Lâm Đồng trong Quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên đến 2030

11:07, 25/07/2014

(LĐ online) - Theo đó, ngoài những đặc điểm chung của toàn vùng thì Lâm Đồng - Nam Tây Nguyên - còn được xác định là vùng tỉnh có vị trí, vai trò khá đặc biệt trong quy hoạch phát triển chung toàn vùng. 

[links(right)]
(LĐ online) - Như Báo Lâm Đồng số ra ngày 25/7 đã đưa tin, ngày 22/7 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1194/QĐ-TTg có nội dung chính là “Phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên đến năm 2030”. Theo đó, ngoài những đặc điểm chung của toàn vùng thì Lâm Đồng - Nam Tây Nguyên - còn được xác định là vùng tỉnh có vị trí, vai trò khá đặc biệt trong quy hoạch phát triển chung toàn vùng. 
 
Theo quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên, Đà Lạt của Lâm Đồng sẽ là trung tâm du lịch lớn cấp quốc gia và quốc tế
Theo Quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên, Đà Lạt của Lâm Đồng sẽ là trung tâm du lịch lớn
cấp quốc gia và quốc tế

Về định hướng phát triển không gian vùng, Lâm Đồng được xác định tập trung phát triển ngành dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng; công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản và nông nghiệp công nghệ cao. Vùng kinh tế - đô thị Nam Tây Nguyên (Lâm Đồng) sẽ là vùng chuyên canh rau, hoa ôn đới công nghệ cao phục vụ xuất khẩu và nội địa; vùng trồng chè, dâu tằm, cà phê, cây ăn trái; vùng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo, văn hóa, lễ hội; vùng bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ đầu nguồn hệ thống sông Đồng Nai; là trung tâm du lịch lớn cấp quốc gia và quốc tế tại TP Đà Lạt và đồng thời là trung tâm đào tạo đa ngành cấp vùng, trung tâm nghiên cứu hạt nhân và sinh học cấp quốc gia. Trong phát triển mạng lưới hệ thống đô thị, nếu Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) là trung tâm của cả vùng Tây Nguyên thì Đà Lạt của Lâm Đồng là trung tâm du lịch cấp quốc gia và trung tâm chuyên ngành cấp vùng Tây Nguyên.
 
Về định hướng phát triển dịch vụ - thương mại, Đà Lạt và Bảo Lộc của Lâm Đồng được xác định sẽ là nơi có các cơ sở dịch vụ hiện đại gồm các trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm mua sắm, khu thương mại - dịch vụ, tổng kho bán buôn, trung tâm hội chợ - triển lãm, hệ thống đại lý phân phối, bảo hành sản phẩm, trung tâm dịch vụ trung chuyển hàng hóa... Đồng thời, thị trấn Liên Nghĩa của huyện Đức Trọng còn được xác định là một trong những đô thị trung tâm tiểu vùng sẽ được xây dựng các siêu thị, trung tâm mua sắm, khu thương mại - dịch vụ, tổng kho bán buôn, chợ đầu mối... cấp tiểu vùng. Trong định hướng phát triển du lịch, Đà Lạt của Lâm Đồng được xác định là “đô thị du lịch” quốc gia và quốc tế sẽ cùng phát triển với các vệ tinh du lịch xoay quanh là các trung tâm dịch vụ du lịch lớn Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc), Pleiku (Gia Lai)... Cũng theo định hướng này, Đà Lạt - Lâm Đồng sẽ cùng với các địa phương khác phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm để hình thành các khu du lịch tầm cỡ quốc gia và khu vực, tạo thương hiệu cho du lịch vùng Tây Nguyên và Việt Nam; phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, phát huy các giá trị truyền thống bản sắc văn hóa dân tộc; đẩy mạnh liên kết du lịch vùng Tây Nguyên với các tỉnh thuộc khu vực miền Trung và Đông Nam Bộ.
 
Trong định hướng phát triển nông nghiệp, Lâm Đồng cùng với các tỉnh khác sẽ gắn phát triển vùng sản xuất nông nghiệp với phát triển khu dân cư nông thôn; hạn chế tối đa chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp sang đất chuyên dùng; giảm diện tích trồng cà phê có năng suất thấp nhằm giảm khai thác nước ngầm; tăng cường cơ sở hạ tầng, cơ sở chế biến, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp. Trên lĩnh vực phát triển lâm nghiệp, điều đáng quan tâm là cần bảo vệ diện tích rừng hiện có, trồng lại diện tích rừng tạp bằng rừng nguyên liệu công nghiệp có giá trị kinh tế cao để tăng độ che phủ toàn vùng Tây Nguyên lên mức bình quân 61%. Đồng thời, Lâm Đồng cũng sẽ hoàn thiện hệ thống rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia với quy mô đã được quy hoạch để bảo tồn tính đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn gen quý hiếm, cảnh quan thiên nhiên và giá trị khoa học - văn hóa - lịch sử đồng thời với việc phát triển du lịch tham quan nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái. 
 
Trên các lĩnh vực xã hội: Về định hướng phát triển cơ sở y tế, Đà Lạt sẽ là trung tâm chăm sóc sức khỏe cấp quốc tế kết hợp phục vụ khách du lịch, đồng thời còn là một trong hai trung tâm y tế lớn cấp vùng (cùng với Buôn Ma Thuột của Đắc Lắc); bên cạnh đó là việc thành lập trung tâm chẩn đoán y khoa kỹ thuật cao và trung tâm y học hạt nhân và xạ trị khu vực Tây Nguyên tại tỉnh Lâm Đồng. Về giáo dục, Đà Lạt là một trong hai trung tâm đào tạo lớn cấp vùng (cùng với Buôn Ma Thuột) để đến năm 2030, toàn Tây Nguyên sẽ có 15 trường đại học và cao đẳng (trong đó có 5 trường đại học); và, cũng đến năm 2030, Lâm Đồng phấn đấu có 100% các huyện và TP có trung tâm giáo dục thường xuyên (hoạt động đạt hiệu quả) và 90% số xã, phường có trung tâm học tập cộng đồng. Ở lĩnh vực thể dục thể thao, cùng với Buôn Ma Thuột với một khu liên hợp thể thao cấp vùng sẽ được xây dựng thành trung tâm thể thao trọng điểm thì tại Đà Lạt sẽ có một trung tâm huấn luyện thể thao cấp quốc gia được hình thành.
 
Về vấn đề tổ chức thực hiện, ngoài việc giao cho Bộ Xây dựng có trách nhiệm công bố quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch này, Chính phủ còn yêu cầu UBND các tỉnh trong vùng tiến hành rà soát điều chỉnh hoặc triển khai lập quy hoạch xây dựng vùng tỉnh và các quy hoạch khác theo các nội dung của quy hoạch này.
 
Khắc Dũng