Hai mặt của vấn đề (Kỳ cuối)

08:07, 23/07/2014

Hiện các văn bản pháp quy mới điều chỉnh trong khu vực có quan hệ lao động như doanh nghiệp, công ty, xí nghiệp (khu vực công nghiệp). Còn khu vực nông nghiệp, quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động chỉ là quan hệ dân sự, do đó rủi ro rất dễ xảy ra. Có thể còn những khó khăn trong quản lý hiệu quả đối với ngành chức năng khi chưa hoàn thiện hành lang pháp lý, nhưng không phải là không có cách giải tốt về bài toán lao động nhập cư…

Để giảm rủi ro trong quan hệ dân sự
 
[links(right)] Theo Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Lâm Đồng Hoàng Bình: Hiện các văn bản pháp quy mới điều chỉnh trong khu vực có quan hệ lao động như doanh nghiệp (DN), công ty, xí nghiệp (khu vực công nghiệp). Còn khu vực nông nghiệp, quan hệ giữa người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (SDLĐ) chỉ là quan hệ dân sự, do đó rủi ro rất dễ xảy ra. Có thể còn những khó khăn trong quản lý hiệu quả đối với ngành chức năng khi chưa hoàn thiện hành lang pháp lý, nhưng không phải là không có cách giải tốt về bài toán lao động nhập cư.  
 
DN Tuấn Sơn đứng chân ở Đức Trọng nhưng cung ứng lao động này cho địa bàn huyện Lạc Dương
DN Tuấn Sơn đứng chân ở Đức Trọng nhưng cung ứng lao động này cho địa bàn huyện Lạc Dương

Những lỗ hổng 
 
Chiều ngày 16/7, làm việc với Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Lâm Đồng, ông Hoàng Bình cho rằng: Những cơ sở pháp lý chưa đủ chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi cho cả NLĐ và người SDLĐ nông nghiệp; ý thức NLĐ và người SDLĐ không hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Quan hệ trong nông nghiệp đang là quan hệ dân sự cho nên phát sinh những mâu thuẫn là điều không thể tránh khỏi. Mặt khác, lực lượng lao động trong khu vực nông nghiệp hầu hết không đủ trình độ để vào làm khu vực công nghiệp, nơi có ràng buộc chặt chẽ về quan hệ lao động. Do nhận thức và năng lực hạn chế, do là đối tượng nghèo, họ gặp lực lượng “cò” lôi kéo và những “chiêu trò” dụ dỗ hấp dẫn, nên họ nhập vào guồng lao động mà phần lớn là công việc nặng nhọc và không thể biết những bất trắc phía trước. Khi chưa tạo được việc làm hợp pháp thì “cò” là tự phát và thực tế nhiều lĩnh vực khác cũng có “cò” không thể kiểm soát quản lý được. Thậm chí, mới đây, cơ quan chức năng TP. Hồ Chí Minh cho biết, ngay 3 DN dịch vụ việc làm giới thiệu người cho các Công ty Đức Hoàng và Tuấn Sơn ở Lâm Đồng chưa có giấy phép hoạt động. Điều này cho thấy, các ngành chức năng của Lâm Đồng chưa kiểm tra và quản lý chặt chẽ tính hợp pháp của “đầu vào” nguồn nhân lực từ nơi khác đến. Cũng do “đầu vào” thiếu những điều kiện đảm bảo nên phía người SDLĐ khu vực nông nghiệp phải chịu không ít những rủi ro. Thực tế ở Lâm Đồng đã xảy ra không ít tranh chấp gay gắt giữa NLĐ và người SDLĐ; có những NLĐ lộ nguyên hình trộm cắp tài sản và cả tội phạm nguy hiểm, gây ra trọng án. Đại tá, Trưởng Công an huyện Lâm Hà Kiều Văn Lân bày tỏ bức xúc thực trạng này khi trao đổi với chúng tôi vào ngày 18/7.         
 
