). Thông qua các lần tổ chức Hội thi và Cuộc thi đã gặt hái được nhiều thành công cả về công tác tổ chức cũng như cả về số lượng, chất lượng giải pháp sáng tạo. Sự chuyển hóa ngày càng mạnh mẽ từ số lượng sang chất lượng và giải pháp sáng kiến, sáng tạo kỹ thuật đã trở thành một trong những nhân tố quan trọng góp phần tích cực vào phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất và học tập trong các tầng lớp nhân dân, áp dụng các tiến bộ khoa học và kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất - đời sống và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
|
Đôi bạn chăm học. Ảnh: PHAN VĂN EM |
Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng được tổ chức định kỳ 2 năm một lần. Qua 6 lần tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật, toàn tỉnh có 126 giải pháp sáng tạo kỹ thuật tham dự, trong đó có 72 giải pháp đạt giải cấp tỉnh, có 7 giải pháp xuất sắc đạt giải toàn quốc trên các lĩnh vực công nghệ thông tin, cơ khí tự động hóa, nông nghiệp, công nghiệp, vật liệu xây dựng, y tế, bảo vệ môi trường phát triển kinh tế, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp… Các giải pháp đạt giải đã và đang từng bước được áp dụng rộng rãi trong các quá trình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao tại các cơ quan, đơn vị, địa phương và người nông dân. Đáng kể trong số đó có các giải pháp tiêu biểu như: Giải pháp “Áp dụng hệ thống súc rửa dạ dày kín tự chế trong ngộ độc đường tiêu hóa” của bác sỹ Phan Văn Điền (Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng) hiện đang được áp dụng điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân; Giải pháp “Nghiên cứu cải tiến kỹ thuật phát sóng và truyền tải dữ liệu Audio/Video” của nhóm tập thể cán bộ nghiên cứu khoa học Đài PT-TH Lâm Đồng đã giúp cải tiến kỹ thuật và hiệu suất phát sóng, truyền tải dữ liệu Audio/Video của đài ngang tầm khu vực được nhiều Đài PT-TH các tỉnh nghiên cứu áp dụng; Giải pháp “Máy xay chế phẩm hữu cơ nông nghiệp” của Vũ Đình Phúc, phường 7, thành phố Đà Lạt giúp cho nông dân sử dụng tối đa phế thải nông nghiệp sau thu hoạch để chế biến thành chế phẩm phân hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho hộ gia đình. Hiện sản phẩm đang được lập hồ sơ để vinh danh “Nhân tài đất Việt” vào năm 2014 tại Hà Nội, được Hội Nông dân Việt Nam nhân rộng ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước; Giải pháp “Phương pháp đo tỉ lệ thành phần và vận tốc dòng chảy của lưu chất hai pha trong đường ống bằng kỹ thuật Gamma truyền qua và phân tích tương quan chéo” của tập thể các nhà khoa học thuộc Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp tại Đà Lạt đang được áp dụng trong lĩnh vực thăm dò dầu khí và các ngành sản xuất công nghiệp khác; Giải pháp “Trồng rau sạch đô thị” của Nguyễn Hồng Chương (xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương) đã giải quyết thành công về một giải pháp trồng và cung cấp rau sạch cho các vùng đô thị nơi không có đất sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế bền vững. Ngoài các giải pháp trên còn có nhiều giải pháp sáng tạo kỹ thuật khác đã được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống như giải pháp “Giá đỡ heo con” của Than Bình ở Liên Nghĩa, Đức Trọng; “Sản xuất gạch xốp cách nhiệt từ nguồn nguyên liệu sẵn có trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” của Công ty Cổ phần Khoáng sản và VLXD Lâm Đồng… Trong số đó đã có một số giải pháp không chỉ giới hạn ứng dụng trong khuôn khổ địa phương mà có khả năng trở thành sản phẩm hàng hóa thương mại được trên thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu quốc tế mang lại giá trị kinh tế lớn.
Về Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng của tỉnh từ năm 2004 đến nay qua 10 lần tổ chức có 228 giải pháp sáng tạo của các em thanh thiếu niên, nhi đồng tham gia dự thi, trong đó có 109 giải pháp đạt giải cấp tỉnh và 5 giải pháp đạt giải toàn quốc tổ chức tại Hà Nội.
Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng được tổ chức định kỳ hàng năm theo niên chế năm học, mục tiêu của Cuộc thi là để nhằm xây dựng phong trào thi đua học tập, lao động sáng tạo, khơi dậy tiềm năng say mê nghiên cứu, hướng các em vào công việc hữu ích cho xã hội, trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo xây dựng ước mơ các em trở thành nhà sáng chế trong tương lai.
Qua các Cuộc thi, nhiều giải pháp sáng tạo trong thanh thiếu niên đã thể hiện được tính mới, tính sáng tạo và khả năng ứng dụng cao. Số lượng và chất lượng giải pháp tham gia dự thi ngày càng tăng lên rất nhiều lần so với những lần đầu tổ chức. Từ chỗ chưa có giải pháp nào đạt giải toàn quốc thì nay đã có nhiều giải pháp đạt giải, trong số đó có những giải pháp đạt giải cao ở cấp quốc gia và quốc tế như chế phẩm “Thuốc trừ sâu từ hạt bình bát” của Lê Bảo Ngọc, Trường THPT Bảo Lộc. Chế phẩm giúp trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp, tránh ô nhiễm môi trường, giảm giá thành đầu tư cho sản xuất; Giải pháp “Rào chắn thông minh” của Đặng Bảo Long, Trường THCS Ninh Gia - Đức Trọng tạo cơ sở khoa học cho ngành giao thông vận tải trong việc ngăn ngừa tai nạn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt thường xẩy ra tai nạn hiện nay; Giải pháp “Nghiên cứu một số ứng dụng mới của lõi ngô (cùi bắp)” của các em học sinh Trường THPT Chu Văn An - Đức Trọng giúp nông dân tạo ra được hợp chất từ lõi ngô dùng để làm giá thể trong vườn ươm cây con ở các nông trại sản xuất cây giống với giá thành rẻ, năng suất lao động cao, giảm chi phí đầu tư…
Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng lần thứ 10 năm 2014 có 64 giải pháp sáng tạo của các em thanh thiếu niên, nhi đồng trong toàn tỉnh dự thi, tăng gấp 2 lần so với Cuộc thi lần thứ 9 năm 2013 và tăng gấp 3 lần so với Cuộc thi lần thứ 8 năm 2012 và tăng nhiều so với các cuộc thi trước đó, trong số đó có 29 giải pháp đạt giải cấp tỉnh, Ban tổ chức lựa chọn 10 giải pháp xuất sắc dự thi cấp toàn quốc.
Từ những kết quả trên đây cho thấy ý nghĩa của phong trào sáng tạo kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng thông qua Hội thi, Cuộc thi mang lại chính là ở chỗ hầu hết các công trình nghiên cứu hay giải pháp sáng tạo kỹ thuật đều xuất phát từ yêu cầu thực tiễn sản xuất - đời sống và trở lại phục vụ cho sản xuất - đời sống. Chính điều này đã làm cho chất lượng và hiệu quả giải pháp sáng tạo kỹ thuật của tỉnh những năm qua ngày càng phát triển mạnh mẽ, gần gũi với mọi đối tượng người dân.
Điều đáng mừng là kết quả của các tác giả đạt giải tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật của tỉnh đã và đang được Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp coi là một trong những điều kiện cần và đủ khi xem xét danh hiệu thi đua các cấp. Tác giả đạt giải Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng được ngành giáo dục đào tạo cộng điểm ưu tiên khi xét tuyển (đối với học sinh tiểu học và THCS), cộng điểm khi xem xét công nhận tốt nghiệp THPT (đối với học sinh THPT), đạt giải cấp toàn quốc được ưu tiên tuyển thẳng vào đại học đối với những ngành nghề đào tạo phù hợp.
Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra hiện nay thì hoạt động sáng tạo kỹ thuật của tỉnh vẫn còn những hạn chế bất cập, nhất là việc tổ chức triển khai ở cơ sở và khu vực doanh nghiệp, do vậy chưa thực sự trở thành phong trào rộng lớn, có sức thu hút và lan tỏa mạnh mẽ. Công tác tuyên truyền Hội thi, Cuộc thi chưa đi vào chiều sâu, vẫn còn một số giải pháp sáng tạo kỹ thuật tuy được đánh giá cao nhưng vẫn chưa có cơ chế để triển khai áp dụng vào thực tiễn hoặc biến các mô hình sản phẩm sáng tạo kỹ thuật trở thành sản phẩm hàng hóa trên thị trường.
NGỤY XỨNG HÙNG