Hai mặt của vấn đề (Kỳ 2)

08:07, 21/07/2014

Doanh nghiệp (DN) giới thiệu việc làm khẳng định có hiện tượng người lao động (NLĐ) bị chủ sử dụng lao động (SDLĐ) đánh đập xúc phạm vì ăn cắp. Còn chủ trang trại cũng thừa nhận thu điện thoại và giấy tờ tùy thân của NLĐ nhằm chống bỏ trốn...
 

[links(right)]
Không ít bất hòa xảy ra từ đôi bên
 
Doanh nghiệp (DN) giới thiệu việc làm khẳng định có hiện tượng người lao động (NLĐ) bị chủ sử dụng lao động (SDLĐ) đánh đập xúc phạm vì ăn cắp. Còn chủ trang trại cũng thừa nhận thu điện thoại và giấy tờ tùy thân của NLĐ nhằm chống bỏ trốn vì họ bị thiệt hại rất nhiều khi người làm bỏ ngang việc…
 
Khuyên chủ vườn không được đánh  
  
Đến Công ty TNHH giới thiệu việc làm, cung ứng lao động Tuấn Sơn ở thôn Đoàn Kết, xã N’Thol Hạ, huyện Đức Trọng, vợ của giám đốc Lê Quang Thiệu là bà Nguyễn Thị Cách thay mặt tiếp chúng tôi. Bà cho biết: Trung bình mỗi tuần Công ty nhận khoảng 20 người. Giới thiệu đến các nhà vườn, một số không làm bỏ về luôn, số khác quay lại Công ty nhờ giới thiệu việc khác. Cũng có nhiều NLĐ gọi điện cho người nhà đưa tiền đến hoàn trả phí dịch vụ. Theo điều tra, thực tế DN môi giới cũng có những “giải pháp” phòng ngừa NLĐ bỏ trốn khi chưa giao được cho người sử dụng theo kiểu “kín cổng cao tường”. Chắc ăn hơn, Công ty Tuấn Sơn thu gom NLĐ thông qua “nhân viên thị trường” Phạm Thị Nguyệt Hằng (cô gái 28 tuổi, quê ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, tính cách rất mạnh mẽ và dữ dằn). Phạm Thị Nguyệt Hằng thừa nhận tự gom người thông qua hệ thống xe thồ ở TP. Hồ Chí Minh rồi kèm lên Lâm Đồng. Về trình độ, bà Cách trả lời: “Hằng là người đang thử việc nên chưa kiểm tra bằng cấp, Công ty đã ký hợp đồng lao động từ đầu tháng 6 năm 2014”. Tuy nhiên, bà Cách không trình được bản hợp đồng cho chúng tôi vì kế toán cất giữ (?). Chúng tôi đặt thẳng câu hỏi với Phạm Thị Nguyệt Hằng, cô thừa nhận mới chỉ có trình độ 12/12, không có văn bằng gì khác. Mặc dù nhà báo có bằng chứng xác thực về thái độ nghênh ngang dữ dằn với người tìm việc làm của “nhân viên thị trường” Nguyệt Hằng và cô một mực không nhận. Cô không giấu giếm đã làm công việc tuyển dụng 3 năm cho Công ty TNHH Tâm Đức Lộc ở thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà nhưng không hài lòng nên nay đầu quân cho Công ty Tuấn Sơn. 
 
Bà Cách - vợ của Giám đốc Công ty Tuấn Sơn (áo khoác) và 2 người làm vườn, phía sau là nhân viên Phạm Thị Nguyệt Hằng
Bà Cách - vợ của Giám đốc Công ty Tuấn Sơn (áo khoác) và 2 người làm vườn, phía sau là nhân viên Phạm Thị Nguyệt Hằng

Khi chúng tôi vừa bước vào Công ty Tuấn Sơn thì xe thồ vội vàng đưa NLĐ có tên Phúc đi làm tận huyện Lạc Dương. Bà Cách trả lời: “Trồng rau hoa gì đó ở xã Đạ Sar trên Đà Lạt, họ nhờ chúng tôi bắt xe thồ chở dùm”. Sau đó bà dẫn 2 NLĐ có mặt tại Công ty ra giới thiệu. Đó là Trương Công Trình làm vườn 4 tháng ở thị trấn Đinh Văn, Lâm Hà, xin nghỉ làm để về Bắc vì việc gia đình. Còn Vi Văn Đoàn làm vườn ở Đức Trọng, hết hợp đồng 6 tháng không làm nữa, về lại Công ty Tuấn Sơn tìm chỗ khác vì “thu nhập không hài lòng” (2,5 triệu đồng/tháng-PV). Chúng tôi rời Công ty Tuấn Sơn, cả Nguyễn Thị Cách và Phạm Thị Nguyệt Hằng chạy theo hỏi dồn: Liệu có vấn đề gì nghiêm trọng không ?!
 
