Những ngày đầu tháng 6 nắng như đổ lửa, bước chân vào Thành cổ Quảng Trị, những vạt hoa bên đường không thể làm dịu đi cái nóng hầm hập của miền đất gió Lào cát trắng. Mọi người im lặng tự xếp hàng, những bước chân hối hả tự nhiên chậm lại bởi tâm tưởng ai cũng nghe vang vọng lời thơ của anh cựu chiến binh Phạm Đình Lân:..
Những ngày đầu tháng 6 nắng như đổ lửa, bước chân vào Thành cổ Quảng Trị, những vạt hoa bên đường không thể làm dịu đi cái nóng hầm hập của miền đất gió Lào cát trắng. Mọi người im lặng tự xếp hàng, những bước chân hối hả tự nhiên chậm lại bởi tâm tưởng ai cũng nghe vang vọng lời thơ của anh cựu chiến binh Phạm Đình Lân:
|
Thăm đồng đội. Ảnh: NGỌC MINH |
“Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ”.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng dấu ấn về Quảng Trị những ngày khói lửa vẫn khắc sâu trong tâm thức mỗi người khi đến nơi đây. Thị xã Quảng Trị trong 81 ngày đêm của năm 1972 đánh Mỹ được ví như một túi bom và cối xay thịt khổng lồ. Trung bình mỗi ngày địch huy động 150-170 lần máy bay phản lực, 70-90 lần B52 để ném bom hủy diệt thị xã và Thành cổ Quảng Trị. Với diện tích chưa đầy 3 cây số vuông, 81 ngày đêm khói lửa mảnh đất kiên cường này từng gánh chịu 328.000 tấn bom đạn, trung bình mỗi chiến sỹ giải phóng phải gánh chịu 100 tấn bom, 200 quả đạn pháo… Và dù trên mình mang đầy thương tích nhưng các anh vẫn chiến đấu ngoan cường, quyết không rời trận địa, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, cứ người này ngã xuống người khác lại đến thay. Trong 81 ngày đêm đó, hàng ngàn chiến sỹ đã hy sinh tại đây chưa lấy được hài cốt vì khói lửa bom đạn quá nhiều, xương máu các anh đã hòa quyện vào gạch đá đổ nát, thấm vào lòng đất mẹ bao dung. Phản ánh sự kiện lịch sử này, Báo Quân đội nhân dân ra ngày 9/8/1972 có viết: “Mỗi mét vuông đất mà các chiến sỹ ta dành được ở Thành cổ Quảng Trị thực sự là một mét vuông máu”.
Chính vì vậy, điều đặc biệt và cũng là điểm khác biệt của Thành cổ Quảng Trị với các nghĩa trang liệt sĩ khác là tại Trung tâm di tích được xây Đài tưởng niệm mang hình tượng nấm mộ chung cho hàng ngàn chiến sĩ đã ngã xuống trong những ngày đêm khốc liệt này. Ngôi mộ tập thể được thiết kế theo quan niệm triết lý âm dương mang ý nghĩa sâu sắc là cầu mong sự siêu thoát cho linh hồn bất diệt. Lối lên Đài tưởng niệm có 81 bậc thang tượng trưng cho 81 ngày đêm chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị. Và ngày nay, Thành cổ được xây dựng thành một công viên văn hóa, tưởng niệm và tri ân những người đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây.
Tại Nhà bảo tàng Thành cổ Quảng Trị, cuộc chiến khốc liệt được tái hiện qua những hình ảnh, những bức tranh, những kỷ vật, hiện vật. Mỗi hiện vật, di vật gắn liền với một chiến công và sự hy sinh cao cả của hàng ngàn chiến sĩ. Trong đó, đặc biệt là lá thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, quê ở xóm Một, xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, sinh viên năm thứ tư Khoa Cầu đường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội được tìm thấy ngày 28/10/2002. Xúc động biết bao khi bùi ngùi đọc những dòng thư của người chiến sĩ trẻ chưa kịp gửi về cho người thân vẫn còn vẹn nguyên. Bức tâm thư đầy lắng đọng để lại cho người đọc biết bao cảm xúc trước tâm tư tình cảm, hoài bão đành gác lại phía sau của người lính trẻ để quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. “Toàn gia đình kính thương! Hôm nay con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng phòng khi đã "đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất” thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột.
