Một số giải pháp hoàn thiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại huyện Di Linh

08:07, 18/07/2014

Di Linh là huyện có diện tích đất đai lớn, có tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất trong tỉnh, việc cấp GCNQSD đất trong những năm qua đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo.

Di Linh là huyện có diện tích đất đai lớn, có tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất trong tỉnh, việc cấp GCNQSD đất trong những năm qua đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo. Nhưng do nhu cầu được cấp GCNQSD đất để thế chấp vay vốn sản xuất, mua bán, chuyển nhượng tăng cao, trong khi đó thì thủ tục đăng ký, cấp GCNQSD đất tuy đã được cải cách nhưng vẫn rất rườm rà, phức tạp dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai nhiều và phức tạp, làm ảnh hưởng đến uy tín, vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương. 
 
Vì vậy, việc “hoàn thiện” công tác cấp GCNQSDĐ của cơ quan hành chính nhà nước là rất cần thiết và hết sức quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ “hài lòng” của người dân. Bên cạnh đó, việc áp dụng cơ chế một cửa của các cấp chính quyền thời gian qua cũng còn nhiều vấn đề cần cải tiến.  
 
Với mong muốn tìm hiểu ý kiến đánh giá của người dân, những người trực tiếp sử dụng dịch vụ hành chính công theo cơ chế “một cửa” tại huyện Di Linh tỉnh Lâm Đồng, tôi thực hiện đề tài nghiên cứu: “Một số giải pháp hoàn thiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại huyện Di Linh - tỉnh Lâm Đồng”, để từ đó khuyến nghị các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. 
 
Nhằm đánh giá thực trạng về ưu điểm, tồn tại hạn chế, đề ra được những giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ cấp GCNQSDĐNN của huyện, đề tài nghiên cứu: “Một số giải pháp hoàn thiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại huyện Di Linh - tỉnh Lâm Đồng” đã tiến hành khảo sát 271 phiếu với những người từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn 4 xã và 1 thị trấn. Những đối tượng này đã từng đến bộ phận một cửa của xã, thị trấn, văn phòng UBND huyện để làm thủ tục xin cấp GCNQSDĐ trong thời gian 3 năm từ 2010 - 2012 với các yếu tố ảnh hưởng đến sự “hài lòng” của người dân. Sau khi tổng hợp kết quả khảo sát cho thấy: có 4 nhân tố thực sự tác động đến sự hài lòng của người dân, gồm: (1) Phương tiện hữu hình, (2) Sự đồng cảm, (3) Sự tin cậy, (4) Năng lực phục vụ. Trong đó, hai nhân tố Phương tiện hữu hình, Sự đồng cảm và Sự tin cậy có ảnh hưởng nhiều nhất đến sự hài lòng của người dân. Tuy nhiên, 4 nhân tố này chỉ giải thích được 55,9% mức độ hài lòng của người dân về chất lượng dịch vụ “một cửa”, nghĩa là còn 44,1% là do các nhân tố khác tác động mà mô hình nghiên cứu chưa được khám phá.
 
Từ mức độ ảnh hưởng của các  nhân tố qua kiểm định như đã nêu ở trên, đề tài nghiên cứu đã đưa ra một số giải pháp nhằm hoàn thiện công tác cấp GCNQSDĐ của huyện Di Linh trong thời gian tới như sau:
 
Để nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công theo cơ chế “một cửa” nhằm hoàn thiện công tác cấp GCNQSDĐ tại bộ phận “một cửa” của cơ quan hành chính huyện Di Linh cần: Đảm bảo trang bị ngày càng đầy đủ cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ cho bộ phận “một cửa” ngày càng tốt hơn như: phòng chờ có ghế ngồi, quạt hoặc máy lạnh, bàn ghế để viết, công khai quy trình, thủ tục, thời gian giải quyết, trang web để tra cứu, khu vệ sinh công cộng, nước rửa, nước uống, phương tiện kỹ thuật phục vụ chuyên môn cho cán bộ, công chức… Luôn luôn tạo cho người dân có cảm giác gần gũi, thân thiện, luôn quan tâm đến người dân, động viên chia sẻ, giúp đỡ khi người dân gặp khó khăn. Tạo sự tin cậy về thời gian, độ chính xác của hồ sơ, thông tin cần cung cấp cho người dân khi đến làm việc đối với bộ phận “một cửa”. Phải thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, văn hóa công sở để nâng cao trách nhiệm, năng lực, tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức đối với nhân dân. Thường xuyên bổ sung, sửa đổi để hoàn thiện quy trình, thủ tục cải cách hành chính, nhất là thủ tục, quy trình về cấp GCNQSDĐ theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch, nhằm thuận tiện, giảm bớt phiền hà và hạn chế tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, đối với nhân dân. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và thông tin lưu trữ về đất đai đồng bộ từ huyện đến địa phương theo hướng thương mại hóa thông tin đất đai, dần dần tiến tới thực hiện tự chủ về tài chính. Tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên trách tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật trong đó cần quan tâm đến các chính sách, pháp luật về đất đai, quy trình, quy định về hoạt động của bộ phận “một cửa’’ tại UBND huyện để cán bộ, nhân dân biết chấp hành và giám sát đối với bộ phận “một cửa” của huyện.
 
Đối với Nhà nước: Cần tiếp tục xây dựng, bổ sung ngày càng hoàn thiện hệ thống pháp luật; trong xây dựng luật phải sử dụng từ một nghĩa, dễ hiểu, dễ thực hiện, phù hợp với thực tiễn (có xem xét đến yếu tố lịch sử, tính dân tộc), tránh sự chồng chéo, hiểu thế nào cũng được dẫn đến thực hiện sai hoặc bị lợi dụng; thường xuyên tuyên truyền giáo dục pháp luật đến các tầng lớp nhân dân để người dân biết chấp hành và giám sát công chức nhà nước thực thi pháp luật. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính lạc hậu, không còn phù hợp để kịp thời loại bỏ nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân khi đến làm việc với cơ quan quản lý hành chính Nhà Nước; nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ và ý thức phục vụ nhân dân cho cán bộ, công chức, hạn chế, ngăn chặn tình trạng tham ô, tham  nhũng, gây phiền hà cho nhân dân.
 
Đối với  Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng: Hoàn thiện hệ thống tiêu  chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật trên các lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai; xây dựng và hoàn thiện định mức sử dụng đất. Hoàn thành đo đạc, lập bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính, thường xuyên sửa đổi, bổ sung quy trình, quy định về cấp GCNQSDĐ, QSDNO và tài sản gắn liền trên đất nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân và hạn chế được tiêu cực, tham nhũng, gây phiền hà của cán bộ, công chức. Hoàn thiện phương pháp, quy trình và mở rộng điều tra cơ bản trong lĩnh vực đất đai, đánh giá tiềm năng đất đai và hiệu quả sử dụng đất phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Hoàn thiện phương pháp, nội dung, quy trình, kế hoạch sử dụng đất; thực hiện lồng ghép quy hoạch với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu; đối với đô thị cần nghiên cứu quy trình lồng ghép quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch đô thị.
 
TRẦN QUỐC LẬP