Còn Giám đốc Công ty Đức Hoàng Vũ Thị Thu khẳng định: “không có hù dọa công nhân” mà Công ty chỉ phân tích cho NLĐ trước khi đến với chủ vườn là không được bỏ trốn, không được ăn cắp… để cảnh báo. Song, bà Thu thừa nhận: “Cũng có chủ vườn đánh công nhân vì họ nói công nhân ăn cắp tài sản của chủ. Những lúc như thế, chúng tôi khuyên chủ vườn không được đánh; làm không được chở ra trả lại”… 
 
Thu điện thoại và giấy tờ để hạn chế trốn 
 
Từ “cửa rừng” N’Thôl Hạ của huyện Đức Trọng, chúng tôi “đột nhập” vào trang trại chăn nuôi ở ấp Buôn Chuối, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà. Chủ cơ sở là bà Cam Bích Thủy, sinh năm 1967, thường trú tại thị trấn Nam Ban tiếp đón xởi lởi. Bà cho biết trang trại đang nuôi 35 ngàn con gà đẻ trứng và hơn 3 ngàn con heo thịt. Hỏi về NLĐ, bà Thủy trả lời ngay: 20 công nhân hiện tại hầu như người ở quê của bà (tỉnh Lạng Sơn). “Có điện thoại anh em người ta liên lạc nhau và trốn nên tôi phải thu. Đã trốn thì 99% không bắt được, hầu như chưa bắt được. Tôi mất (tiền) nhiều lắm rồi!”, bà Thủy phân trần. Theo bà Thủy, 1 lao động trốn, bà mất tiền dịch vụ 2,5 triệu đồng, “năm nào cũng mất”, “trốn nhiều lắm nên tôi không thuê nữa mà thuê người dân tộc tại đây trả 140 ngàn đồng/ngày cho khỏe”. Đề nghị được xem những giấy tờ tùy thân của NLĐ trốn khỏi trang trại mà bà Thủy giữ lại thì bà nói: “Tôi đã bỏ hết rồi” (?). Còn việc vì quá tức giận lỡ tay đánh đập NLĐ hay không, chủ trang trại Cam Bích Thủy phủ nhận: “Tôi không nóng. Có thỏa thuận với công nhân giữ điện thoại khi làm hết tiền dịch vụ thì trả lại cho họ. Tôi không bao giờ ép, nhưng có những người cũng ghê gớm lắm!”. 
 
Chúng tôi đến nơi ăn ở của số NLĐ chăn nuôi heo trong trang trại bà Thủy, họ đều cho biết cùng quê ở Lạng Sơn, mấy người miền Tây vô làm nhưng đã bỏ về. Như tránh sự điều tra, Nguyễn Văn Tây (sinh năm 1994) dẫn chúng tôi xuống trại nuôi heo một cách rất miễn cưỡng. Còn Lê Văn Thuyết cho biết có vợ đang chăm gà tại trang trại, được anh rể làm trước đó 4 năm giới thiệu vào. Thực tế cho thấy, việc bất hòa và thậm chí cả xung đột giữa chủ trang trại và NLĐ là có thật. Vì vậy mới xảy ra tình trạng “rất nhiều công nhân trốn khỏi trang trại, bỏ của chạy lấy người” như chính bà Thủy thừa nhận. Nhu cầu nhân lực lao động trong khu vực nông nghiệp ở Lâm Đồng rất cao, nhưng môi trường này đã và đang tiềm ẩn những điều bất an cho cả NLĐ và chủ sử dụng. Làm thế nào để có thể giảm thiểu tình trạng này là nội dung được phản ánh trong kỳ báo cuối.
 
MINH ĐẠO