Cách đây 2 tháng, người viết bài này đã đặt vấn đề về hệ thống cơ sở giới thiệu việc làm ở 2 huyện Lâm Hà và Đức Trọng với những người có trách nhiệm ở Sở LĐTB&XH tỉnh Lâm Đồng và được trả lời, đây là những cơ sở có giấy phép hoạt động.
[links(right)]
Cách đây 2 tháng, người viết bài này đã đặt vấn đề về hệ thống cơ sở giới thiệu việc làm ở 2 huyện Lâm Hà và Đức Trọng với những người có trách nhiệm ở Sở LĐTB&XH tỉnh Lâm Đồng và được trả lời, đây là những cơ sở có giấy phép hoạt động. Vừa qua, có thông tin về quản lý, sử dụng nguồn nhân lực làm nông nghiệp ở 2 huyện này trên một tờ báo đã gây nhiều chú ý của bạn đọc trong và ngoài tỉnh. Ngày 16/7, phóng viên Báo Lâm Đồng tiếp tục tiếp cận cơ sở giới thiệu lao động nói trên, người sử dụng lao động (SDLĐ) và làm việc với lãnh đạo Sở LĐTB&XH Lâm Đồng để tìm hiểu làm rõ hơn vấn đề mà xã hội đang quan tâm.
Kỳ 1: Góp phần lớn cung ứng nguồn nhân lực
Cam kết ba bên
Chiều 16/7, làm việc với Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Lâm Đồng Hoàng Bình, ông cho biết: Lâm Đồng là tỉnh sản xuất nông nghiệp rất lớn, mỗi năm nhu cầu tuyển dụng người lao động (NLĐ) lên đến hàng chục ngàn người. Vì vậy, bản thân trong tỉnh không thể đáp ứng được nên việc tuyển dụng NLĐ từ các địa phương khác đến là tất yếu, nhất là vùng các huyện sản xuất cà phê, rau, hoa vào mùa chính vụ. Toàn tỉnh hiện có 6 đơn vị có chức năng giới thiệu việc làm cho NLĐ, đó là Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐTB&XH cùng hệ thống mạng lưới tại các Trung tâm dạy nghề huyện, thành phố và 5 doanh nghiệp (DN) tư nhân đóng tại 2 huyện Đức Trọng và Lâm Hà. Phải khẳng định, mặt được của 5 DN này là đã đóng góp không nhỏ trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực lao động nông nghiệp, trong đó đặc biệt là địa bàn Lâm Hà, Đức Trọng và Đơn Dương. So với nguồn nhân lực trôi nổi bên ngoài, dù sao khi đã qua các DN này cũng đã được “lọc” một phần đáng kể.
|
Giám đốc Vũ Thị Thu và những lao động chờ việc tại Công ty Đức Hoàng |
Sáng 16/7, chúng tôi đến Công ty TNHH Đức Hoàng ở số 212, thôn Đoàn Kết, xã N’Thol Hạ, huyện Đức Trọng do ông Cao Ngọc Khoa là chủ DN và bà Vũ Thị Thu là giám đốc. Ông Khoa cho biết nguồn nhân lực tại đây được giới thiệu từ Công ty TNHH Cung ứng lao động Tiến Đạt (137/31/3 Phan Anh, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh do ông Nguyễn Trọng Nghĩa làm giám đốc). Công ty Đức Hoàng trình cho chúng tôi “Hợp đồng cam kết tuyển lao động” với Công ty Tiến Đạt do ông Nguyễn Trọng Nghĩa và bà Vũ Thị Thu ký và đóng dấu đỏ ngày 6/2/2014. Trong đó, 2 bên thống nhất: Tiến Đạt “chịu trách nhiệm tuyển dụng lao động và tư vấn lao động gồm lương, thưởng và thời gian làm việc cho công nhân hiểu rõ”. Phía Đức Hoàng đưa ra các điều kiện: độ tuổi lao động 18-40 tuổi; có đủ sức khỏe; mức lương đối với nam là 2,5 triệu đồng/tháng/người, nữ là 2,3 triệu đồng/tháng/người; công việc chủ yếu là chăm sóc rau, hoa và cà phê; thời gian làm việc 8 giờ/ngày. “Bên nào sai bên đó sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”, cam kết ghi rõ. Ông Khoa cho biết thêm: NLĐ ký kết hợp đồng tại TP. Hồ Chí Minh và được tư vấn các nội dung đã cam kết, lên Lâm Đồng, Công ty Đức Hoàng tư vấn lần nữa.
Theo ông Khoa, khó khăn nhất là NLĐ đồng tình mức lương như tư vấn nhưng khi lao động thực tế, nhất là mùa mưa, họ không hài lòng. Số tiền mà NLĐ ứng trước khi lên Lâm Đồng nhận việc là 1,1-1,2 triệu đồng/người để chi phí đi lại và ăn uống dọc đường, Công ty Đức Hoàng trả cho Công ty Tiến Đạt 1,150 ngàn/người. Tùy thời gian lao động 3 tháng, 6 tháng, nếu NLĐ đang làm mà bỏ ngang hợp đồng giữa chừng thì chủ vườn sẽ trừ tiền lại. Ông khẳng định: Cũng có NLĐ chỉ lợi dụng để ăn trộm, mỗi năm 2-3 vụ; người ta muốn thuê nhưng rất sợ bị NLĐ giả danh để lừa đảo. NLĐ không làm được thì chủ nhà vườn trả lại cho Đức Hoàng và Công ty Đức Hoàng tìm việc khác. Một thực tế ở Lâm Đồng thời gian qua là đã có những NLĐ trở thành tội phạm nghiêm trọng đối với người SDLĐ là nhà vườn như giết người cướp của.
