Phương thức "nhân dân làm công trình, Nhà nước hỗ trợ vật tư" trong Chương trình xây dựng nông thôn mới đã thực sự bám rễ cuộc sống và trở thành phong trào cứng hóa đường sá thôn quê. Qua đó, không ít công trình do dân góp vốn được đánh giá là mô hình tiêu biểu xây dựng đường giao thông nông thôn ở các địa phương trong tỉnh Lâm Đồng.
Phương thức “nhân dân làm công trình, Nhà nước hỗ trợ vật tư” trong Chương trình xây dựng nông thôn mới đã thực sự bám rễ cuộc sống và trở thành phong trào cứng hóa đường sá thôn quê. Qua đó, không ít công trình do dân góp vốn được đánh giá là mô hình tiêu biểu xây dựng đường giao thông nông thôn ở các địa phương trong tỉnh Lâm Đồng.
|
Người dân xã Liên Hiệp đứng ra thi công đường thôn |
Phương thức nêu trên chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi các cơ quan chức năng đưa ra một quy trình hướng dẫn người dân triển khai dự án đầu tư đường giao thông nông thôn đơn giản và dễ thực hiện. Đó là việc công bố mẫu thiết kế, hướng dẫn cơ chế mua vật tư, vật liệu, hóa đơn chứng từ và nhất là khâu lập hồ sơ thanh quyết toán. Nhờ vậy, người dân không những dễ dàng vận dụng các quy định này mà còn áp dụng một cách linh hoạt, sáng tạo trong việc huy động vốn trong dân để đầu tư công trình giao thông nông thôn. Điển hình là công trình giao thông nông thôn tổ 10, thôn An Hiệp, xã Liên Hiệp (Đức Trọng) với tổng vốn đầu tư trên 1,1 tỷ đồng. Sau khi được huyện đồng ý chủ trương xây dựng, Ban nhân dân thôn họp dân đưa ra thiết kế mẫu của Sở Giao thông vận tải và dự toán chi phí xây dựng công trình, chỉ 5 ngày sau người dân đã đóng góp đủ tiền đối ứng 791 triệu đồng. Đồng thời xã giao cho dân trong thôn chọn nhà thầu thi công, trực tiếp quản lý, giám sát công trình. Công trình thi công đến đâu người dân tự giải phóng mặt bằng tới đó, thậm chí có hộ còn hiến đất và vật kiến trúc trên đất trị giá gần 70 triệu đồng để đẩy nhanh tiến độ. Vậy là con đường dài 688m, rộng 5m, mặt đường bê tông xi măng dày 18cm được hoàn thành sau 24 ngày thi công. Nhìn vào qui cách, tiêu chuẩn của đường nông thôn thôn An Hiệp cũng cho thấy đạt chất lượng thi công. Theo cán bộ xã Liên Hiệp, dự án có tổng vốn đầu tư hơn tỷ đồng nhưng từ lúc họp dân tìm sự thống nhất đến khi triển khai và hoàn thành chỉ trong thời gian ngắn chưa đầy một tháng là nhờ biết phát huy tốt quy chế dân chủ cơ sở, tất cả các khoản thu chi đều thông qua người dân, ngay việc quyết định lựa chọn nhà thầu cũng do dân lựa chọn. Đó thực sự là “dân biết, dân bàn, dân giám sát, dân kiểm tra” nên mới thi công nhanh chóng và thuận lợi như thế.
Tương tự, hơn 110 hộ dân ở thị trấn Đạ M’ri (huyện Đạ Huoai) đã chung tay góp sức vào những công trình giao thông nông thôn của thị trấn bao gồm đất đai, cây trồng như sầu riêng, cà phê, hồ tiêu, hoa màu và vật kiến trúc ước tính trị giá gần 500 triệu đồng. Đó là chưa kể người dân góp tiền đối ứng thực hiện các dự án công trình giao thông nông thôn này. Nhờ vậy mà tuyến đường lô 3, tổ dân phố 3 và 4 có chiều dài 420m, nền đường rộng 6m, mặt đường bê tông xi măng rộng 5m, dày 16cm nhanh chóng được hoàn thành đưa vào sử dụng. Cùng đó, tuyến đường dài 904m, nền đường rộng 7m, mặt đường bê tông xi măng rộng 5m, dày 16cm nằm trong nội thị tổ dân phố 8 cũng sớm hoàn thành trước kế hoạch. Ngay như để xây dựng cống tràn tổ dân phố 3 với nguồn vốn đầu tư 100 triệu đồng, Nhà nước hỗ trợ 30%, còn lại dân đóng góp tới 70% cũng được người dân thuận lòng chung sức. Theo UBND thị trấn Đạ M’ri, trong quá trình thực hiện 4 công trình đường giao thông nông thôn theo phương châm "nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ vật tư" được triển khai một cách thuận lợi là do người dân “thông” sau khi được vận động. Do đó, gần 1,8km đường giao thông nông thôn trên địa bàn thị trấn có tổng vốn đầu tư 2,25 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp ngày công, tiền bạc hơn 984 triệu đồng và gần 3.000 m2 đất để góp sức xây dựng đường quê ngõ xóm khang trang, đạt 120% kế hoạch trên giao.
Theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng, phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn theo phương thức “nhân dân làm công trình, Nhà nước hỗ trợ vật tư” đã lan rộng khắp cộng đồng dân cư trong tỉnh và được người dân nhiệt tình hưởng ứng qua việc đóng góp tiền của, ngày công, hiến đất xây dựng. Qua đó, ngày càng có nhiều mô hình tiêu biểu trong việc huy động vốn, ngày công, cách thức quản lý sử dụng nguồn vốn… cần được nhân rộng mà đơn cử như ở xã Liên Hiệp, thị trấn Đạ M’ri là những mô hình tiêu biểu xây dựng đường giao thông nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.
KHẢI NHIÊN