Vì vậy, điều mà cả lãnh đạo các ngành chức năng và địa phương đều đặc biệt quan tâm đứng về phía người SDLĐ là sự thiệt thòi về tài chính và tài sản của họ bỏ ra bất chợt “không cánh mà bay”. Khi chưa có những cơ chế bảo hộ đủ mạnh của pháp luật, người SDLĐ đành có những hành xử với NLĐ thiếu hợp tình và cả bất hợp pháp như trấn áp, hù dọa, đánh người, thu giữ giấy tờ và đồ dùng cá nhân. “Hiện tình trạng này đang là lao động di cư tự do, một nghìn lẻ một bất trắc và rủi ro có thể xảy ra với họ, bởi họ rơi vào guồng quay khắc nghiệt của quan hệ dân sự”, Phó Giám đốc Hoàng Bình nhận xét. 
 
Và cách giải quyết 
 
Thượng tá, Trưởng Công an huyện Đức Trọng Phan Văn Thông cho chúng tôi biết: Ở Đức Trọng có 2 Công ty Tuấn Sơn và Đức Hoàng đều có đăng ký tạm trú ở địa phương, nhưng sau đó họ phân bổ lao động cho huyện Lâm Hà và các huyện khác nên chỉ có công an huyện đó quản lý, chúng tôi không thể quản lý được. Ngày 18/7, làm việc với UBND huyện Lâm Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đức Tài chứng minh mấy năm gần đây địa phương rất quan tâm việc quản lý lao động nhập cư bằng những chỉ thị, chương trình, kế hoạch của UBND huyện và các ngành chức năng. Địa bàn có hơn 40 trang trại và nhiều hộ rất cần nhân lực sản xuất cà phê, vấn đề an ninh trật tự đặc biệt quan tâm bằng nhiều nội dung cụ thể là đáng ghi nhận. Vấn đề là phương pháp triển khai thực hiện thực chất và hiệu quả đến đâu. Không thể một ngành hay một cấp mà cả hệ thống chính trị từ cấp huyện đến cấp xã, cấp thôn, xóm và cộng đồng xã hội cùng vào cuộc đồng bộ, quyết liệt và thường xuyên. “Quan trọng là công tác tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng và thứ nữa là phát huy tốt vai trò của các thôn”, ông Tài nói.        
   
“Tôi rất mong có được hành lang pháp lý từ Nhà nước để vấn đề lao động khu nông nghiệp như hiện nay giảm những rủi ro, tránh được những phức tạp không đáng có. Theo tôi, rất cần các địa phương kết nối”, ông Hoàng Bình nói. Thực tế cũng chưa có một quy định nào từ vĩ mô đối với địa phương cung và cầu nguồn nhân lực, vì vậy không thể chờ mà các địa phương cần xây dựng sự kết nối chặt chẽ. Rộng nhất là giữa địa phương cung (các tỉnh, thành) và địa phương có nhu cầu (Lâm Đồng). Hẹp hơn là sự kết nối, phối hợp chặt chẽ và hữu hiệu giữa các địa bàn trong tỉnh (bao gồm chính quyền các cấp cùng các ngành chức năng như công an, lao động-thương binh và xã hội, các cơ sở cung ứng nhân lực và các chủ sử dụng NLĐ…). Đã đến lúc các chính quyền địa phương ngồi lại với nhau để đề ra những kế hoạch phối hợp. 
 
Còn ngành LĐTB&XH, với chức năng chuyên môn của mình cần tăng cường hướng dẫn và giám sát kiểm tra nhiều hơn đối với DN cung ứng lao động. Những cơ sở này rất cần được trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật lao động như là điều kiện bắt buộc. Ngày 23/5/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2014/NĐ-CP quy định điều kiện, thủ tục cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm của DN hoạt động dịch vụ việc làm và có hiệu lực từ ngày 15/7/2014. Trong đó có quy định một số nội dung áp dụng để thu hồi giấy phép đối với DN rất cụ thể. Đây là cơ sở để ngành LĐTB&XH tổ chức triển khai tập huấn. Theo ông Hoàng Bình, nếu DN vi phạm lần 2 ở mức độ nặng ngành sẽ thu hồi giấy phép nhưng người ta lại mở ra DN khác. Song, khi có chế tài hạn chế đến cá nhân chủ DN vi phạm thì chắc chắn tình trạng này sẽ không dễ bị lách luật. Một vấn đề đồng thời khác là ngành LĐTB&XH cần phát huy hiệu quả chức năng của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lâm Đồng. Hiện, NLĐ và người SDLĐ khu vực nông nghiệp gần như chưa được hưởng lợi bao nhiêu từ Trung tâm này quả là một điều đáng tiếc.  
 
MINH ĐẠO