Vấn đề nhân viên bảo vệ Lê Duy Thi của Công ty Đức Hoàng ứng xử không đúng với NLĐ mà báo chí nêu? Công ty Đức Hoàng và ông Thi có ký hợp đồng lao động theo mẫu của Bộ LĐTB&XH vào ngày 1/8/2013, thời hạn 12 tháng. Nhưng thời điểm phóng viên đến làm việc, anh Thi không có mặt tại Công ty, bà Thu cho biết “có việc gia đình nên cho nghỉ mấy ngày”. Tuy Giám đốc Vũ Thị Thu khẳng định báo chí nói về ông Thi là không có và “đây là Công ty giới thiệu việc làm nên cần phải tế nhị”, nhưng dĩ nhiên không thể thuyết phục mà rất cần cơ quan chức năng ở địa phương cần vào cuộc. Bà Thu cũng khẳng định “không có hù dọa công nhân” mà Công ty chỉ phân tích cho NLĐ trước khi đến chủ vườn là không được bỏ trốn, không được ăn cắp… có tính chất cảnh báo mà thôi.
Và chịu trách nhiệm trước pháp luật
Ông Khoa cũng cho biết, cuối năm 2012, Công ty Đức Hoàng bị thu hồi giấy phép hoạt động do không đăng ký tạm trú cho NLĐ, sau 3 tháng khắc phục và được trả lại giấy phép. Theo ông Khoa, ở Lâm Hà và Đức Trọng nhu cầu cần 500-700 lao động, mùa thu hoạch cà phê cần mấy ngàn lao động, 5 cơ sở trên địa bàn chỉ đáp ứng được 1/5-1/6 nhu cầu còn chủ yếu NLĐ tự tìm đến. Ở Đức Hoàng, trong tháng 6 vừa rồi khoảng 60 người đến tư vấn xin lao động, dĩ nhiên không phải 100% đều đồng ý làm việc. Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LĐTB&XH) Nguyễn Tiến Dũng cho biết vi phạm phổ biến của các DN giới thiệu việc làm là không khai báo tạm trú với cơ quan chức năng địa phương. Còn Phó Giám đốc Hoàng Bình khẳng định: Khi DN tái phạm lần 2 ở mức độ phải rút giấy phép thì kiên quyết thu hồi giấy phép hoạt động, nhưng người ta lại thành lập ngay liền DN mới khác nên giải pháp này cũng chưa thể giải quyết được căn cơ.
Chúng tôi tiếp cận một nhóm 6 NLĐ do Công ty Tiến Đạt đưa lên đang chờ việc tại Công ty Đức Hoàng. Bà Thu cho biết họ mới đến 2-3 ngày đang chờ việc nên tá túc trong một căn phòng có diện tích khoảng hơn 20 m2. Thạch Cường (sinh 1990) và Trần Vũ Nhỏ (sinh 1991) cùng quê ở Bạc Liêu) đều có tâm trạng mong ngóng việc làm. Còn Thạch Đức Anh (1991) ở Sóc Trăng là người đã từng lên Lâm Đồng làm vườn năm 2013 nay quay lại. Tiến Đạt cho biết: Công việc bỏ phân, cào đất, không nặng, cũng như ở quê thôi. Không biết có sự “gà bài” trước đó hay không nhưng Tiến Đạt khẳng định rằng: “Cháu chưa thấy ai bị đánh và cũng chưa nghe kể ai bị đánh, có sao nói vậy. Cũng không có ai quay về quê chỉ có bạn là Thạch Cường lên đây rồi Đức Hoàng giới thiệu sang Đăk Nông làm bên đó”. Nguyễn Hoài Nam là người dân tộc M’Nông ở tỉnh Quảng Nam cũng do Công ty Tiến Đạt đưa lên. Nam cho biết: Làm vườn 3 tháng ở Đơn Dương rồi bỏ, tiếp tục nuôi tằm tại Tân Hà, Lâm Hà 4 ngày lại bỏ về Công ty Đức Hoàng “Vì mệt quá, làm việc từ sáng đến 9 giờ đêm, buổi trưa không được nghỉ… Họ cho về và không bắt đóng tiền gì”. Đây là những mâu thuẫn tất yếu đã và đang diễn ra vì lao động tại khu vực nông nghiệp hiện chưa có những chế tài về pháp lý thỏa đáng. Quan hệ giữa NLĐ và người SDLĐ đang là quan hệ dân sự nên tất yếu xảy ra nhiều rủi ro không thể lường trước được cho cả 2 phía, chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh tại kỳ 2.
MINH ĐẠO