Mẹ kính mến! Lớn lên trong tay mẹ từ khi còn trứng nước, chưa đền đáp được công ơn to lớn đó của mẹ thì đứa con trai của mẹ đã phải đi thăm bố con rồi. Thư này tới tay mẹ chắc mẹ buồn lắm công mang nặng, đẻ đau giọt máu đào hơn ao nước lã. Lá vàng còn ở trên cây lá xanh rụng xuống trời ơi hỡi trời. Con của mẹ đã đi để lại cho mẹ nỗi buồn nhất trên đời… Con đi mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ, mẹ đừng buồn cho linh hồn con được thoải mái bay đi... Thôi mẹ nhé đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau...”.
Người lính trẻ Lê Văn Huỳnh viết bức thư cuối cùng vào ngày thứ 77 của chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, khi sự khốc liệt của đạn bom lên đến tột cùng. Bức thư không kịp gửi bởi anh cùng những đồng đội cuối cùng trong tiểu đội đã ngã xuống trong lòng Thành cổ. Anh biết trước mình sẽ ra đi... đi mãi không về, nhưng anh viết thư với một sự bình tĩnh đến lạ lùng. Sự bình tĩnh của những con người đầy khí phách.
Trước khi “hóa thành cát bụi”, anh Huỳnh đã viết cho chị Đặng Thị Xơ, người phụ nữ mới chỉ 6 ngày làm vợ và hơn 30 năm đằng đẵng chờ chồng: "Em sẽ đọc bức thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh.
Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống trong hòa bình hãy nhớ tới anh. Nếu thương anh thực sự thì khi hòa bình có điều kiện vào Nam lấy hài cốt anh về. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hi sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã qua cầu ngược trở lại hỏi thăm về Nhan Biều 1, sẽ thấy tấm bia ghi dòng chữ tên anh đục trên mảng tôn…”. Không ai có thể ngờ rằng, đó là manh mối để đồng đội tìm thấy anh sau ngày giải phóng. Và đúng như bức thư, mọi người không khỏi ngạc nhiên khi tìm thấy anh…
Có lẽ, đó chỉ là một trong số hàng vạn lá thư mà những người lính Thành cổ Quảng Trị năm xưa chưa kịp gửi đi trước trận đánh cuối cùng. Nhưng có một điều thật kỳ diệu là những dòng chữ viết dưới làn bom đó dù chưa kịp gửi đi thì người ở hậu phương năm xưa, những người đang sống hôm nay và các thế hệ mai sau đã, đang và sẽ còn cảm nhận được nhịp đập của trái tim của các anh hùng - liệt sĩ. Bom đạn có thể cướp đi sinh mệnh con người, nhưng không thể tiêu diệt được ý chí những người chiến đấu vì một lý tưởng cao đẹp đã chọn. Hơn 40 năm trôi qua, nhưng những lá thư của các chiến sĩ đã “hóa thân thành cát bụi” như những lời nhắn gởi cứ xoáy sâu vào tâm can của người ở lại: Sống sao đừng phụ lòng người!
Chia tay Thành cổ, mặc dù không nói ra nhưng mỗi người đều có chung cảm giác như vừa bước ra khỏi trận chiến khốc liệt. Và hôm nay đây dưới mỗi bước chân chúng ta đi vẫn còn xương thịt của hàng ngàn chiến sĩ kiên cường, bất khuất nằm lại nơi mảnh đất thiêng liêng này. Thành cổ Quảng Trị, dòng sông Thạch Hãn mãi mãi là một bản hùng ca bất tử, là cội nguồn, là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần bất khuất kiên trung của cả một dân tộc anh hùng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
KIỀU NINH